Sống khỏe

Rừng dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm bị ủi thô bạo

TTO - Để phục vụ dự án khách sạn, resort cao cấp ngay trên bãi biển Cù Lao Chàm, một doanh nghiệp đã đưa máy móc san ủi một phần rừng đặc dụng ở khu dự trữ sinh quyển thế giới, bất chấp sự phản đối của chính quyền địa phương.

Rừng dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm bị ủi thô bạo - Ảnh 1.

Những tòa nhà bêtông của khu resort đang hoàn thiện trên bìa rừng và phần cầu cảng vươn ra biển tại dự án của công ty du lịch Cù Lao Chàm - Ảnh: B.D.

Trưa 22-2, khi trực tiếp thị sát khu vực xây dựng resort, khách sạn cao cấp của Công ty thương mại - đầu tư - du lịch Cù Lao Chàm trên đảo Cù Lao Chàm, ông Lê Trí Thanh - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - đã yêu cầu các sở ngành tập hợp hồ sơ, báo cáo gấp toàn bộ quy trình thủ tục pháp lý về dự án này, muộn nhất trong tháng 2 phải hoàn thành để UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra ý kiến. 

Ông nói: "Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới, một giá trị vô cùng lớn, nếu xây dựng phát triển mà can thiệp thô bạo, phá rừng thì nhất định phải xử lý chứ không bất chấp được".

Tự đáy lòng mà nói, tôi và người dân ở đây đều chung ý nguyện là muốn giữ lại Cù Lao Chàm nguyên sơ như trước đây

Ông Trần Tấn Dũng (bí thư xã Tân Hiệp)

Ủi rừng đặc dụng, làm cầu cảng quy mô

Công trường xây dựng khu resort cao cấp của Công ty thương mại - đầu tư - du lịch Cù Lao Chàm nằm ở viền chân đảo Cù Lao Chàm trưa 22-2 vẫn thi công hối hả. 

Sát bãi biển, những khối nhà bằng bêtông lớn đã thành hình, công nhân đang gia cố những công đoạn cuối cùng. Sau lưng các khối nhà này là tuyến đường dân sinh chạy vòng quanh đảo. 

Đây là con đường cũ lâu nay, kết nối trung tâm Cù Lao Chàm với các khu vực lân cận. Tuy nhiên, đáng nói là một tuyến đường khác đang được máy móc san ủi xuyên qua những mảng rừng tự nhiên để chuẩn bị thay thế cho tuyến đường cũ.

Đại diện UBND xã Tân Hiệp, Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và UBND TP Hội An đều bày tỏ sự bức xúc. 

"Tuyến đường dân sinh chạy vòng quanh chân đảo được sử dụng lâu nay để đi lại thì nay doanh nghiệp ủi hẳn một tuyến đường khác nằm ở phía cao hơn (trên núi), ý định của họ là sắp tới sẽ khóa tuyến đường cũ để lấy đất phục vụ dự án du lịch, việc đi lại sẽ theo con đường mà doanh nghiệp vạch ra. 

Việc mở đường mới này đã phá hoại rất nhiều rừng, trong khi đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới" - đại diện Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết.

Đại diện xã Tân Hiệp bức xúc, trình bày với ông phó chủ tịch tỉnh: từ khi resort này thi công đến nay, chính quyền, cả ban quản lý bảo tồn biển đều không nhận được sự phối hợp: "Khi chúng tôi yêu cầu kiểm tra thì doanh nghiệp không hợp tác, cấm cửa không cho vào thị sát diện tích rừng bị phá". 

Dọc tuyến đường huyết mạch bằng bêtông chạy quanh đảo ở đoạn thi công resort, nhiều lối vào công trường được mở ra và tại các điểm này luôn có bảo vệ canh gác, đến cả lực lượng của chính quyền vào kiểm tra cũng bị chặn lại.

Tương tự, ông Nguyễn Thế Hùng - phó chủ tịch UBND TP Hội An - cũng cho biết Hội An không nhận được sự hợp tác trong việc mở đường trong rừng tự nhiên Cù Lao Chàm. 

Nhiều lần mời đại diện công ty này lên làm rõ việc phá rừng thì phía công ty hồi đáp miệng rằng "chưa tới mức phải làm việc". 

"Hiện nay, doanh nghiệp còn cho xây dựng một cầu cảng quy mô, phía ngoài cầu cảng còn bố trí một địa điểm giống như... bãi đáp trực thăng" - ông Hùng nói.

Chưa biết hạng mục này là gì nhưng mới đây, Tỉnh đội Quảng Nam đã có văn bản đề nghị doanh nghiệp không được xây bãi đáp trực thăng trên cầu cảng.

Rừng dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm bị ủi thô bạo - Ảnh 3.

Một lối mở đi lên rừng tự nhiên được đơn vị thi công xẻ ra phục vụ - Ảnh: T.B.D.

Tội nghiệp Cù Lao Chàm

Trên đảo Cù Lao Chàm, không riêng dự án của Công ty du lịch Cù Lao Chàm mà còn có một khu resort khác nằm trong khu vực quân sự ở khu bảo tồn rùa biển và hệ sinh thái san hô dưới đáy biển. Tuy nhiên dự án này hiện đã bị bỏ hoang, vắng lặng.

Bà Trần Thị Hồng Thúy - giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - nói rằng tình trạng xâm hại Cù Lao Chàm hiện nay đang ở mức báo động. 

Đó không chỉ là việc lượng khách tới quá đông gây áp lực lên đảo, việc ngư dân các tỉnh xâm hại ngư trường khiến hệ sinh thái san hô, tôm hùm, cua đá và các loài sinh vật biển đặc hữu ở Cù Lao Chàm trở nên nguy cấp. 

Nặng nề nhất là dự án resort của Công ty du lịch Cù Lao Chàm có quy mô lớn, đe dọa trực tiếp đến hệ sinh thái rừng.

Bà Thúy xót xa: "Người dân Cù Lao Chàm không dám chặt một cành củi tươi ở đây. Vậy mà để phục vụ dự án làm resort và du lịch, người ta cho ủi cả rừng tự nhiên để làm đường phục vụ dự án. Nếu những hình ảnh như thế được phát tán ra bên ngoài thì nguy cơ Cù Lao Chàm bị quốc tế rút danh hiệu khu dự trữ sinh quyển thế giới là chắc chắn!".

Cùng chung nỗi bức xúc, ông Trần Tấn Dũng - bí thư xã Tân Hiệp - nói rằng cần cứu lấy hòn đảo này trước khi nó bị băm nhỏ. 

Ông tha thiết: "Tự đáy lòng mà nói, tôi và người dân ở đây đều chung ý nguyện là muốn giữ lại Cù Lao Chàm nguyên sơ như trước đây".

Resort sẽ hút hết nước ngọt của dân đảo

Ông Nguyễn Thế Hùng - phó chủ tịch UBND TP Hội An - cảnh báo: "Không chỉ tác động, phá vỡ hệ sinh thái Cù Lao Chàm mà resort của Công ty du lịch Cù Lao Chàm khi đi vào hoạt động sẽ hút cạn nguồn nước của dân cư trên đảo.

Hiện nay đảo có 2.800 dân. Khi chúng tôi cho khảo sát nguồn nước ngọt có sẵn trên đảo thì chỉ đủ sử dụng cho dân tại chỗ, tương lai nguồn nước ngầm sẽ khan hiếm.

Sắp tới resort của Công ty du lịch Cù Lao Chàm đi vào hoạt động, lượng nước phục vụ cho resort này mỗi ngày bằng tổng nguồn nước mà dân đảo sử dụng.

Khách sạn này sẽ lấy hết nước trên đảo, dân sẽ không còn nước để xài nữa".

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,386,856       231