TTO - Chúng ta đã bước qua tuổi 22, không còn là những đứa con bé bỏng nữa.
22 tuổi, chúng ta không còn lí do để phụ thuộc - Ảnh: QUỲNH CHI
Lì xì (mừng tuổi) là một nét văn hoá đẹp của người Việt mỗi mùa Tết đến. Con cháu mừng tuổi ông bà, ông bà mừng tuổi con cháu kèm theo những lời chúc năm mới. Người lớn mừng tuổi trẻ nhỏ như một cách thể hiện sự yêu thương, sẻ chia, hi vọng.
Thế hệ 9x may mắn sinh ra trong thời bình, khi mà những giá trị văn hoá không còn bị gián đoạn vì chiến tranh - điều mà có lẽ thế hệ bố mẹ, cô bác chúng ta có thể đã bị bỏ lỡ. Chúng ta coi việc nhận lì xì như một lẽ dĩ nhiên phải có, một đặc quyền mà còn nhỏ sẽ được hưởng.
Năm lớp 7, tôi từng nghe lũ bạn bàn tán về "thu nhập" sau mỗi dịp Tết, nghe loáng thoáng những lời chê trách, so sánh về gói lì xì của bác này nhiều hơn bác kia, cô này lì xì tiền chẵn, cô kia lì xì tiền lẻ. Rồi chúng bạn cũng nhanh chóng nghĩ về cách tiêu số tiền đó như thế nào.
Bây giờ, khi đã lớn, chính những niềm hạnh phúc ngày nhỏ lại trở thành nỗi âu lo. Một cậu bạn cấp 2 đăng tải dòng trạng thái: "Nhanh quá. Nghĩ lại năm nay phải đi mừng tuổi rồi, chưa đi làm nữa. Nghĩ mà sợ Tết quá!",
Ừ, cuối cùng thế hệ 1995 cũng đã đến lúc đi lì xì rồi.
22 tuổi không có nghĩa là chúng sẽ bị cắt hoàn toàn lì xì. Vẫn có những người họ hàng thân thiết luôn coi lì xì là một món quà cho con cháu. Nhưng chính chúng ta sẽ tự nhận thấy mình đã lớn, và có nghĩa vụ phải có lời từ chối phần quà ấy dù trong lòng có hụt hẫng.
"Cháu lớn rồi bác!" là câu trả lời "huyền thoại" từ phụ huynh lẫn sinh viên lớn đầu.
Nếu như ở các nước phương Tây, 18 tuổi là lúc có thể tách khỏi gia đình và sống cuộc sống tự lập, thì ở Việt Nam, 22 tuổi mới là ngưỡng cửa thay đổi cuộc đời một cách rõ rệt.
Những chàng trai, cô gái sinh năm 1995 tốt nghiệp, mang theo 16 năm đèn sách bước ra cuộc đời. Họ bắt đầu chuyển từ cuộc đời sinh viên được bố mẹ chu cấp sang cuộc đời của một người đi làm, tự xoay vòng với mọi mối âu lo tài chính.
'Chúng ta không còn là những đứa trẻ' - Ảnh: QUỲNH CHI
1995 nhận thức được mình không còn là những đứa con bé bỏng. Tất cả những khoản đầu tư của bố mẹ đến giờ đã đến lúc cần được đáp trả. Lòng tự tôn không cho phép chúng ta tiếp tục xin trợ cấp từ gia đình như khi còn cắp sách tới trường nữa.
Đã đến lúc chúng ta tự sinh tồn bằng chính những hành trang của mình. Chúng ta không còn là những đứa nhóc cần sự bao bọc, chỉ đứng trông đợi lì xì và cái xoa đầu từ người lớn. Tốt nghiệp xong, phía trước mặt chúng ta là một bầu trời trách nhiệm.
Từ hôm nay, chúng ta đã bắt đầu bước đi trên con đường của một người trưởng thành
Nhắc đến chuyện năm nay "phải" lì xì, không ít bạn bè tôi cảm thấy phiền não. Phần vì có đứa còn thất nghiệp, phần vì chưa kịp thích ứng với sự thay đổi vị trí nhanh như thế.
Suốt 22 năm sắm vai một đứa trẻ, mấy ai có thể chấp nhận việc không còn được chạm vào những món tiền "chùa"? Nhận lì xì vốn đã trở thành một thói quen từ tấm bé, mà thói quen lâu thì càng khó bỏ.
Suy nghĩ "tuổi này là phải lì xì" rõ ràng không đến từ sự ép buộc bởi người khác. Ngày nhỏ, chúng ta coi việc lì xì là "nghĩa vụ" của người lớn, khi đến tuổi trưởng thành ta cũng chấp nhận đó là điều bản thân nên làm.
Vị thế của mỗi người trẻ trước bao lì xì giờ đây đã khác, trách nhiệm với bản thân, gia đình cũng đã thay đổi.
Lì xì là lời khẳng định chúng ta đã lớn - Ảnh: QUỲNH CHI
Tuổi đi làm đã đến. Không còn những buổi sáng ngủ nướng, những buổi nghỉ học trốn tiết trên giảng đường. Mỗi sáng đều phải thức dậy đi làm đúng giờ, vì công ty không có bảng điểm chuyên cần như nhà trường. Mọi sai lầm đều phải trả giá bằng việc trừ lương.
Lúc cảm nhận trọn vẹn sức nặng của một bao lì xì cũng là thời điểm chúng ta thấu hiểu những gánh nặng mà người lớn đã từng trải qua. Có bao nhiêu lời chúc chân thành xen lẫn sự âu lo? Có bao nhiêu đắn đo khi quyết định số tiền để vào trong bao lì xì? Làm sao để cân đối giữa tình cảm và khả năng tài chính của bản thân?
22 tuổi tạm được là cột mốc kết thúc giai đoạn được mừng tuổi. Nhiều hơn một thủ tục, lì xì là cách chúng ta chuyển tiếp những lời chúc được thế hệ trước trao tặng.
Chúng ta lại sắm vai những người cô chú trong mùa xuân của những đứa trẻ khác, tặng những bao đỏ lấp lánh kèm câu nói may mắn ngày Tết. Nhưng hãy nhớ, lì xì là để đem lại niềm vui cho trẻ nhỏ, chứ không phải món quà làm hài lòng người lớn.