Sống khỏe

Bóng Galaxy: đẹp thì có đẹp, an toàn... tùy người bán

TTO - Tại các thành phố lớn, ở những điểm vui chơi, trường học... không khó bắt gặp những quả bong bóng gắn đèn nhiều màu được gọi là bóng Galaxy. Loại bóng này có an toàn?

Bóng Galaxy: đẹp thì có đẹp, an toàn... tùy người bán - Ảnh 1.

Một trong những sinh viên bị phỏng được điều trị tại bệnh viện và loại bóng bay Galaxy - Ảnh: Bệnh viện E

Chiều 26-2, tại Hà Nội, 3 sinh viên khi bán bong bóng Galaxy gặp sự cố phát nổ phải đưa đi cấp cứu với nhiều vết phỏng ở tay, mặt, cổ… 

Các sinh viên cho biết bóng được mua tại chợ đầu mối nên không biết bên trong chứa loại khí gì.

Có gì trên quả bóng Galaxy?

Bóng Galaxy có nhiều tên gọi như: bong bóng đèn LED, bong bóng phát sáng nhưng được gọi nhiều nhất với tên Galaxy.

Loại bóng này có nhiều màu sắc khác nhau như vàng, hồng, xanh, tím hay cả 7 màu. Giá bán lẻ trung bình 60.000-100.000 đồng/quả, giá sỉ dao động 20.000-35.000 đồng/quả.

Khác các loại bóng bay thông thường, vỏ bóng Galaxy được làm bằng silicon. Bên ngoài bong bóng người ta quấn dây đèn LED kết nối với hộp pin tiểu bên dưới. Chỉ cần bấm nút là đèn phát sáng, khi không sử dụng có thể tắt đi.

Thời gian phát sáng của bong bóng Galaxy khá dài, có thể bật liên tục cho đến khi hết pin và có thể thay pin mới.

Một số người bán bóng bay tại TP.HCM tự bơm bóng bay bằng tay khi có khách hàng hỏi mua để chứng minh an toàn, vì khi bơm bằng tay tức bơm không khí. Do bóng không bay lên được nên người ta thường gắn thêm bong bóng vào những que dài cũng có gắn đèn LED phát sáng.

Tuy nhiên, không ít người bán những quả bóng bơm căng sẵn do không muốn người mua chờ đợi, trong đó có những quả bóng cột dây để thả bay. Khách hàng không thể biết trong bóng bay chứa những gì.

Làm gì để giữ an toàn?

Bóng Galaxy: đẹp thì có đẹp, an toàn... tùy người bán - Ảnh 2.

Cần cẩn trọng khi sử dụng bóng bay - Ảnh: Ebay.co.uk

Với bóng bay Galaxy, dù vỏ bên ngoài bằng silicon nhưng nếu làm bằng silicon nguồn gốc không rõ ràng sẽ mỏng hơn bình thường gây nguy cơ rò rỉ khí bên trong.

Bên ngoài bong bóng, dây đèn LED cũng tiềm tàng nguy hiểm. PGS-TS Dương Hoài Nghĩa, bộ môn Cơ sở kỹ thuật điện ĐH Bách Khoa TP.HCM, cho biết dây đèn LED phát sáng lâu cũng là một nguồn nhiệt có thể làm khí hydro trong quả bóng phát nổ.

Ngoài ra, khi dây đèn quấn quanh bóng không kĩ hay chỗ tiếp xúc giữa dây và bóng đèn LED có trục trặc cũng sẽ phát nhiệt hoặc sinh ra tia lửa điện. Nếu khí hydro sinh ra đến ngay vị trí này sẽ nổ.

Để an toàn, cần cẩn trọng khi sử dụng bóng bay Galaxy nói riêng và bóng bay nói chung.

Không nên giữ bóng bay trong phòng kín hay xe ô tô bởi nếu không may chạm vào nguồn nhiệt như hơi nóng của bóng đèn cũng có thể phát nổ. Cũng không nên để bóng bay quá lâu dưới trời nắng.

Tránh để bóng bay tiếp xúc với nguồn nhiệt như thuốc lá, hộp quẹt hay bếp gas. Tránh cầm một lúc quá nhiều chùm bóng bay trên tay vì có thể tạo ra ma sát vỏ bóng gây nguy hiểm.

Để bóng bay lên, người ta bơm vào những khí nhẹ hơn không khí. An toàn nhất là khí heli. Ở trong điều kiện bình thường heli là chất khí trơ, thuộc nhóm khí hiếm - không tham gia các phản ứng ở điều kiện thường - và không cháy, không màu, không mùi, không vị, không độc.

Nhưng vì lí do lợi nhuận, người ta thường bơm khí hydro vào bong bóng thay vì heli, mà hydro lại rất dễ gây cháy. Đặc biệt nếu không khí bị lẫn hydro chỉ từ 4% trong điều kiện có lửa sẽ dẫn đến phát nổ.

Ngoài ra, nếu không khí và hydro hòa lẫn với nhau ở tỉ lệ 1:1 thì chỉ trong điều kiện ánh sáng bình thường cũng sẽ gây nổ.

Do đó trong thực tế, bóng bay được bơm căng khí hydro khi gặp nguồn nhiệt như bật lửa, tàn thuốc, ánh sáng mặt trời, bóng đèn đang phát sáng… có thể phát nổ, gây cháy làm bỏng da hoặc thậm chí có thể gây hư hại mắt.

Trong trường hợp người bán thiếu hiểu biết mà trộn các khí ở tỷ lệ không phù hợp thì có thể gây nổ ngay ở điều kiện bình thường mà không cần tiếp xúc với nguồn nhiệt.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,218,866       480