TTO - Số 9 là con số của sự viên mãn, tròn đầy, đồng nghĩa với việc sẽ tiếp tục sinh sôi, phát triển chứ không chững lại như số 10.
Trong tiếng Hán, cửu 九 (số 9) đồng âm với chữ cửu 久 (vĩnh cửu, trường cửu), là tượng trưng cho đỉnh cao ở mọi phương diện.
Con số linh thiêng
Theo quan niệm xưa, số lẻ thuộc dương, số chẵn thuộc âm. Trong đó, 9 là con số lớn nhất trong dãy số dương, nên được gọi là số cực dương, và chứa đựng ý nghĩa tốt lành.
Số 9 còn gắn liền với những giá trị tâm linh, tôn giáo như Cửu Huyền Thất Tổ trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, chịu ảnh hưởng Khổng giáo. Còn trong Tịnh Độ Tông của Phật Giáo Đại Thừa, pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà cũng được chia thành 9 cấp bậc tu học khác nhau, gọi là Cửu Phẩm Liên Hoa.
Ngay đến những người dân thường khi khấn vái, lễ bái cũng thường nói: "Con lạy chín phương Trời, mười phương Phật".
Cửu diệu tinh của Ấn Độ - Ảnh: Temple Purohit
Theo văn hóa bị ảnh hưởng bởi Ấn Độ giáo (đạo Hindu) nhưng mang được mang bản sắc Trung Hoa, cứ mỗi năm thì sự tốt xấu, lành dữ của con người bị ảnh hưởng bởi Cửu Diệu Tinh với những ngôi sao mà dân gian hay nhắc tới như: Thái Dương, Thái Âm, Vân Hớn, Thủy Diệu, Mộc Đức, Thái Bạch, Thổ Tú, La Hầu, Kế Đô.
Cửu diệu tinh của Trung Hoa
Và Phật Giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ xưa. Theo truyền thuyết Đức Phật Đản San, khi Ngài sinh ra có 9 con rồng phun nước tắm cho Phật, gọi là Cửu Long Phún Thủy.
Một sự kết hợp giữa Ấn Độ giáo và Phật giáo là hình ảnh Đức Phật ngồi thiền dưới sự che chở của rắn thần Naga có 9 cái đầu, tượng trưng cho thần Shiva tối cao trong cõi chư thiên, nắm giữ quyền năng hủy diệt và tái sanh; thường thấy trong những ngôi chùa ở các quốc gia như Sri Lanka, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào.
Theo truyền thuyết Long Sinh Cửu Tử, rồng có chín đứa con đều là loài thần thú mang hình dáng kết hợp giữa rồng với một hay nhiều loài thú khác, một số là linh vật bổ trợ trong phong thủy.
Trong đó nổi tiếng có là Bí Hí với thân mình là mai rùa, đầu là rồng còn được gọi là Long Quy; còn Tỳ Hưu có đầu Lân, thân gấu toàn thân được bao bọc bởi lớp vẩy như rồng, trên đầu có sừng, lưng có cánh; Xi Vẫn có đầu rồng mình cá thường được đắp trên đầu đình, mái nhà, công trình kiến trúc cổ hay gắn liền với sự tích Lý Ngư Hóa Long; hoặc như trên các đỉnh lư hương, đỉnh trầm luôn khắc hình một linh vật mình là nửa chó hoặc nửa sư tử nhưng đầu rồng gọi là Toan Nghê...
Con số "hoàn vũ"
Xét về thiên văn học, 9 hành tinh trong Thái Dương hệ (trừ Mặt Trời) gồm (theo thứ tự từ trong ra ngoài): sao Thủy (Mercury), sao Kim (Venus), Trái Đất, sao Hỏa (Mars), sao Mộc (Jupiter), sao Thổ (Saturn), sao Thiên Vương (Uranus), sao Hải Vương (Neptune), sao Diêm Vương (Pluto).
Không chỉ linh thiêng tại châu Á, số 9 còn được các nền văn minh và văn hóa khác trên toàn thế giới tôn sùng. Trong thần thoại Hy Lạp cổ đại có vị 9 nữ thần nàng thơ, họ là con gái của thần Zeus (vua của các vị thần) và Mnemosyne (nữ thần ký ức), bao gồm Calliope (thơ ca sử thi), Clio (lịch sử), Erato (thơ tình), Euterpe (âm nhạc), Melpomene (bi kịch), Polyhymnia (thánh ca), Terpsichore (khiêu vũ), Thalia (hài) và Urania (thiên văn học).
Thần Apolo cùng 9 nữ thần Muse (nàng thơ) trong tranh của hoạ sĩ Anton Raphael Mengs
Thiên Chúa giáo cũng có Cửu Phẩm Thiên Thần, được chia ra 3 cấp. Cấp bậc thứ nhất là nhóm các thiên thần chủ yếu làm nhiệm vụ thờ phượng Thiên Chúa. Họ là những tạo vật kề cận Thiên Chúa nhất, bao gồm: minh thần (cherubim), luyến thần (seraphim), bệ thần (ophanim) hoặc ngai thần (thrones).
Cấp thứ nhì là nhóm các thiên thần làm việc như những vị quản trị thiên đàng và phụ trách các vật thụ tạo: quản thần (dominationes), dũng thần (virtues), quyền thần (potestates).
Cấp bậc thứ ba là những thiên thần hoạt động như là sứ giả của Thiên Chúa hoặc là đạo binh thiên quốc: lãnh thần (principatus), tổng lãnh thiên thần (archangeli), và thiên thần (angeli).
Ai Cập có bộ chín vĩ đại của Heliopolis (Ennead) là 9 vị thần cao trong hệ thống thần linh trong tôn giáo cổ đại. Họ đều ở trong hệ thống "gia đình khép kín" của Ra - thần mặt trời, và hình thành một dạng "vương triều bảo vệ" xung quanh ông, bao gồm: Ra, Geb, Nut, Shu, Tefnut, Osiris, Isis, Seth và Nephthys.
Và cách đó nửa vòng trái đất, các nền văn minh Trung Mỹ (Mesoamerica) như của người Maya hay Aztec tôn thờ 9 vị thần ban đêm (Yoalteuctin), theo một chu kỳ lịch là mỗi 9 đêm sẽ là một vị thần khác nhau.
Trong truyền thuyết thế giới âm của những dân tộc bản địa Trung Mỹ với tên gọi Mictlan (người Aztec) hay Xibalba (người Maya) cũng đều có 9 tầng địa ngục.
Con số của bậc thiên tử
Tại các nước Đông Á chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa như Việt Nam, Nhật Bản, và Triều Tiên, trong thuật phong thủy, số 9 thuộc quẻ Ly, hành Hỏa, hướng chánh Nam.
Các triều đại vua chúa, hoàng đế của những nước kể trên thì ngai vàng của bậc thiên tử luôn được đặt làm sao cho mặt lúc nào cũng nhìn về hướng Ngọ Môn, tức hướng chánh Nam, ứng với con số 9.
Điều này dễ thấy ở các cung điện nổi tiếng như Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc; Hoàng Cung ở cố đô Kyoto, Nhật Bản, Cảnh Phúc Cung (Gyeongbokgung) ở Seoul, Hàn Quốc; và Hoàng Thành ở cố đô Huế, Việt Nam.
Trong Tử Cấm Thành của Trung Quốc có 9999 căn phòng - Ảnh: Live Science
Trong bộ môn Tử Vi Lý Số, tốt nhất với cách "Tử Vi cư Ngọ", là ngôi vua (sao Tử Vi) đóng ở cung Ngọ (tức vua thiết triều luôn ngồi mặt nhìn về hướng chánh Nam) cùng các ngôi sao tốt đẹp, sáng sủa khác cùng nhau chiếu về - tượng trưng cho quần thần, quan lại; tạo thành "Quân Thần Khánh Hội", làm nên lá số tử vi được xem là hoàn hảo, tuyệt vời nhất.
Số 9 tượng trưng cho quyền lực chí cao vô thượng của bậc đế vương trong xã hội phong kiến xưa. Chế độ quân chủ cũng có chia quan lại toàn bộ triều đình làm chín phẩm, tức Cửu Phẩm Quan Giai, và được áp dụng tại hầu hết trong các triều đại quân chủ Á Đông.
Số 9 luôn được coi như là biểu trưng của sự quyền uy và sức mạnh: ngai vua thường đặt trên 9 bậc, vua chúa thường cho đúc cửu đỉnh (9 cái đỉnh) để minh họa cho quyền lực của mình. Trong dân gian, số 9 được gắn cho sự hoàn thiện đến mức dường như khó đạt: voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao.
Số 9 trong toán học còn được phân tích với rất nhiều lý thú và gắn nhiều với truyền thuyết lịch sử.
Đặc biệt hơn cả, số 9 được sùng bái, tôn thờ và gần như trở thành triết thuyết cho các triều đại ở Trung Quốc và Việt Nam từ sự ảnh hưởng của kinh dịch, dựa trên thuật luận số.
Số 9 tượng trưng cho Trời. Ngày sinh của Trời (Ngọc Hoàng) là ngày 9 tháng giêng.
Số 9 được ghép cho ngôi vị hoàng đế. Tất cả đồ dùng trong cung đình dùng số 9 để đặt tên như Cửu Long Bôi (9 cốc rồng), Cửu Đào Hồ (ấm 9 quả đào), Cửu Long Trụ (cột 9 rồng), hay cách nói biểu thị số nhiều như Cửu Thiên, Cửu Châu, Cửu Đỉnh. Số 9 cũng là số trong con số cao nhất, đại diện cho sự mạnh mẽ và biểu tượng chủ quyền tối cao của hoàng đế.