Mặc dù đã nghỉ việc nhưng được cấp trên và đồng nghiệp luôn nhớ đến sự đóng góp của bạn, cảm thấy trống vắng khi thiếu bạn và háo hức chào đón bạn trở lại khi có cơ hội là điều thật tuyệt vời phải không?
Theo Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink, đơn vị uy tín chuyên về lĩnh vực hỗ trợ nhân sự và tìm việc tại Việt Nam thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu bạn làm và tránh làm những điều sau đây.
Tìm việc làm hiệu quả tại Careerlink.
Những điều nên làm
+ Viết biên bản bàn giao chi tiết
Điều này rất quan trọng để đảm bảo rằng người kế nhiệm sẽ nắm được tất cả các nhiệm vụ từ bạn và mọi việc diễn ra suôn sẻ sau khi bạn rời đi. Trong đó, hãy liệt kê thời hạn và tình trạng của các công việc còn dang dở cùng những thông tin quan trọng mà bạn nghĩ bạn sẽ muốn có nếu ở vào vị trí của người nhận bàn giao. Bên cạnh đó, cũng đừng quên các giấy tờ thủ tục hành chính - vốn mất nhiều thời gian để hoàn thành hơn bạn tưởng.
Biên bản bàn giao càng chi tiết, người kế nhiệm càng dễ dàng nắm bắt công việc, cấp trên sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian để huấn luyện người mới và bạn sẽ được đánh giá cao vì điều đó.
+ Giữ sự tập trung
Dẫu rằng bạn sẽ rất háo hức vì được "xả hơi" sau khi nghỉ việc, nhưng đừng để việc này đánh lừa bạn nghĩ rằng những gì bạn làm trong tuần cuối cùng là không quan trọng. Hãy đến công ty đúng giờ và làm việc chăm chỉ cho đến giờ phút cuối. Ngay cả khi bạn không thể nhìn thấy các dự án của mình được hoàn thành, hãy cố gắng làm hết mình và hỗ trợ người kế nhiệm hoàn thiện một cách tốt nhất bằng cách ghi chú lại các chi tiết và các bước nên làm tiếp theo.
+ Viết thư tạm biệt
Làm thế nào để gửi đến đồng nghiệp thông điệp chia tay hoàn hảo? Hãy chú ý đến 3 điều sau:
- Thời điểm hợp lý: Gửi thư quá sớm là điều tuyệt đối không nên làm bởi đồng nghiệp sẽ thắc mắc nếu vẫn còn thấy bạn "ẩn náu" ở công ty trong những tuần sau. Thời gian hợp lý nên gửi thư là một hoặc hai ngày trước lúc bạn chính thức nghỉ việc, khi đó bạn đã hoàn thành phần lớn nhiệm vụ của mình và bạn sẽ có đủ thời gian để chia tay với từng đồng nghiệp.
- Từ ngữ thân thiện: hãy bày tỏ lòng biết ơn đối với những cá nhân đã giúp đào tạo bạn, chia sẻ về một số thành tựu lớn nhất của nhóm và làm cho mọi người nhớ về khoảng thời gian vui vẻ đã có cùng nhau và kết thúc thư với một vài lời khuyên vui vẻ, chẳng hạn như trích dẫn từ một chuyên gia được kính trọng trong lĩnh vực của bạn.
- Ngắn gọn: Đừng để mọi người than thở khi đọc một email chia tay quá dài nhưng cũng đừng gửi email ngắn gọn đến mức cộc lốc. Một email súc tích với nội dung khoảng 150 – 200 chữ sẽ là sự lựa chọn hợp lý.
Điều không nên làm
+ Tìm việc mới bằng thời gian và email của công ty
Về bản chất, hành động này chẳng khác nào "ăn cắp". Nhà tuyển dụng trả tiền cho bạn để làm việc cho họ, thời gian của bạn - ít nhất là trong giờ làm việc - thuộc về họ. Họ cung cấp cho bạn một tài khoản email để sử dụng cho công việc kinh doanh của công ty và nó không thuộc về bạn. Tệ hơn, những thông tin bạn trao đổi qua email công ty sẽ được lưu lại trên máy chủ và đây có thể là bằng chứng để chống lại bạn khi có sự cố.
+ Chia sẻ thông tin với nhà tuyển dụng tương lai
Mặc dù trong hợp đồng lao động của bạn không có điều khoản nào về việc bảo mật thì bạn cũng không nên chia sẻ thông tin quan trọng của công ty hiện tại cho các nhà tuyển dụng tương lai. Đối với công ty đã từng gắn bó, bạn đáng bị xem là "kẻ phản bội" và chẳng nhà tuyển dụng tương lai nào dám hợp tác với người có thể khiến văn hóa doanh nghiệp của họ "xuống cấp".
+ Rủ rê người khác nghỉ việc cùng
Có thể những đồng nghiệp thân thiết có nhiều bất mãn với cấp trên và công việc nhưng bạn cũng đừng nên "khuyến khích" họ nghỉ việc theo bạn. Bởi có thể bạn không phù hợp với công ty nữa nhưng họ thì vẫn muốn gắn bó. Nếu bạn cứ mãi càm ràm về chuyện nên ra đi, họ sẽ cảm thấy bạn thật phiền phức và muốn tránh bạn thật xa nhằm hạn chế những tin đồn tiêu cực gây ảnh hưởng đến "nồi cơm" của họ. Mặt khác, đối với những người lãnh đạo công ty thì bạn đang có hành vi âm thầm "rút ruột" nhân sự của công ty - một điều mà không doanh nghiệp nào có thể chấp nhận.