TTO - Xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM, là nơi tập trung rất nhiều người quê Bắc Giang đến thuê đất của người bản xứ để làm rau muống.
Nhà anh Thịnh đón tất niên sớm tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA
Dân làm rau rất ít khi có điều kiện về tết, chỉ có tất niên là dịp để anh em cùng quê ngồi hàn huyên bên mâm cỗ tết, đánh dấu kết thúc một năm và chuẩn bị bước sang năm mới.
Để ghi nhận thời khắc này, người dân ở đây thường làm hai mâm cỗ, một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà và một mâm cúng trời, đất ở khoảng sân trước nhà.
Mâm lễ cúng tất niên tùy theo điều kiện gia đình cũng như phong tục tập quán mỗi vùng mà thịnh soạn hay thanh đạm.
Dân làm rau vùng này biết họ chỉ thắp nhang để chứng tỏ lòng thành với tổ tiên, còn các thứ hương hoa, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà… thì chỉ chuẩn bị khi vào tết chính.
Nhà anh Nguyễn Tiến Thịnh, xã Bình Mỹ, Củ Chi, tổ chức lễ tất niên vào ngày 13 tháng Chạp (29-1). Anh Thịnh quê gốc tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang nhưng đã làm rau muống 18 năm tại xã Bình Mỹ.
"Bán anh em xa, mua láng giếng gần" chú ạ. Họ hàng ở quê cả, ở đây chủ yếu là đồng hương và đối tác làm ăn. Một năm vất vả, anh em cùng ngồi lại hàn huyên để chuẩn bị đón năm mới", anh Thịnh chia sẻ.
Nhưng vì sao chỉ thắp nhang mà không cúng?
Anh Thịnh cho biết, dân làm rau muống rất vất vả, buổi trưa tất niên xong đến khoảng 2h là phải đi cắt rau ngay, đến khoảng 6h chiều thì chở đi bán, có khi bán đến 9, 10 giờ đêm mới xong.
Nhà anh Thịnh, ngoài việc trồng rau còn mua rau của bà con mang lên tận Tây Ninh để bán nên càng bận rộn hơn, làm đến cả đêm, vì thế "tất niên chỉ thắp hương để tổ tiên biết là mình làm gì cũng hướng về tổ tiên, lễ bạc lòng thành, ăn gì thì thắp hương cái đó, ông bà tổ tiên chắc cũng không nỡ trách".
Ngày 12 tháng chạp (28-1) nhà anh Nguyễn Văn Đại, cách nhà anh Thịnh vài trăm mét cũng tổ chức tất niên.
Anh Đại cho biết người đồng hương ở đây này đông quá nên tất niên từ đầu tháng Chạp nhưng nhiều nhà còn phải chờ năm sau mới đến lượt.
"Hôm nay tôi nghỉ cắt rau để làm tất niên cả hai buổi trưa và chiều. Họ hàng, đồng hương ở TP.HCM thì mời buổi trưa, còn ở Bình Phước và những nơi khác thì chiều họ mới đến được. Chỉ tất niên mới là dịp thích hợp để họp mặt mọi người, chứ ngày thường ai cũng đầu tắt mặt tối", anh Đại cho biết.
Anh Đại rời quê Hiệp Hòa, Bắc Giang vào Bình Mỹ, Củ Chi, làm rau muống đã hơn chục năm. Vợ chồng anh gửi hai con ở quê chăm sóc rồi vào TP.HCM làm rau muống, kiếm tiền làm vốn để về quê làm ăn.
"Chỉ ở xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa đã có khoảng 200 gia đình vào đây làm rau muống, hiện giờ rất nhiều người đã có tiền tỉ mang về quê mua đất làm nhà mấy tấm", anh Thịnh chia sẻ.