TTO - Không im lặng, cam chịu hoặc đắm chìm trong khủng hoảng, nhiều bạn trẻ Mỹ đã chủ động lên tiếng chống lại việc lạm dụng súng đạn sau biến cố 14-2 vừa qua. Họ muốn tự cứu lấy mình và thế hệ sau mình.
Các học sinh Trường trung học Marjory Stoneman Douglas tham gia cuộc trao đổi với các nhà lập pháp bang Florida về vấn đề tăng cường luật kiểm soát súng tại thành phố Tallahassee, thủ phủ bang Florida ngày 20-2 - Ảnh: REUTERS
Khi tiếng chuông báo động vang lên ở ngôi Trường trung học Marjory Stoneman Douglas và các giáo viên hét toáng lên "Báo động đỏ!", nữ sinh 17 tuổi Delaney Tarr biết rất rõ cần phải làm gì.
Cô chạy ngay tới nơi an toàn nhất trong lớp học, ở đó đã có 19 bạn cùng giáo viên của họ đang trú ẩn. "Tôi đã được chỉ bảo cách thức ứng phó như vậy trong nhiều năm" - Tarr kể lại.
Thế hệ của những bạn trẻ Mỹ như Tarr lớn lên với những diễn tập ứng phó tình huống khẩn cấp. Cha mẹ và thầy cô luôn cảnh báo và chỉ dẫn các thao tác phòng vệ khi bất trắc.
Tôi muốn các chính trị gia của chúng tôi hãy thôi nghĩ về tiền bạc để bắt đầu nghĩ về tất cả những sinh mạng chúng ta vừa mất đi. Tôi muốn nói với ông ấy (Tổng thống Donald Trump) về việc thay đổi những luật này. 17 người đã chết, họ bị giết chỉ trong vài phút
Nữ sinh Tyra Hemans, Trường Stoneman Douglas High, nói khi dự đám tang 1 trong 17 nạn nhân thiệt mạng
Không im lặng
Thế hệ đó đã trưởng thành. Và sau khi một kẻ sát nhân 19 tuổi lạnh lùng sát hại 17 người tại Trường trung học Marjory Stoneman Douglas hôm 14-2, rất nhiều học sinh đã không nín lặng chịu đựng nỗi đau giày vò nữa, họ đã có hành động phản ứng cụ thể, rõ ràng.
Những tiếng nói bức xúc của họ vang lên khắp nơi, trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình, trên mạng xã hội và những cuộc xuống đường tuần hành.
Sau vụ việc, nhiều chính trị gia vẫn còn loay hoay bàn về sức khỏe tinh thần và sự an toàn của học sinh, giáo viên trong Trường Marjory Stoneman Douglas, nhưng một số học sinh trong trường đã thẳng thắn và quyết liệt đề cập tới vấn đề kiểm soát súng.
Trên mạng Twitter, họ kêu gọi chính giới cần hành động ngay. Một học sinh đã nói thẳng với thượng nghị sĩ Marco Rubi của bang Florida: "Ông không hiểu gì hết".
Ngay sau vụ xả súng, nam sinh Cameron Kasky và một số người bạn phát động chiến dịch "Never Again" trên Facebook, trong đó chia sẻ những câu chuyện và suy nghĩ, quan điểm của các bạn khác đã sống sót sau vụ thảm sát tại trường.
Tại các trường trung học khác trên cả nước, nhiều học sinh tham gia các cuộc tuần hành biểu thị tinh thần đoàn kết với Trường Marjory Stoneman Douglas. Cùng với đó là nhiều cuộc bãi khóa để phản đối cái mà họ cho rằng Washington đang không làm gì cả để bảo vệ học sinh và các giáo viên.
Tổ chức kêu gọi kiểm soát súng Moms Demand Action cho biết có quá nhiều học sinh đã yêu cầu họ thành lập một tổ chức khác song hành, tức là một nhóm hoạt động kêu gọi kiểm soát súng với trọng tâm hoạt động dành cho học sinh, sinh viên.
Tự cứu mình
Nhiều học sinh Mỹ nói rằng họ không muốn đặt vào tay các chính trị gia và các nhà hoạt động những cuộc thảo luận về chính sinh mệnh của họ nữa. "Chúng tôi cần tự mình giải quyết việc này" - Kasky nói.
Bởi thế mà nam sinh 17 tuổi David Hogg đã phỏng vấn chính các bạn trong lớp mình khi vụ thảm sát xảy ra ở Parkland. Thực sự Hogg từng lo sợ về khả năng xảy ra một vụ xả súng như thế từ rất lâu, trước khi những tiếng súng từ khẩu AR-15 vang lên trong trường.
Trong khi cùng bạn bè chạy trốn, Hogg rất bình bĩnh. Cậu quyết định ghi lại những suy nghĩ của bạn bè trong thời khắc nguy khốn, ngay cả khi điều tồi tệ nhất có thể xảy tới.
"Tôi ghi lại những video đó vì tôi không biết mình có còn sống hay không - Hogg nói trong cuộc phỏng vấn sau vụ việc - Nhưng tôi biết nếu những đoạn video này còn, chúng sẽ tạo ra tiếng vang và sẽ kể lại câu chuyện. Câu chuyện đó sẽ là một trong những điều giúp thay đổi mọi thứ, tôi đã hi vọng thế. Và đó sẽ là di sản của tôi".
Hai mẹ con người Mỹ mặc áo có dòng chữ "Parkland vẫn mạnh mẽ" mang hoa đến tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát bên ngoài trường Marjory Stoneman Douglas hôm 21-2 - Ảnh: REUTERS
Cũng với thái độ tiếp cận này, ngay sau khi biết tin vụ việc, nữ sinh 16 tuổi Amy Campbell-Oates đã muốn làm một điều gì đó để tạo động lực cho dư luận toàn quốc về vấn đề kiểm soát súng. Cô đã cùng hai người bạn tổ chức biểu tình, làm biểu ngữ và tuần hành cùng hàng chục bạn khác của Trường trung học South Broward.
Họ mang theo những tấm biển ghi "Đó rất có thể đã là chúng tôi", "Sự im lặng của các người đang giết chết chúng tôi" và "Chúng tôi đồng hành cùng Stoneman Douglas".
Chúng tôi đều tin rằng các chính trị gia cần phải hành động nhiều hơn thay vì việc nói những lời chia buồn, cầu nguyện... Chúng tôi muốn các cử tri hiểu rằng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang tới. Một số người trong chúng tôi vẫn chưa được bỏ phiếu, nhưng chúng tôi muốn mọi người có thể bỏ phiếu cho những luật cơ bản đó, cấm các loại súng trường tấn công và bắt buộc kiểm tra sức khỏe tâm thần trước khi mua súng"
Amy Campbell-Oates - Nữ sinh Mỹ 16 tuổi
Giới trẻ trong những cuộc chiến đòi công lý
Trang Global Citizen đã điểm lại những sự kiện từng diễn ra trên toàn thế giới, trong đó giới trẻ đã đóng vai trò lĩnh xướng trong cuộc chiến đòi công lý.
Đó là cô gái kiên cường độ tuổi 20 Nadia Murad đã vận động mọi người đứng lên đấu tranh đòi công lý cho người Yazidi và tái thiết quê hương khi IS tấn công Iraq năm 2014; là phong trào #NotOneLess ở Argentina với sự tham gia của nhiều nhà hoạt động nữ trẻ tuổi, mở đường cho phong trào #MeToo ở Mỹ vừa qua; là 21 bạn trẻ từ 9-20 tuổi tại Mỹ khởi kiện chính phủ liên bang vì không hành động đủ để chống lại tình trạng biến đổi khí hậu; là 25 nguyên đơn trong độ tuổi 7-26 tại Colombia đệ đơn kiện chính quyền nước này đã để tình trạng phá rừng gia tăng, đe dọa môi trường sống lành mạnh của họ.