TTO - Hàng loạt tin giả được phát tán, chủ yếu xoay quanh nhân thân kẻ xả súng và nạn nhân của vụ xả súng khiến 17 người thiệt mạng tại một trường học ở Florida, Mỹ.
Tài khoản giả mạo Bill O'Reilly loan tin giả, dùng hình ảnh của diễn viên hài Sam Hyde gán cho hung thủ xả súng - Ảnh: BUZZFEED
"Nhào nặn" nhân thân hung thủ
Trang Buzzfeed điểm lại những tin giả lan truyền trên mạng xã hội theo cách như đã từng xảy ra trong các thảm kịch, thiên tai trước đây.
Một tài khoản giả mạo tên của nhà báo Mỹ Bill O’Reilly, từng là người dẫn chương trình nổi tiếng của đài Fox News, phát đi tin đồn về diện mạo của hung thủ. Chân dung nghi phạm mà tài khoản này đưa ra là diễn viên hài Sam Hyde, một người luôn bị tung hình ảnh trên mạng sau mọi vụ xả súng.
Mặc dù đã bị Twitter hạn chế, nhưng tài khoản này vẫn tiếp tục phát tán các tin đồn tiếp theo với nội dung: "Kẻ xả súng thứ 2 tại Parkland đã bị bắt. Cảnh sát thông báo tên của hai cựu học sinh là Nicholas Cruz và Sam Hyde".
Tiếp đó, nhiều người khác cũng đưa lên mạng các video và hình ảnh của diễn viên hài, đổ tội cho anh là kẻ xả súng.
Không chỉ diễn viên hài Sam Hyde gánh họa, nhiều tài khoản trên mạng xã hội Twitter cũng đổ tội cho một người Đức có tên DrachenLord, người từng bị phát tán hình ảnh nhầm là hung thủ của vụ tấn công khu chợ Giáng sinh tại Berlin trước đây.
Đồng thời cũng xuất hiện một tài khoản giả mạo của phong trào Antifa loan tin đồn nghi phạm xả súng đã mặc một chiếc áo phông của Antifa. Tuy nhiên người trong ảnh là thanh niên Marcel Fontaine, 24 tuổi, không phải nghi phạm.
Tự nhận là người thân nạn nhân
Song song với việc đồn đoán sai lệch về hung thủ, một số người bắt đầu chia sẻ các nội dung giả mạo nói rằng một người thân đang mất tích và có thể là nạn nhân của vụ xả súng rồi gắn kèm hình ảnh của một người nào đó không liên quan.
Một tài khoản Twitter TheGamingRapist chia sẻ hình ảnh của ông Bill Mitchell, người dẫn chương trình phát thanh ủng hộ Tổng thống Trump tại Florida, nói đó là ông mình và có mặt tại trường Parkland khi vụ xả súng xảy ra!