Sống khỏe

Khơi thông cảm hứng xã hội từ những hoạt động giản dị

TTO - Tham gia ý kiến về chủ đề "Có niềm tin, có sức mạnh!", TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng cần khơi thông cảm xúc sáng tạo, dâng hiến luôn có sẵn trong mỗi người dân để các cảm xúc đó có thể thăng hoa thành sức mạnh lớn lao.

Khơi thông cảm hứng xã hội từ những hoạt động giản dị - Ảnh 1.

VN có nhân tài về công nghệ thông tin nhưng vẫn bị đánh giá thấp ở nhiều tiêu chí. Trong ảnh: tại một cuộc nói chuyện về khởi nghiệp trong ngành công nghệ thông tin - Ảnh: Đ.THIỆN

Hơn thế nữa, mỗi vị lãnh đạo cần sống tử tế, gương mẫu để người dân đặt niềm tin bền vững vào chế độ xã hội, để rồi sau đó đủ cảm hứng mang hết vàng, ngoại tệ ra cho đầu tư phát triển mà không chút lăn tăn

TS Nguyễn Minh Hòa

Chiến thắng của các chàng trai U-23 đã mang đến cho hàng triệu trái tim người Việt một cảm xúc trào dâng lòng tự hào dân tộc và tự tin vào một tương lai tươi sáng hơn.

Có niềm tin, biết mình đứng ở đâu, là có sức mạnh! Có niềm tin, biết mình đứng ở đâu, là có sức mạnh!

TTO - Nhìn không khí cả nước những ngày U23 Việt Nam làm nên kỳ tích, mỗi người cần định vị lại vị trí, thắp lên ngọn lửa từ nguồn năng lượng mà từ trước đến nay chúng ta không nghĩ mình đang có.

Một quốc gia muốn phát triển thì cần nhiều cảm xúc mạnh mẽ như thế ở nhiều cấp độ và quy mô khác nhau, không chỉ trong thể thao mà còn trong kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật và khoa học.

Đừng để dân thờ ơ

Một quốc gia, một tổ chức sẽ không thể nào phát triển nếu không tạo ra được cảm xúc tích cực cho cả dân tộc, cho mỗi tập thể và mỗi cá nhân. Khi họ có khát khao mãnh liệt muốn được sống, được học tập, được làm việc và muốn cống hiến hết sức lực của mình cho đất nước mà không chút đắn đo, khi đó và chỉ khi đó "con hổ mới" (như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói) mới xuất hiện.

Lịch sử đất nước Việt Nam đã có những thời kỳ tạo ra được cảm hứng vô cùng mạnh mẽ. Nếu không tạo ra và truyền cảm hứng như thế thì đất nước chắc chắn không có được hàng triệu chàng trai trẻ đi vào chỗ sinh tử mà "lòng phơi phới dậy tương lai"; không thể có được thủy lợi Bắc Hưng Hải, hồ Kẻ Gỗ, thủy điện Sông Đà; không có hàng chục ngàn thanh niên quần loe, tóc dài rời bỏ "Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi" bất chấp hiểm nguy lao ra biên giới Tây Nam...

Một trong những điều đáng sợ nhất là khi mà người dân và nhất là người trẻ không còn quan tâm đến vận mệnh đất nước, tỏ ra thờ ơ với mọi chuyện xung quanh, thờ ơ với cái xấu, quay lưng lại với bất công xã hội, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, thậm chí thờ ơ với ngay chính mạng sống mình, thái độ chán nản, buông xuôi để cho mọi chuyện muốn đến đâu thì đến, khi ấy đất nước sẽ dần lụn bại.

Tạo môi trường cho cảm hứng

Cảm xúc sáng tạo, dâng hiến luôn có sẵn trong mỗi chúng ta. Các cảm xúc đó có thể thăng hoa thành sức mạnh lớn lao nhưng cũng có thể không bao giờ xuất hiện, tùy thuộc vào môi trường mà chúng ta sống. Chính vì thế mà có chuyện những trí thức trẻ, những doanh nhân dường như rất mờ nhạt ở nơi này lại phát sáng lung linh ở nơi khác, đất nước khác.

Hơn lúc nào hết, đất nước chúng ta cần lắm một môi trường đảm bảo có những điều kiện tốt về luật pháp, chính trị, vật chất, tinh thần, tâm lý để cho cảm xúc tích cực xuất hiện và thăng hoa. 

Trong môi trường như thế, các bạn trẻ sẽ có cảm hứng mạnh mẽ và dám chấp nhận rủi ro để khởi nghiệp, các doanh nhân có đủ cảm hứng để dám dồn hết tất cả sức lực và của cải đầu tư cho doanh nghiệp của mình, các nhà khoa học có cảm hứng tìm tòi phát hiện những cái mới, các chiến sĩ có cảm hứng để vững tay súng nơi hải đảo, biên giới, còn người dân tìm được cảm hứng sống ở ngay trên mảnh đất quê hương để không phải mang con cháu đi tìm "thiên đường" nơi xa.

Muốn có môi trường như thế, trước hết là Chính phủ trung ương, chính quyền tỉnh, thành các cấp cần có những chương trình hành động đúng, dự án tốt, chính sách phù hợp để tạo cảm hứng cho nhân dân. Hơn thế nữa, mỗi vị lãnh đạo cần sống tử tế, gương mẫu để người dân đặt niềm tin bền vững vào chế độ xã hội, để rồi sau đó đủ cảm hứng mang hết vàng, ngoại tệ ra cho đầu tư phát triển mà không chút lăn tăn.

Mùa xuân khởi đầu cho một năm, cũng là khởi đầu cho hi vọng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bộ máy của ông đang tích cực hiện thực hóa ý tưởng về một Chính phủ đóng vai trò kiến tạo ra môi trường lành mạnh và đường hướng để cho nhân dân được tự do làm ăn. Những cảm hứng mới sẽ xuất hiện nhiều hơn, mạnh hơn trong năm 2018 này bắt đầu từ tư tưởng kiến tạo xã hội của ông.

Chúng ta có quyền và đủ cơ sở để tin như thế.

Bắt đầu từ những hoạt động giản dị

Tạo cảm hứng để lôi kéo mọi người sống tử tế hơn không cần phải huy động nguồn lực to tát, đôi khi chỉ bắt đầu từ những hoạt động thật giản dị là tạo ra được động lực.

Các thầy giáo ở Trường tiểu học Tri Lễ (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) đã cùng học sinh luyện tập điệu dân vũ lấy chất liệu từ cuộc sống hằng ngày như tiếng trống trường, tiếng trẻ đọc bài, tiếng vỗ tay, tiếng chày giã muối với hạt mắc khén, tiếng dao băm thịt chuột trên thớt gỗ, tiếng rửa bát chén lách cách mỗi buổi sáng... Chính điều này đã giúp cho học sinh dân tộc ít người có cảm hứng học tập, gắn bó với trường lớp.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,237,089       408