Có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính song một trong những nguyên nhân hàng đầu là những người sử dụng thuốc lá quá nhiều.
Sử dụng máy đo chức năng hô hấp phát hiện sớm mắc bệnh phổi tắc nghẽn. Ảnh minh họa. Nguồn: SYTHD
"Sát thủ" vô hình
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng bệnh lý ở phổi với sự giới hạn thông khí không thể phục hồi hoàn toàn, gây nên tình trạng tắc nghẽn lưu thông khí, gia tăng lượng khí cặn trong phổi, khiến bệnh nhân khó thở.
Là một trong những bệnh gây tàn phế và có tỉ lệ tử vong cao, COPD làm giảm chức năng hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy vậy, hầu hết bệnh nhân thường tìm đến cơ sở y tế khi bệnh đã đến giai đoạn muộn, tình trạng tắc nghẽn đã nặng.
Không thể coi thường
Qua khai thác bệnh nhân điều trị có khoảng 85% bệnh nhân mắc COPD có tiền sử nghiện thuốc lá, thuốc lào. Hút thuốc lá làm tăng nhanh tốc độ suy giảm chức năng phổi, bệnh nhân dễ bị những cơn kịch phát cấp hơn, đáp ứng với thuốc điều trị kém đi. Khói thuốc lá và các chất độc hại hít vào phổi sẽ gây ra viêm bất thường trong phổi và toàn bộ cơ thể.
Bên cạnh các tác nhân gây bệnh như: Ô nhiễm không khí, môi trường làm việc ô nhiễm, hoá chất độc hại, khói bếp… thì hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây nên triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn.
Bệnh nhân vẫn tiếp tục hút thuốc khi đã mang bệnh sẽ càng gia tăng các triệu chứng, kéo dài thời gian điều trị, khó duy trì được sự sống. Tuy nhiên, có đến 20% số bệnh nhân dù bệnh nặng và đã được tư vấn tận tình vẫn không thể cai thuốc thành công.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây nhiều gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội. Bệnh nhân nên từ bỏ thuốc lá để giúp làm chậm diễn biến nặng lên của bệnh, tránh các đợt cấp gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn mà thường tiến triển nặng dần theo thời gian với những cơn cấp nặng đe dọa tính mạng người bệnh. Bệnh nhân phải dùng thuốc điều trị kéo dài với chi phí điều trị khá cao nhằm giảm nhẹ triệu chứng, ngăn ngừa tiến triển của bệnh, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm nguy cơ tử vong.
Bệnh thường khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Khi nghi ngờ bị bệnh hoặc thấy có các triệu chứng ban đầu như ho khạc đờm nhầy trắng kéo dài vào buổi sáng, khó thở khi gắng sức, nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Bệnh nhân cần tuân thủ các chế độ điều trị về thuốc men, tập luyện, ăn uống dinh dưỡng và thời gian tái khám để đạt hiệu quả điều trị cao nhất. Hãy nói không với thuốc lá để phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho bản thân và những người xung quanh.