Sống khỏe

Tại sao số 9 là con số của bậc đế vương?

TTO - Ngoài những giai thoại liên quan đến truyền thuyết, tâm linh, người xưa đã áp dụng con số này vào trong các kiến trúc hoàng gia, công trình tôn giáo nổi bật.

Tại sao số 9 là con số của bậc đế vương? - Ảnh 1.
Biểu tượng phi long tại thiên - Ảnh: Nipic

Tại sao con số này lại được thần thánh hóa và tượng trưng cho uy quyền tối thượng của bậc đế vương?

Ngôi vua được gọi là "cửu ngũ chí tôn"

Người ta thường gọi các bậc đế vương cổ đại là "chân long thiên tử, cửu ngũ chí tôn" (真龙天子, 九五至尊). Có thuyết cho rằng từ "cửu ngũ" bắt nguồn từ Chu Dịch. Bộ sách này được người Trung Quốc xem là trứ tác triết học kinh điển. 

Càn (乾) tượng trưng cho trời, Khôn (坤) tượng trưng cho đất, mà quẻ Càn đứng đầu 64 quẻ. Càn là cực dương cực thịnh. Trong quẻ Càn lại có hào "cửu ngũ" (九五), tức hào thứ 5, là tốt nhất. Cho nên người ta dùng "cửu ngũ" để đại biểu cho tướng đế vương  chí tôn. 

Ngoài ra, hào từ ở hào "cửu ngũ" của quẻ Càn là "phi long tại thiên" (飞龙在天) cho nên được đế vương dùng đến.

Còn có một thuyết khác, gọi hoàng đế là "cửu ngũ" là do trong các số dương thì số 9 là lớn nhất, số 5 ở giữa. Chữ "cửu" 九 (số 9) hài âm với chữ "cửu" 久 (lâu dài), mang ý nghĩa trường trường cửu cửu, vạn thế vạn đại. Nhân đó mà đã dùng từ "cửu ngũ" để chỉ sự chí cao vô thượng của hoàng đế, thiên tử chính chống, vạn thọ vô cương. Mặc dù cách nói có khác nhau, nhưng cả 2 thuyết đều có ý nghĩa nêu bật hoàng quyền chí cao vô thượng, tôn quý tứ phương, cho nên hậu thế theo đó mà dùng.

Và số 9 cũng liên quan đến Trời (chữ "Thiên" - 天), bởi vì theo truyền thuyết, Ngọc Hoàng Thượng Đế sinh vào ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch, dễ dàng thấy được qua phong tục thờ mẹ Cửu Thiên Huyền Nữ (九天玄女) khá phổ biến trong cộng đồng Hoa kiều, và người Việt ở Nam Bộ. 

Còn ở miền Bắc Việt Nam, mỗi khi khấn vái, người dân bắt đầu với câu: "Con lạy chín phương trời, mười phương Phật". 

Các bậc vua chúa hay hoàng đế ngày xưa đều xem mình là Thiên Tử (con trời) hay Thiên Hoàng (ở Nhật Bản), nên số 9 mặc nhiên được chọn là điều dễ hiểu. Cũng như trong việc phân cấp quan lại ở chế độ quân chủ cũng chia ra làm 9 cấp (cửu phẩm), thấp nhất là hàng quan cửu phẩm và cao nhất là đến quan nhất phẩm.

Bí ẩn trong các cung vua phủ chúa

khi xây dựng, thiết kế các kiến trúc hoàng gia, người Trung Quốc thường gắn với số 9 là một dụng ý sâu xa của họ. Nói chính xác, nó là sự tượng trưng cho quyền lực "chí cao vô thượng" của bậc đế vương trong xã hội phong kiến xưa. 

Trên đại môn của cung đình thường được trang trí bằng 81 chiếc núm đinh (9 dọc, 9 ngang). Trên Thạch môn (cửa làm bằng đá) của Địa Cung ở Định Lăng, Bắc Kinh cũng chạm khắc 99 đinh đá lớn. 

Nếu tới Lạc Dương tham quan Quan Đế miếu, du khách cũng sẽ được chiêm ngưỡng 99 chiếc đinh gỗ được trang trí trên cửa Đại Hồng miếu. Tuy Quan Vũ không phải bậc đế vương, nhưng hậu thế vì để bày tỏ lòng tôn kính với ông như với một vị hoàng đế nên đã tạo ra lối kiến trúc độc đáo này. 

Thông thường, hoàng cung thời phong kiến thường xây dựng 9 sân, ngay cả Khổng Miếu (Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) cũng là một quần thể kiến trúc có quy mô hoành tráng với 9 sân. Thực tế này cho thấy, bậc đế vương xưa đã rất tôn kính và coi trọng đại thánh nhân Khổng Tử.

Tại sao số 9 là con số của bậc đế vương? - Ảnh 2.

Khổng Miếu ở Khúc Phụ, Sơn Đông, Trung Quốc - Ảnh: Nipic

Theo thống kê, Cố Cung ở Bắc Kinh có hơn 9.900 gian. Thậm chí, có người còn thích phóng đại thêm đôi chút khi đưa ra con số 9.999 phòng. 

Theo quan niệm của người Trung Quốc, số 9 khi kết hợp với số 5 sẽ mang ý nghĩa tượng trưng cho sự tôn nghiêm của thiên tử. Vì vậy, thành lầu Thiên An Môn rộng 9 gian, sâu 5 gian, Trong khi đó, kết cấu kiến trúc 9 rường và 18 cột của chòi gác (ở trên góc thành) ở Cố Cung cùng với tường được trang trí bằng hình chín con rồng ở Bắc Hải, Đại Đồng, Cố Cung đều chứa đựng ý nghĩa cát tường và rất mực tôn nghiêm. 

Kiến trúc Di Hòa viên – viên lâm hoàng gia nổi tiếng của Trung Quốc - có chiếc cầu đá với kết cấu 17 vòm phía dưới cũng có mối "nhân duyên" đặc biệt với số 9. Dù có đếm từ đầu nào tới vòm chính giữa của cầu, thì vòm này đều là vòm thứ 9.

Tại sao số 9 là con số của bậc đế vương? - Ảnh 3.
Cầu Thập Thất trên hồ Côn Minh trong Di Hoà Viên có 17 vòm cầu - Ảnh: Nipic

Viên Khâu Đàn thuộc Thiên Đàn là nơi tế trời của hoàng đế triều Minh Thanh và cũng nổi tiếng là một kiến trúc đặc biệt liên quan tới con số đầy ý nghĩa này. Đàn được phân thành ba tầng: thượng, trung và hạ. Thượng tầng do 9 tấm đá đồng tâm hợp thành. Vòng thứ nhất, tức vòng trong cùng được hợp thành bởi 9 miếng đá hình quạt. Vòng thứ hai là 18 miếng (tức 9 x 2), vòng thứ ba là 27 miếng (tức 9 x 3)…

Tại sao số 9 là con số của bậc đế vương? - Ảnh 4.

Ba tầng của Viên Khâu Đàn - Ảnh: Beijing

Viên Khâu Đàn là bệ thờ chính của khu Thiên Đàn. Hằng năm, vào ngày Đông chí, bậc thiên tử sẽ tới đây để cử hành lễ tế trời, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Nghi lễ sẽ phải tiến hành rất cẩn thận và tránh những sơ xuất dù là nhỏ nhất để xã tắc năm tới được bình yên, phát triển thịnh vượng. 

Hiện tại, Viên Khâu Đàn nói riêng và Thiên Đàn nói chung là di tích văn hóa lớn mang tính biểu tượng của một Bắc Kinh cổ kính, giàu truyền thống lịch sử.

Ngoài ra, con số 9 còn được người Trung Quốc xưa vận dụng trong những trường hợp khác. Vào những dịp lễ lớn trong năm, hoàng cung nhà Thanh thường mở đại tiệc với số phẩm vật luôn là 99. Hay trong dịp mừng sinh nhật của hoàng đế, người ta buộc phải tổ chức đủ 81 (9 x 9) tiết mục với hàm ý cầu chúc cho bậc thiên tử may mắn, trường thọ…

Số 9 - Con số hoàn hảo nhất tự cố chí kim? Số 9 - Con số hoàn hảo nhất tự cố chí kim?

TTO - Số 9 là con số của sự viên mãn, tròn đầy, đồng nghĩa với việc sẽ tiếp tục sinh sôi, phát triển chứ không chững lại như số 10.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,245,280       1,547