Sống khỏe

Nhớ những ngày Tết bó gối trông ngóng mẹ về

TTO - Cứ mỗi độ xuân về, tôi lại nhớ cái thuở ngây ngô ngồi ngóng trông mẹ những ngày giáp Tết.

Nhớ những ngày Tết bó gối trông ngóng mẹ về - Ảnh 1.

Ảnh: Gia Tiến

Ngày ấy gia đình tôi nghèo khó lắm. Dù hộ khẩu chỉ vỏn vẹn 3 người nhưng chẳng khi nào đủ ăn. Sau biến cố tai nạn lao động, đôi chân lành lặn của ba bị khuyết. Trụ cột gia đình giờ phế tàn. 

Hai mẹ con tôi biết ba đau lắm, nỗi đau thể xác lẫn tinh thần giày vò mỗi ngày, nên không dám nhắc về tai nạn sợ ba buồn, nghĩ quẩn. Nghèo lại mắc cái eo. Mẹ buộc phải lên thành thị để làm thuê để có tiền lo cho ba, cho tôi ăn học. 

Thực sự mẹ chẳng muốn xa quê chút nào. Nhưng ở cái làng quê nghò khó một tháng làm được chỉ vài ngày thì sao sống nổi. Mẹ ra đi mà lòng đau lắm, vì ở nhà không ai chăm sóc cho tôi và ba. Ông bà nội đã già, chú thím cũng chạy ăn từng bữa thì thời gian đâu mà thường xuyên ghé thăm. Vì vậy tôi phải gánh trách nhiệm thay mẹ lo cho ba từng bữa ăn. 

Để ba yên lòng và quên đi nỗi đau đớn, mẹ phải diện cớ chi phí ăn học của tôi tăng, nên phải đi làm xa. Tôi biết ba buồn lắm, sĩ diện đàn ông không giúp gì cho gia đình, nhưng buộc phải để mẹ đi.

Tôi nhớ vào những ngày giáp tết, lúc nhà trường đã cho nghỉ học, tôi nôn nao trông ngóng mẹ về. Hồi đó trong xóm chỉ có nhà chú Hai là "sang" nhất, có chiếc điện thoại bàn. Những ai đi làm ăn xa đều xin số chú để liên lạc với người thân ở quê. Bao giờ cũng vậy, hễ có người chạy sang báo có điện thoại là tôi ba chân bốn cẳng chạy một mạch. 

Nhà chú cách nhà tôi hơn 500m nhưng tôi không thấy mệt. Bởi nghe tin mẹ gọi về là tôi vui không thể tả. Mẹ cúp máy rồi gọi lại. Chỉ nghe tiếng mẹ bên kia đầu dây là tôi mừng muốn rớt tim. Hai mẹ con chỉ trao đổi dăm câu, đại loại: Ba và ông bà khỏe không?; Con học hành ra sao, học kỳ một bao nhiêu phẩy?; Nay con cao bao nhiêu rồi?... 

Cuối cùng mẹ chốt lại là chiều ba mươi mẹ về. Khi tôi buồn, làm lẫy: "Sao mẹ về trễ vậy?", thì mẹ xoa dịu: "Công ty mẹ có nhiều việc phải làm lắm. Con yên tâm,mẹ sẽ về vào ngày ba mươi tết mà. Mẹ có mua quà cho con với ba sẵn rồi".

 Vậy là thành thông lệ, mỗi năm, cứ vào ngày ba mươi tết mẹ mới ra mua vé xe về nhà. Ngày ấy tôi nôn nao lắm lắm, cứ ra ngoài ngõ, nơi có hàng mai rợp sắc vàng đứng chờ đợi mẹ. Cứ thấy chiếc xe đò nào dừng là háo hức, rồi lại thất vọng. Đứng mỏi chân, tôi chạy vào lấy chiếc ghế đẩu ngồi đó. Hễ nghe tiếng kèn xe đò từ xa là tôi nhổm dậy ngó ra xem. 

Bao nhiêu chiếc xe đò lướt qua, mang theo những gương mặt, món quà mùa xuân nhưng chẳng thấy mẹ đâu. Bụng tôi đói meo, ba lo lắng gọi vào ăn nhưng miệng lại không thèm vì chờ mẹ về để cả nhà cùng dùng bữa. Chỉ đến khi sự thất vọng lộ rõ trên khuôn mặt tôi thì mẹ mới về tới nhà. 

Xe xịch đỗ, tôi nhảy tưng lên rồi lao ra đường phụ xách đồ giúp mẹ. Tôi reo to: "Ba ơi, mẹ về rồi". Khỏi phải nói, ba quẳng cả gậy, đứng một chân trước thềm để nhìn mẹ. Nụ cười tươi rói của ba và mẹ đã nói lên sự nhớ thương, mong đợi. Cả nhà dùng bữa cơm đạm bạc nhưng ngon. Sau đó, mẹ tranh thủ dẫn tôi ra chợ xã mua một ít đồ sinh hoạt trong mấy ngày tết. Dù muộn nhưng ấm cúng vô cùng.

Tôi nhớ có năm, ngày ba mươi tết,  đến hơn 7 giờ tối mà mẹ chưa về nhà. Ba chống gậy ra vào trông ngóng, lo lắng không biết mẹ có gặp phải chuyện gì hay không. Riêng tôi, ngồi bệt bó gối trước hiên nhà, tay chống cằm ủ rũ. Muỗi vây lấy chân tôi cũng mặc kệ. 

Mãi đến khi ánh đèn xe pha sáng ngoài ngõ, tôi chạy ra xem thì thấy mẹ về. Chẳng cần đợi tôi thắc mắc, mẹ giải thích lý do kẹt xe hàng cây số nên phải về trễ giờ. Dù cả nhà dùng cơm muộn, không kịp đi chợ tết nhưng lòng thấy vui vì có mẹ đêm giao thừa. Cả nhà ăn tết giản đơn nhưng giàu sang tình cảm.

Giờ mẹ không đi làm nữa. Người phụ nữ của gia đình chỉ quanh quẩn ở nhà cùng ba, trồng mớ rau, luống cà. Tôi đã ra trường, có việc làm ổn định nên không muốn mẹ phải vất vả mưu sinh nơi quê người. Dù vậy, cứ đến chiều ba mươi tết là cảm giác nôn nao của tôi lại trỗi dậy. Bởi nơi quê nhà, có cha mẹ già ngồi trông ngóng tôi từng phút từng giờ.

Chiều cuối năm

Chiều cuối năm

Những đứa trẻ nhà quê

Đứa tựa cửa

Đứa ngồi bó gối ngoài đầu ngõ

Dõi ánh mắt trông về phía chợ

Chiều cuối năm nắng liu riu trải mật

Và những cơn gió se se thổi

Đứa bé là chị gái loay hoay với mấy đứa em bụng đói

Hỏi ba đâu, mẹ đâu sao đến giờ chưa thấy về nấu cơm

Hỏi ba đâu, mẹ đâu sao không về sửa soạn tết

Nhà người ta đã rạo rực tết lâu rồi

Chiều cuối năm

Anh tôi. Chị tôi. Cô chú tôi. Hàng xóm của tôi

Là những nông dân trồng hoa, trồng cà, trồng cải…

Trồng ước mơ suốt một mùa cật lực vất vả

Mong có tết cho con, cho ông bà, cha mẹ

Mà tết còn ở đâu xa lắm

Khi chiều cuối năm người lưa thưa mua sắm

Những chậu hoa nắng rũ

Những mớ rau củ quả héo úa

Sàng sảy cả ngày còn lại

Ai mua

Phần vốn chưa thu hồi đủ

Phần lời tết héo úa

Chiều cuối năm cứ thế trôi dần về phía những ánh mắt xa xăm

Phía những đứa trẻ háo hức mong chờ bộ quần áo mới

Mong đôi dép thơm lừng mùi nhựa dẻo

Mong bữa cơm tất niên có nồi thịt kho thơm phức

Mong đêm giao thừa có dĩa mứt ngọt lịm đầu môi

Chiều cuối năm thương ánh mắt em tôi, cháu tôi

Thương người nông dân gieo trồng một mùa mơ ước tết

Thương những giỏ hoa, những chậu quất…

Mấy mớ rau củ quả phần lời

Héo úa không ai mua

Chiều cuối năm giọt giọt mưa trái mùa

Rỏ xuống lòng tôi se thắt

Đi chợ chiều cuối năm đừng ai so đo rẻ - đắt...

NGUYÊN CHƯƠNG

Mời bạn tham gia viết bài 'Tết của tôi'

Cứ mỗi độ xuân về, kỷ niệm về cái Tết lại ùa về trong mỗi chúng ta. Tết trong tôi là hương của chiếc áo mới. Tết của bạn là những những bao lì xì. Tết của những ai xa quê là mong về đoàn tụ bên gia đình, người thân...

Những thứ ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp, không cần hồi tưởng, nó vẫn cứ ùa về trong nỗi nhớ miên man.

Tết, cũng có thể không chỉ là kỷ niệm, mà còn là những chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, những điều cần làm, những yêu thương, dự định cần thắp lên.

Xuân Mậu Tuất sắp đến, nhằm ghi lại những ký ức đẹp và chia sẻ những suy nghĩ,Tuổi Trẻ Onlinekính mời bạn viết bài với chủ đề 'Tết của tôi'cho chuyên mụcBạn đọc làm báo.

Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ... có độ dài tối đa 1200 từ (có thể kèm theo clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.

Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: tetcuatoi@tuoitre.com.vn. Thông tin bạn đọc, số tài khoản xin... ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!

Tết không về nhà đâu phải mùa xuân không đến

TTO - Bởi có những lúc chúng ta không thể lựa chọn khác nên cách tốt nhất là chúng ta hãy tập quen và thích nghi với nó. Hãy tập vui.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,246,171       1,573