Sống khỏe

Quyết giữ 'tà áo tinh khôi Hội An' không vấy bẩn

TTO - Vì sao thành phố Hội An như "tà áo dài trắng muốt" lại bị vấy bẩn bởi sự ồn ã của quán bar, du khách bị chặt chém và đỉnh điểm là một người Úc phải nhập viện?

Quyết giữ tà áo tinh khôi Hội An không vấy bẩn - Ảnh 1.

"Kể từ nay, tất cả quán bar, nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí hoạt động về đêm phải trở về đúng nghĩa ban đầu. Nhà hàng phải là nhà hàng, chỗ nào chưa được cấp phép thì dứt khoát phải ngưng và dù cho hoạt động quá một phút cũng sẽ bị đình chỉ chứ không có chuyện du di như lâu nay"

Đó là lời tuyên bố khá dứt dạc của ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Hội An khi sau nhiều tháng chính quyền thành phố này im lặng, và nay đã phải ngồi lại để đối thoại với các quán bar trong phố cổ gây ồn ào, mất trật tự.

Một tháng qua, hay nói đúng hơn, rất nhiều tháng qua, Hội An đã liên tiếp, dồn dập xảy ra các vụ việc lớn gây bức xúc cho dư luận, tổn thương cho những người hết lòng yêu thành phố cổ kính xinh đẹp này. 

Nào là chặt chém du khách, nào là nhân viên xe buýt lợi dụng vốn tiếng Việt của khách nước ngoài để bòn rút tiền. 

Nào là các quán bar náo nhiệt bên bờ sông Hoài gần như suốt đêm gây phiền hà cho cư dân địa phương và du khách cần sự tĩnh lặng. 

Đỉnh điểm là một du khách Úc bị hành hung bê bết máu phải cấp cứu đêm 25-1.

Nhiều người đã tự đặt câu hỏi và cũng không thể trả lời được vì sao một Hội An di sản văn hóa thế giới với hai lần được UNESCO vinh danh, được du khách khắp nơi biết tới và nổi tiếng về sự tử tế, an toàn bậc nhất, lại trở nên lộn xộn và thảm hại một cách khó hiểu như những gì đã diễn ra thời gian qua. 

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, đã ví von rằng với ông Hội An như "một cô gái xuân thì, một tà áo dài trắng muốt và tinh khôi". 

Ông Sự yêu và giữ cho Hội An bằng tất cả tình yêu đó, quyết giữ cho tà áo tinh khôi đó không bị vấy bẩn.

Vậy mà nay, "chiếc áo" ấy đang tạo ra 3.200 tỉ mỗi năm, tạo sinh kế cho hàng trăm ngàn con người và là điểm đến của thế giới, lại bị nhuốm bẩn, và đó là điều không thể chấp nhận được.

Mẹ của ông Morgan, vị du khách bị người xe ôm đánh đêm 25-1, trong bức thư tay viết gửi ông Nguyễn Sự, đã tự đặt câu hỏi rằng "không thể hiểu nổi tại sao điều đó (con bà bị đánh) lại xảy ra ở Hội An?". 

"Chính quyền đã ở đâu, đã làm gì trong suốt thời gian qua để sự chuệch choạc, sa sút và lấm bẩn của một đô thị đẹp đẽ như thế?", bà đặt câu hỏi.

Câu hỏi đó hoàn toàn không khó trả lời và tất cả đã nằm trên bàn của những người đứng đầu Hội An suốt thời gian qua.

Thay vì giải đáp bằng cách chấn chỉnh những sa sút đó, Hội An đã chọn cách im lặng, bỏ qua những cái lắc đầu của du khách, những lời phàn nàn của dư luận và sự nuối tiếc đến thẫn thờ của những người yêu Hội An.

Nhưng những người đứng đầu thành phố, chịu trách nhiệm điều hành thành phố này không thể mãi chọn cách im lặng.

Sáng 9-2, sau nhiều tháng im lặng, chính quyền Hội An đã ngồi lại với các nhà hàng, quán bar... để tìm giải pháp cuối cùng. 

Câu trả lời cho "tại sao Hội An quá ồn ào, náo nhiệt" khiến nhiều người phải ngỡ ngàng: chỉ có 3 trong số hàng trăm quán bar và nhà hàng ăn uống kinh doanh quầy bar ở phố cổ được cấp phép! 

Vậy mà, mặc cho tao nhân than phiền, dầu cho mặc khách thở dài, các nhà quản lý đã lấy lý do "nhân văn", "tạo điều kiện cho du khách có một điểm vui chơi tiêu tiền" để "du di" cho tình trạng vô pháp được tồn tại giữa lòng phố cổ.

Nói gì thì nói, Hội An vẫn là một điểm son trong giới du khách và những vết bẩn trong thời gian qua đang được điều chỉnh, "giặt tẩy" để giữ cho Hội An là một thành phố trường tồn.

Vì thế, lắng nghe, cầu thị và quyết tâm chỉnh đốn của chính quyền Hội An dù muộn, nhưng là cần thiết.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,275,883       1,765