TTX - Trong hơn 8 năm du học tại xứ sở hoa anh đào, tôi chỉ có 2 lần được về Việt Nam đón Tết cùng gia đình ở Bắc Giang. Những năm không về, tôi đón Tết ở xứ người. Cái Tết tha hương.
Bà con Việt Nam ở Nhật múa hát mừng ngày Tết Nguyên đán tại chùa Nam Hòa, tỉnh Saitama, Nhật Bản - Ảnh: HẢI GIANG
Người Nhật đón Tết dương lịch, vì thế khi Tết âm lịch đến, người Nhật vẫn sinh hoạt bình thường và các trường đại học Nhật đang trong kỳ nghỉ đông. Thường khi ấy thời tiết đang rất lạnh và tuyết rơi trắng sân trường, ký túc xá.
Đêm giao thừa, sau khi gọi điện về nhà nói chuyện với gia đình, tôi thường bật lò sưởi và ngồi bên cửa sổ ngắm tuyết rơi trong ánh đèn. Vào thời gian ấy, sinh viên Nhật hầu như đã về nhà hoặc ngủ, cả khoảng không gian chìm trong im lặng, chỉ thi thoảng vang lên vài nhịp còi tàu.
Phút giây ấy là phút giây dễ mềm lòng nhất. Ở quầng sáng xa xa phía chân trời kia là quê hương, là gia đình, là Tết. Những ký ức về Tết ở cố hương trỗi dậy và hiện lên trong đầu giống như những thước phim quay chậm.
Kỷ niệm ngày xưa lại hiện về bóp nghẹt lấy trái tim. Không hiểu sao những khi ấy hiện về trong tôi lại thường là những ký ức, những kỷ niệm về Tết của ngày xưa, những ngày thơ bé.
Tôi nhớ cảnh mình và bố thức dậy từ lúc 4h sáng, bố đi trước cầm ngọn đèn treo, con đi sau trên đường làng khấp khểnh vết chân trâu và tối om vào nhà bà nội thịt lợn Tết.
Nhớ cảnh chiều 28 Tết, người làng gánh lá dong ra bến sông Thương rửa. Nhớ cảnh ngồi canh nồi bánh chưng cho mẹ vừa canh vừa ngủ gật và nhớ cả mùi hương trầm mẹ đốt trong căn nhà gỗ vào đêm giao thừa…
Sư cô Tâm, chi hội trưởng Hội phật tử Việt Nam tại Nhật, tặng chữ cho bà con người Việt nhân dịp Tết Nguyên đán - Ảnh: HẢI GIANG
Dường như càng lớn lên và đi xa, những ký ức tuổi thơ ngày Tết càng sống lại mạnh mẽ. Trong những ngày sống tha hương và nhất là trong đêm giao thừa, khi cảm nhận sâu sắc nhất cảnh sống xa nhà, ký ức ấy đã trở thành người bạn thân thiết của tôi.
Sống tha hương, nhớ nhà, nhớ quê là chuyện thường tình, nhưng nỗi nhớ nhà trong đêm giao thừa thường là da diết nhất. Nhớ đến mất ngủ. Nhưng với tôi, nỗi buồn tha hương, nỗi nhớ nhà trong đêm giao thừa ấy không phải là nỗi buồn bi lụy, mà nó là một thứ giúp tôi thanh lọc lại hồn mình.
Cũng có năm tôi đi đón Tết với Hội Hữu nghị Việt - Nhật ở địa phương. Ở nơi tôi sống, những người Nhật có quan hệ họ hàng với người Việt hay yêu mến Việt Nam đã lập ra Hội Hữu nghị Việt - Nhật để giao lưu với người Việt. Họ là công chức, người lao động bình thường, người đã nghỉ hưu và cũng có cả giáo sư đại học nghiên cứu về Việt Nam.
Tôi nhớ trong số đó có hai người rất ấn tượng. Một bác chi hội trưởng mang trong mình hai dòng máu Nhật - Việt. Bố bác vốn là lính Nhật có mặt ở Việt Nam trong thời điểm Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng quân đồng minh năm 1945.
Thời cuộc biến chuyển, bố bác đi theo Việt Minh, lấy vợ Việt và sau đó đưa vợ con về Nhật. Vì thế bác rất yêu quý người Việt và có thể nói được một ít tiếng Việt. Một người nữa là một cụ ông đã có 20 năm giúp đỡ lưu học sinh Việt Nam.
Suốt hơn 20 năm, ông cụ cần mẫn đi xin từng đồ dùng cũ của các gia đình người Nhật để đem cho sinh viên Việt Nam. Ông cũng là người lái xe đưa đón ở sân bay khi sinh viên Việt Nam nhờ, là người làm giúp các thủ tục nhập học, nhập viện, đổi bằng lái xe. Ông cũng là người có mặt ở hầu hết cuộc vui xa nhà của lưu học sinh Việt Nam ở trường tôi theo học.
Khi Tết Việt Nam đến, hội sẽ tổ chức Tết Việt Nam cùng với sinh viên Việt Nam và những người yêu mến văn hóa Việt. Tết xa quê hương nên thiếu thốn đủ thứ, nhưng thế nào cũng có bánh chưng và giò. Mọi người vừa ăn vừa hát hò văn nghệ rất vui.
Cuộc vui có khi kéo dài đến cả qua giao thừa với màn hát karaoke. Nhiều người Nhật đưa cả gia đình đến để vui cùng. Sau giao thừa, những người Nhật thường dẫn chúng tôi đến chùa làm lễ cầu những điều tốt đẹp.
Thường trong những đêm ấy, tuyết rơi rất dày, ôtô không đủ, những người Nhật phải dùng ôtô chở lần lượt từng nhóm một. Tình cảm ấy làm chúng tôi cảm động.
Nó làm ấm lòng chúng tôi - những người xa xứ - trong những ngày Tết giá lạnh.
Tác giả qua nét cọ của Thế Thông
Nguyễn Quốc Vương tốt nghiệp khoa lịch sử Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện là nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử tại Đại học Kanazawa, Nhật Bản. Đã dịch và viết một số tác phẩm về giáo dục Nhật Bản và Việt Nam như Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản, Cải cách giáo dục Nhật Bản, Môn sử không chán như em tưởng…