TTO - Người nấu bán, người nấu để cho con cháu, nhưng họ chung mục đích để đỡ nhớ quê, cho con cháu cảm nhận được truyền thống dù sống giữa thành phố nhộn nhịp.
Ông Nguyễn Văn Bảo nấu bánh chưng - Ảnh: LÊ PHAN
Bên bếp lửa cháy bập bùng dọc đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 5, TP.HCM ông Lê Văn Cư (quê Thanh Hóa) và ông lê Thanh Giản (quê Quảng Bình) chậm rãi châm trà, kể cho nhau nghe về tình hình Tết ở quê nhà mà hai ông nghe lại qua điện thoại từ anh, em.
Vào TP.HCM từ 1975 và ở đến nay, cứ hằng năm vào ngày 27 Tết, cả hai cùng rủ nhau kiếm củi, mua lá, gói bánh… rồi thức canh và kể cho nhau nghe những câu chuyện cuộc sống.
"Bây giờ người ta muốn mua cái gì cũng có, nhưng nấu vầy rồi cho con cháu biếu bạn bè vẫn quý hơn ở cái công, cái tình. Ngày cận Tết, ngồi quanh bếp lửa chờ vớt bánh, nghe tiếng nước sôi sục cũng đỡ nhớ quê phần nào" - ông Cư chia sẻ.
Trong căn nhà dọc bờ kênh Tân Hóa - Lò Gốm (quận 6), cả gia đình ông Nguyễn Văn Bảo (quê Nam Định) cũng tất bật với việc gói bánh.
Người lớn thì làm bánh, buộc lạt, trẻ em lau lá, xếp bánh vào nồi. Hơn 20 năm nay, gia đình ông Bảo cứ mỗi Tết lại gói khoảng 70 cặp bánh để bán.
"Nói bán cho vui chứ gói cho đỡ nhớ quê, nhớ không khí Tết truyền thống. Gói bánh rồi dạy lại để con cháu giữ được hồn, cái nét quê hương, cúng lên bàn thờ ông bà, tổ tiên" - ông Bảo nói.
Nồi bánh chưng của hai ông Lê Văn Cư và Lê Thanh Giản trên đại lộ Võ Văn Kiệt - Ảnh: LÊ PHAN