Sống khỏe

Thuế môi trường, cứ khó khăn lại tăng thuế

TTO - Sao không cắt giảm chi tiêu lãng phí ở các tỉnh thành và bộ ngành, mà Bộ Tài chính chỉ chăm chăm vào việc tăng thuế, phí?

Thuế môi trường, cứ khó khăn lại tăng thuế - Ảnh 1.

Bộ Tài chính đề xuất từ ngày 1-7-2018, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng lên kịch khung 4.000 đồng/lít, đem lại cho ngân sách nhà nước hơn 15.500 tỉ đồng/năm. 

Có lẽ đây là lần thứ n... bộ này muốn tăng thuế bảo vệ môi trường. Dù có đủ lập luận hay gọi dưới tên gì đi nữa cũng không thể che lấp sự thật rằng tăng thuế bảo vệ môi trường là nhằm bù đắp nguồn thu ngân sách đang khó khăn.

Với việc các khoản chi thường xuyên hiện chiếm tới 70% thu ngân sách quốc gia, trong đó chủ yếu chi cho con người, tiền lương và các hoạt động không sinh lợi khác, chỉ còn phần ít ỏi còn lại chi cho đầu tư phát triển, buộc Bộ Tài chính phải tìm thêm nguồn thu cho ngân sách. 

Và thuế môi trường được xem là nguồn thu tiềm năng bởi người dân không cách nào khác là phải chi trả do xăng dầu là mặt hàng không thể thiếu được trong cuộc sống.

Giải pháp này lúc đầu sẽ giúp ngân sách bớt căng thẳng nhưng về lâu dài những tác hại của nó rất khó lường. Gánh nặng thuế phí tăng cao làm tăng giá cả, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. 

Nhưng việc cho tăng thuế, tức khai thác nguồn thu này quá dễ dàng có thể dẫn đến thói quen cứ mỗi khi ngân sách khó khăn, Bộ Tài chính lại có lý lẽ để tăng thuế, phí. 

Đến lúc nào đó, không khéo Bộ Tài chính cũng mất luôn động lực giải bài toán căn cơ hơn là cơ cấu lại nguồn thu ngân sách bằng cách cắt giảm mạnh chi tiêu và tăng cường mở rộng cơ sở thuế. Khi Bộ Tài chính giảm động lực này, nền kinh tế và người dân phải gánh chịu thiệt thòi.

Vậy tại sao các bộ ngành không quyết liệt tiết kiệm chi thường xuyên, không chỉ dừng ở một con số 10%/năm mà phải lũy tiến tăng thêm 12, 14 rồi 16%...? Giả sử tiết kiệm được 2% chi phí thường xuyên mỗi năm, con số này là khoảng 15.000 tỉ đồng mà không cần phải tăng thuế bảo vệ môi trường, phí khác.

Có thể Bộ Tài chính không muốn đẩy nhanh hơn, cao hơn những con số tiết kiệm chi thường xuyên bởi nó động chạm đến nhiều người. Cắt giảm chi tiêu lãng phí ở các tỉnh thành và bộ ngành một tí có thể gặp phải những phản ứng khó lường. Trong khi tăng thu từ người dân và doanh nghiệp là dễ dàng và nhanh hơn cả.

Hoàn thành kế hoạch thu ngân sách theo kiểu này vừa có thành tích, vừa có phiếu bầu tín nhiệm ở các tỉnh thành và bộ ngành sử dụng vốn ngân sách. 

Nhưng cần nhớ rằng, trong phiên giải trình trước Quốc hội vào dịp cuối năm 2017, Thủ tướng có hứa trước nhân dân sẽ "triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên". Vậy thì đầu năm, ước mong Bộ Tài chính lấy lời hứa này để thực hiện phương châm "nói đi đôi với làm". 

Nhưng làm ở đây không phải tăng thuế, trong đó có thuế môi trường, mà phải mạnh tay rà soát, gỡ dần tiến tới xóa bỏ những khoản chi bất hợp lý. Chỉ có thế mới xóa bỏ được thói quen khó khăn lại nghĩ đến tăng thuế.

Ngân sách căng thẳng,  phải triệt để tiết kiệm Ngân sách căng thẳng, phải triệt để tiết kiệm Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy hành chính năm 2014 Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy hành chính năm 2014 Cải cách tốt bộ máy, tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng/năm Cải cách tốt bộ máy, tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng/năm
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,373,289       166