TTO - Không ít cặp vợ chồng mới cưới vừa hào hứng đón tết đầu của hôn nhân gia đình, vừa mang tâm lý lo lắng chuẩn bị cho "tết nhà anh, tết nhà em, tết nhà chúng mình" với những câu chuyện cười ra nước mắt.
Vợ chồng trẻ Như Phương - Văn Cương đón tết đầu - Ảnh do nhân vật cung cấp
Trần Thế Hùng (26 tuổi, nhân viên văn phòng, TP.HCM) vốn là một thanh niên yêu thích phượt, đi đây đi đó. Từ khi lập gia đình, việc "du ngoạn khắp chân trời" đã tạm gác lại. Tết này, nhóm bạn phượt của Hùng xôn xao lên kế hoạch chu du các cung đường ở vùng núi phía Bắc, khiến anh chạnh lòng.
"Khi còn độc thân, Tết đến, tôi hay cùng bạn bè đi khám phá vùng đất mới, đặc sắc văn hóa đón Tết ở mỗi vùng miền nước ta. Bây giờ, có gia đình riêng, lại là cái Tết đầu tiên ở nhà vợ, tôi tạm gác lại chuyện đi phượt. Có hơi tiếc nuối một chút, nhưng chuyện ăn chơi chắc chắn không còn thoải mái như trước, mà cần phải bình tĩnh vì trách nhiệm đối với gia đình" - Thế Hùng tâm sự.
Nhà Phạm Hoàng Thiên (27 tuổi, kỹ sư xây dựng) ở Đà Nẵng, còn nhà nàng ở vùng sông nước Vĩnh Long. Họ gặp nhau thời sinh viên đại học ở Sài Gòn. Ra trường, cả hai có công việc ổn định, và tháng 7-2017 họ quyết định "góp gạo thổi cơm chung".
Thiên tâm sự, tổ ấm mới luôn chộn rộn tiếng cười, niềm vui, nhưng những ngày cận Tết cũng không tránh khỏi tiếng to tiếng nhỏ.
"Vấn đề chúng tôi tranh cãi nhiều nhất là ăn tết nhà tôi trước, hay ăn tết nhà nàng trước, ở nhà tôi và nhà nàng bao nhiêu ngày là cân xứng với thời gian cả hai. Có tức giận, dỗi hờn, có nước mắt rồi cũng sắp xếp êm xuôi.
Nhà tôi cũng đông anh em, còn nàng là con một, nên hai đứa thống nhất Tết đầu về nhà nàng. ‘Nhưng luân phiên nhé, tết năm sau sẽ về nhà anh trước’, tôi ra điều kiện" - Thiên chia sẻ.
Cô dâu Nguyễn Quỳnh Như Phương (22 tuổi, Đồng Nai) có quan điểm đã lấy chồng thì theo chồng. Hai vợ chồng Như Phương tính về nhà nội từ ngày 29 âm lịch đến mùng 2 Tết, từ mùng 3 sẽ ăn Tết nhà ngoại.
"Nói thật cũng hơi buồn vì lần đầu ăn Tết xa nhà, nhưng trước Tết, vợ chồng tôi đã đi chơi, du hí các nơi rồi mới về ăn tết làm tròn bổn phận nên cũng không tiếc nuối gì" - Như Phương cho hay.
Vấn đề chi tiêu mua sắm Tết luôn khiến các cặp vợ chồng son đau đầu, vì còn trẻ nên họ thường thiếu kinh nghiệm trong việc này. Phạm Gia Bảo và Huỳnh Thị Như (quận 3, TP.HCM) tâm sự, tổ ấm nhỏ của anh chị có kinh tế khá.
Tết đầu, muốn lấy lòng cả hai bên gia đình, họ đã hồ hởi xách giỏ lên và đi mua sắm đến hơn 50 triệu đồng.
"Chúng tôi tính mua cái này, mua cái kia, nhưng đi siêu thị, cửa hàng thấy gì hay ho là ôm hết về nhà, thành ra bị trùng quà bánh khá nhiều. Lẽ ra chúng tôi cần lên kế hoạch mua sắm, chọn lựa quà cáp", Như cho biết. Họ quyết định tặng những món quà bị trùng cho trung tâm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Vợ chồng Thảo Hiền tất bật đón tết với nhiều niềm vui - Ảnh do nhân vật cung cấp
Cô dâu Thảo Hiền (22 tuổi, Xuân Lộc, Đồng Nai) mang nhiều tâm trạng khi chuẩn bị cái tết cho nhà chồng. Chị thổ lộ: "Hai mươi mấy năm trời đón tết ở nhà. Độ 28 âm lịch là nhà cửa chộn rộn, tôi gói bánh tét cùng ba mẹ, rồi sáng mùng một chở nội đi chùa.
Có lẽ, cảm giác đón tết ngày xưa ấy đã không còn nữa. Năm đầu làm dâu, tôi chỉ muốn mua sắm cho hai bên gia đình nhiều thứ, còn riêng mình đến giờ vẫn quần áo cũ. Mà không biết có vừa ý nhà chồng không".
Để có được những món quà như ý cho hai bên gia đình, Nguyễn Ngọc Mai (26 tuổi, kế toán, TP.HCM) chia sẻ rằng người vợ/chồng nên hỏi thăm nhau về sở thích, tính cách, cũng như món ăn khoái khẩu, phong cách thời trang của từng thành viên gia đình để có thể ghi điểm trong cái tết đầu.
Vợ chồng Ngọc Mai dự tính tết này sẽ chi tầm 20 triệu đồng, nhưng việc mua sắm đã chiếm gần 13 triệu cho hai bên gia đình, chưa kể những chi tiêu phát sinh không ngờ như phương tiện, quà biếu thêm, các hoạt động tất niên cuối năm...
Trong khi đó, tổ ấm nhỏ của Đỗ Thành Trung (27 tuổi, nhân viên marketing, TP.HCM) đã xây dựng kế hoạch đón tết khá ý nghĩa. Hai vợ chồng Trung sắm sửa tiết kiệm, dành tiền thưởng tết để đặt xe hợp đồng chở cả nhà vợ về quê ông bà bên vợ để ăn tết.
Trung nói, gia đình vợ khá khó khăn, nhiều năm liền chưa về quê thăm ông bà. Với anh, tết ý nghĩa hơn hết là gia đình đoàn viên.