Sống khỏe

Số phận kỳ lạ của siêu xe Tesla của tỉ phú Elon Musk

TTO - Vụ phóng chiếc ô tô mui trần Tesla vào không gian hôm 6-2 của Công ty SpaceX chỉ là màn trình diễn kỹ thuật nhằm quảng bá thương hiệu. Thật ra tỉ phú Elon Musk nhắm đến mục tiêu xa hơn: Bay lên sao Hỏa.

Số phận kỳ lạ của siêu xe Tesla của tỉ phú Elon Musk - Ảnh 1.

Bức ảnh cuối cùng của xe Tesla sau khi rời Trái đất ngày 6-2 - Ảnh: SpaceX

Hôm 6-2, tầng trên cùng của tên lửa phóng hạng nặng Falcon Heavy có chứa chiếc siêu xe Tesla đã bay 5 tiếng vòng quanh Trái đất, sau đó "nhả" xe Tesla về hướng sao Hỏa.

Khác với kế hoạch ban đầu, xe Tesla có hình nhân Starman bằng nhựa ngồi trên ghế lái không bay đến quỹ đạo sao Hỏa như dự kiến mà bay chệch sang vành đai thiên thạch giữa sao Hỏa và sao Mộc. Nguyên nhân có thể do lực đẩy động cơ quá mạnh.

10 triệu năm nữa xe Tesla rơi xuống Trái đất

Xe Tesla sẽ bay trong quỹ đạo quanh Mặt trời trong 18,8 tháng ở vị trí cách Mặt trời từ 147 triệu km đến 260 triệu km, giao thoa với các quỹ đạo của sao Hỏa, sao Kim và Trái đất.

Ba nhà khoa học ở Đại học Toronto (Canada) đã tiến hành mô phỏng đường bay trong tương lai của xe Tesla và nguy cơ xe Tesla va chạm với một thiên thể nào đó.

Theo kết quả mô phỏng, lần đầu tiên xe Tesla bay gần Trái đất vào năm 2091 ở vị trí cách Trái đất vài trăm ngàn km.

Dự báo 0% cơ hội để xe Tesla rơi xuống sao Hỏa, 6% cơ hội để xe Tesla va chạm với Trái đất và 2,5% cơ hội để xe Tesla va chạm với sao Kim trong… một triệu năm tới.

Mỗi năm Trái đất va chạm với nhiều vật thể bay có kích thước như xe Tesla. Các vụ va chạm này thường xảy ra mà chẳng ai nhận ra"

Chuyên gia Renu Malhotra ở Đại học bang Arizona

Số phận kỳ lạ của siêu xe Tesla của tỉ phú Elon Musk - Ảnh 3.

Mô hình tầng trên cùng của tên lửa Falcon Heavy chở theo xe Tesla và ba tên lửa đẩy - Ảnh: knews.space

Chuyên gia Renu Malhotra ở Đại học bang Arizona (Mỹ) khẳng định xe Tesla sẽ va chạm với Mặt trời hoặc va chạm với Trái đất như nhiều thiên thể khác. Bà cho rằng xe Tesla sẽ va chạm với thiên thạch lớn nhất trong quỹ đạo bay trong vài triệu năm nữa chứ không chờ đến vài chục triệu năm.

Vòng đời của xe Tesla dự kiến kéo dài khoảng vài chục triệu năm. Phòng thí nghiệm phản lực của NASA đã ghi tên xe Tesla vào danh mục các vật thể gần Trái đất để theo dõi như các thiên thạch.

Sau thời gian dự báo một triệu năm, cứ mỗi lần xe Tesla bay gần Trái đất hay sao Kim, cơ hội va chạm càng gia tăng. Ví dụ trong ba triệu năm tới, cơ hội xe Tesla rơi xuống Trái đất thay vì 6% sẽ tăng lên 11%.

Quỹ đạo bay của xe Tesla còn phụ thuộc vào những lần bay gần Trái đất. Xe Tesla càng bay gần, sức hút Trái đất càng tác động làm thay đổi quỹ đạo xe.

Theo nhà khoa học Dan Tamayo thuộc nhóm nghiên cứu, kết quả đáng tin cậy nhất là cuối cùng xe Tesla sẽ rơi xuống Trái đất hoặc sao Kim trong 10 triệu năm nữa.

Sự kiện này không có gì đáng sợ vì trước khi rơi xuống đất, xe Tesla sẽ cháy rụi lúc bay vào khí quyển.

Cho dù "điều đó rồi xảy ra", chúng ta "hãy cứ yêu người mà sống" vì lúc đó chúng ta không còn trên cõi đời này nữa.

Số phận kỳ lạ của siêu xe Tesla của tỉ phú Elon Musk - Ảnh 5.

Xe Tesla bên trong tên lửa Falcon Heavy - Ảnh: SpaceX

Nếu va chạm với sao Kim, xe Tesla cũng không gây ô nhiễm vì trong quá trình nhiều triệu năm bay trong không gian, xe đã trở thành vật thể vô trùng do gió Mặt trời thường xuyên thổi qua xe.

Nhóm nghiên cứu ở Đại học Toronto đánh giá rất ít có cơ hội xe Tesla sẽ va chạm với tiểu hành tinh nào đó song chiếc xe sẽ thủng lỗ chỗ hoặc móp méo do va chạm với các thiên thạch nhỏ li ti.  

Chế tạo tên lửa lớn gấp 5 lần

Vụ phóng hôm 6-2 là lần đầu tiên Công ty SpaceX sử dụng tên lửa Falcon 9 phóng tên lửa hạng nặng Falcon Heavy lên không gian. Trong 7 năm trước đó, SpaceX chỉ dùng Falcon 9 để phóng vệ tinh viễn thông hoặc tàu chở hàng lên Trạm không gian quốc tế (ISS).

Tỉ phú Elon Musk khẳng định sau vụ phóng hôm 6-2, Công ty SpaceX sẽ tiếp tục phát triển dự án Big Falcon Rocket (BFR). Ông đã giải thích dự án này tại hội thảo quốc tế về hàng không vũ trụ lần thứ 68 tại Adelaide (Úc) vào cuối tháng 9-2017 với 4.000 chuyên gia tham dự.

BFR là loại tàu du hành vũ trụ được sử dụng làm tàu chở hàng và xe buýt đưa thiết bị và con người lên xuống giữa Trái đất, Mặt trăng và sao Hỏa với thời gian kỷ lục chưa tới một tiếng.

Cách đây 7 năm, chúng tôi nhận định chương trình thám hiểm Mặt trăng của NASA sẽ bị hủy bỏ vì một tên lửa phóng hạng nặng sẽ được phát triển trong 12 năm nữa với kinh phí 36 tỉ USD. Công ty SpaceX vừa hoàn thành mục tiêu này với kinh phí riêng, rút ngắn thời gian 50% và chi phí thấp hơn 20 lần"

Robert Zubrin - Chủ tịch tổ chức quốc tế Hội Thám hiểm sao Hỏa

Số phận kỳ lạ của siêu xe Tesla của tỉ phú Elon Musk - Ảnh 7.

Tàu BFR bay lên sao Hỏa theo ý tưởng của tỉ phú Elon Musk - Ảnh: SpaceX

Tàu BFR bắt đầu được chế tạo từ năm 2018, cao 106 m, rộng 9 m (năm lần lớn hơn tên lửa Falcon Heavy), sử dụng 31 động cơ, có thể chở lên qũy đạo thấp Trái đất 150 tấn, bay với vận tốc 25.000 km/giờ.

Theo dự án, tối thiểu hai tàu chở hàng BFR sẽ hạ cánh xuống sao Hỏa để tìm nguồn nước vào năm 2022 và hai năm sau đó sẽ bắt đầu chuyến đầu tiên chở người lên sao Hỏa. Số lượng dự kiến khoảng 100 khách.

Ngoài ra, BFR còn được sử dụng để chở người qua lại giữa các châu lục xa xôi trên Trái đất với thời gian nhanh hơn đi máy bay. Lộ trình New York (Mỹ) - Thượng Hải (Trung Quốc) 39 phút, Bangkok (Thái Lan) - Dubai (UAE) 27 phút, Tokyo (Nhật) - New Delhi (Ấn Độ) 30 phút.

Kinh phí phát triển dự án BFR dự kiến khoảng 10 tỉ USD. Để lấy tiền phát triển dự án, Công ty SpaceX đã thực hiện các kế hoạch phóng vệ tinh thương mại, vệ tinh quân sự, chở hàng cho ISS hoặc có thể chở hàng lên Mặt trăng.

Khai thác không gian, cuộc đua hỗn loạn vì lợi ích quốc gia

TTO - Các công ty tư nhân có thể khai thác không gian hay không? Vấn đề này đã có câu trả lời tích cực sau sự kiện SpaceX phóng tên lửa Falcon Heavy hôm 6-2 và chính quyền Mỹ có ý định ngừng đầu tư cho trạm không gian ISS.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,247,230       1,444