Sống khỏe

Chiều cuối năm, con cần mẹ biết chừng nào

TTO - Nắng vàng trong veo hắt xuống lòng đường, nhuộm màu óng ả lên nhịp đời bận rộn. Mấy cành hoa mai, cây cảnh bày bán trong khu chợ tết quê tôi có lẽ vì thế lấp lánh hơn như thể được dát vàng.

Chiều cuối năm, con cần mẹ biết chừng nào - Ảnh 1.

Tiếng cười nói giòn tan của người bán người mua, tiếng rao hàng của mấy chị bán bao lì xì, của những ông già bán sách tử vi tướng số… tất cả hòa vào nhau tạo thành một tạp âm rộn rã, đâu đó vang lên bài ca chúc xuân sôi động.

Mời bạn đọc viết bài chuyên mục Mời bạn đọc viết bài chuyên mục 'Tết của tôi'

TTO - Nhằm ghi lại những nét đẹp về cái Tết cổ truyền của dân tộc, chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở trong thời khắc giao mùa thiêng liêng, từ hôm nay Tuổi Trẻ Online mở thêm chuyên mục 'Tết của tôi'. Kính mời bạn đọc tham gia.

Bức tranh chiều cuối năm rực rỡ của quê tôi được vẽ như vậy đó, thật lạ lùng mà cũng đầy thuyết phục! Sự rực rỡ cuối năm, lúc phiên chợ thời gian sắp vãn, sắp tàn, những tưởng rất xác xơ, rất buồn, nhưng lại dấy lên sự nhộn nhịp rất riêng, theo một lý lẽ riêng…

Những chiều cuối năm nhắc nhớ tôi nhiều điều, và mỗi năm lại càng nhận thấy niềm vui, nỗi buồn của mình thêm lớn, thêm sâu hơn đối với những chuyện cũ, đã xa, trong quá khứ thoáng chốc ùa về".

Nguyễn Huy Cường

Có thể nói ngày cuối năm là một bước đệm để người ta dùng cho việc chuẩn bị đón chào năm mới sao cho tươm tất, đủ đầy, để một năm sắp đến sẽ gặp nhiều tài lộc và những điều may.

Nhưng ngày cuối năm đối với tôi không chỉ có vậy.

Tôi lắng nghe nhịp thở thời gian cũ sắp tàn và tuyệt vọng nhìn một năm sắp qua đi chẳng cách gì níu kéo. Bởi năm vừa qua tôi vẫn còn quá nhiều tiếc nuối, tiếc nuối với những tình thân, và với chính bản thân khi những yêu thương chưa đủ chan hòa vun đắp, và những dự định của đầu năm xa vẫn mãi giậm chân…

Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng thời gian nào có chờ đợi ai. Năm cũ vẫn già nua, lép vế dần so với chiếc áo mang màu nắng xuân lộng lẫy của năm mới đầy kiêu hãnh. Cứ thế mà những năm cũ mải miết trôi qua theo từng con số.

Và hễ vào những buổi chiều cuối năm, đứng trước thời khắc mà sự chuyển động của dòng chảy thời gian hiển hiện rõ ràng nhất, tôi lại hoài niệm nhiều, lại liên tưởng nhiều.

Như chiều nay, tôi liên tưởng đến những dòng sông. Vì mặt sông êm đềm nhưng sóng dưới lòng sông thì cuộn trào dữ dội. Nên cứ qua hết sáu mươi lần sông chảy, đã thấy một mái đầu ai bạc trắng vì màu đen trên tóc đã bị con sóng đó cuốn đi mãi mãi…

Thoáng nghĩ mà thương cho mẹ! Càng thương quá những chiều cuối năm xưa, mẹ dắt tay con đi mua từng bộ quần áo mới, ở những sạp chợ thưa người. Con nằng nặc đòi mẹ mua cho bằng được chiếc áo thun có in hình chú vịt Donald ngộ nghĩnh.

Trong khi mẹ muốn con mặc áo sơmi đón tết. Hai mẹ con cứ tranh luận mãi, cô bán hàng cười, nói mẹ cứ mua cả hai. Mẹ thoáng lưỡng lự rồi cũng gật đầu, con mừng húm, tít mắt cười, rồi vội vàng dồn hết mấy bộ áo quần vào túi vì sợ mẹ đổi ý không mua…

Mẹ đã dắt tay con đi qua biết bao buổi chiều cuối năm như thế. Những buổi chiều rộn rã nhưng vàng hoe nắng đã đến và trôi xa khỏi con và mẹ hết năm này sang năm khác, cho đến lúc những chiều đó thưa dần…

Một chiều cuối năm kia, con nhận ra ánh mắt mẹ buồn thật buồn khi thấy con tự đi mua quần áo mới. Mẹ buồn vì từ đây sắp tới chẳng còn có thể dắt tay con mua những chiếc áo thun nhiều màu, chẳng còn có thể trở lại những chiều xưa, khi tiếng nói con hòa trong giọng mẹ, tíu tít trên đường, nhập vào những sợi gió heo may… Lúc đó, con cần mẹ biết chừng nào…!

Chiều cuối năm với tôi là như thế, nhắc nhớ nhiều điều, và mỗi năm lại càng nhận thấy niềm vui, nỗi buồn của mình thêm lớn, thêm sâu hơn đối với những chuyện cũ, đã xa, trong quá khứ thoáng chốc ùa về.

Bao nhiêu buổi chiều cuối năm là bấy nhiêu vòng xoay hành trình, những tưởng chỉ đơn thuần là khép - mở, là sang trang, nhưng lại thổn thức trong tôi những nỗi niềm da diết. Bởi cứ mỗi lần đến điểm cuối của vòng xoay, ngoái nhìn lại để thấy biết bao dấu chân chính mình hằn vết.

Những dấu chân lớn dần, to dần trên từng vòng xoay mới, như chính những nếm trải cá nhân cũng ngày một lớn hơn, sâu hơn.

Mà đâu chỉ có thế! Dấu chân trên mỗi vòng xoay hành trình còn là những thành quả mình đạt được, những niềm vui, nỗi buồn, cùng những mối bận tâm…

Ví von như thế chỉ cốt là để tự nhắc mình, rằng ta đang lớn hơn mỗi ngày! Để biết bỏ qua những điều nhỏ nhặt, những quan tâm tủn mủn, những giận hờn không đáng khiến lòng trí hẹp hòi; để chỉ biết nghĩ lớn và hành động lớn, như một người trưởng thành.

Chiều cuối năm, mẹ nấu xong nồi thịt, ba mang về giỏ trái cây, các anh chị về sớm hơn thường ngày... Tất cả ngồi cùng nhau trên bàn ăn, quây quần bên mâm cơm bốc khói thơm nức mùi của thịt kho, trứng, tôm khô, dưa kiệu.

Ra khỏi những hoài niệm, về với thực tế, là buổi cơm chiều sum họp, những phút giây này thiết nghĩ sẽ không có gì đặc biệt lắm nếu không được đặt trong hoàn cảnh một buổi chiều cuối năm.

Thế mới thấy chiều cuối năm là khoảnh khắc vô cùng kỳ diệu, biến những điều tưởng như bình thường trở nên ý nghĩa biết bao. Cảm ơn những buổi chiều cuối năm cho tôi thêm lớn.

Mời bạn tham gia viết bài 'Tết của tôi'

Cứ mỗi độ xuân về, kỷ niệm về cái Tết lại ùa về trong mỗi chúng ta. Tết trong tôi là hương của chiếc áo mới. Tết của bạn là những những bao lì xì. Tết của những ai xa quê là mong về đoàn tụ bên gia đình, người thân...

Những thứ ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp, không cần hồi tưởng, nó vẫn cứ ùa về trong nỗi nhớ miên man.

Tết, cũng có thể không chỉ là kỷ niệm, mà còn là những chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, những điều cần làm, những yêu thương, dự định cần thắp lên.

Xuân Mậu Tuất sắp đến, nhằm ghi lại những ký ức đẹp và chia sẻ những suy nghĩ,Tuổi Trẻ Onlinekính mời bạn viết bài với chủ đề 'Tết của tôi' cho chuyên mụcBạn đọc làm báo.

Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ... có độ dài tối đa 1200 từ (có thể kèm theo clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.

Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: tetcuatoi@tuoitre.com.vn. Thông tin bạn đọc, số tài khoản... xin ghi rõ dưới bài viết.Chân thành cảm ơn!

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,253,310       820