TTO - Vệ tinh MicroDragon do các nhà nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ quốc gia nghiên cứu thiết kế, chế tạo đang sẵn sàng cho việc phóng lên quỹ đạo vào năm 2018 bằng tên lửa Epsilon của Nhật Bản.
Thực hành lắp ráp vệ tinh PicoDragon với các chuyên gia nước ngoài - Ảnh: NVCC
Chế tạo vệ tinh là kết quả đầu tiên của dự án được đầu tư "khủng" nhất cho khoa học công nghệ từ trước đến nay, tới 600 triệu USD, với kỳ vọng đây sẽ là bước để Việt Nam thành một quốc gia ở tốp đầu khu vực về công nghệ vệ tinh, mở ra những cơ hội khác cho đất nước trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Làm vệ tinh quan sát bờ biển
Bắt đầu bằng vệ tinh đầu tiên PicoDragon chỉ nặng chừng 1kg được thiết kế, lắp ráp và phóng thành công vào quỹ đạo năm 2013, TS Phạm Anh Tuấn - tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ quốc gia Việt Nam (VNSC) - và cộng sự tự tin thực hiện một kế hoạch có quy mô lớn và dài hơi hơn.
VNSC đã cử 36 kỹ sư trẻ đến năm trường ĐH hàng đầu Nhật Bản tham gia các khóa học thạc sĩ công nghệ vệ tinh, đồng thời trực tiếp thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vệ tinh MicroDragon dưới sự hướng dẫn của các giáo sư Nhật Bản.
MicroDragon sẽ là sản phẩm vệ tinh đầu tiên chính thức do đội ngũ nhà khoa học, kỹ sư Việt Nam chế tạo. Vệ tinh này có kích thước 50x50x50cm, nặng khoảng 50kg, dùng để quan sát vùng biển ven bờ cho nhiều mục tiêu như định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ.
Sau khi anh hùng Phạm Tuân bay vào vũ trụ năm 1980, việc tham gia và bước đầu thành công trong công nghệ vệ tinh là khởi đầu tiếp theo cho ước mơ của nhiều người tại Việt Nam: đi vào vũ trụ.
Mở ra nhiều ứng dụng
Làm chủ công nghệ vệ tinh mở ra nhiều cơ hội phát triển trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, trí tuệ nhân tạo và kết nối Internet vạn vật trong cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra sự gắn kết.
Một số nước đã áp dụng việc sử dụng kết quả phân tích từ ảnh chụp vệ tinh cánh đồng lúa để tính toán tỉ lệ phân bón cần thiết cho từng khu vực trên cánh đồng, tăng năng suất và giảm chi phí...
TS Lâm Đạo Nguyên, giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ vệ tinh Việt Nam, phân tích: có thể triển khai ứng dụng ở đồng bằng sông Cửu Long để theo dõi tiến độ xuống giống, sinh trưởng lúa trên toàn vùng, từ đó dự báo nhu cầu nước tưới cho từng vùng.
Ngoài ra, theo người đứng đầu VNSC, vệ tinh còn rất nhiều ứng dụng quan trọng khác như truy tìm nguồn gốc các vệt dầu loang, kiểm soát tàu thuyền đi trên biển... Hình ảnh vệ tinh cho phép phát hiện nhanh các tàu thuyền lạ xuất hiện gần và trên vùng biển Việt Nam...
Tại sao không đi mua?
"Có những ý kiến cho rằng Việt Nam chưa đủ tầm, nên đầu tư nghiên cứu những vật dụng thiết thực hơn" - ông Phạm Anh Tuấn công nhận về những hoài nghi trong ngày đầu VNSC thực hiện dự án.
"Nhưng ứng dụng vệ tinh vũ trụ rất sát sườn. Các chuyên gia Nhật Bản đã tính mỗi năm Việt Nam mất khoảng 1,5% GDP vì thiên tai, tương đương 3 tỉ USD. Nếu có ảnh vệ tinh sẽ kịp thời báo chính xác bão, lũ, ngập ở đâu, giúp sơ tán đúng... Mỗi năm chỉ giảm thiệt hại được 10% đã tương đương 300 triệu USD, chưa kể thiệt hại về người" - ông Tuấn nói.
Trả lời câu hỏi "Tại sao không mua từ nước ngoài như đã làm với Vinasat 1, Vinasat 2?", theo các chuyên gia, nếu trước đây mua hay xin ảnh vệ tinh của nước ngoài mất khoảng hai ngày thì khi có vệ tinh chỉ cần 6-12 tiếng.
PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho rằng ngoài vệ tinh Vinasat 1, Vinasat 2 phục vụ kinh doanh viễn thông, truyền hình, điện thoại, Việt Nam cần có vệ tinh quan sát Trái đất, từ đó có thể tăng mức bảo mật thông tin.
Bên cạnh đó, việc chế tạo vệ tinh tại Việt Nam sẽ kéo các ngành công nghệ khác như vật liệu, cơ điện tử, tự động hóa. "Công nghệ vũ trụ là biểu tượng công nghệ cao của một quốc gia" - ông Tuấn nói.
Sẽ làm vệ tinh cảm biến hiện đại
Trung tâm Vệ tinh quốc gia đã phát triển thành công vệ tinh PicoDragon (1kg) và cho biết dự án vệ tinh NanoDragon (4-6kg), MicroDragon (50kg), LOTUSat (600kg) đang và sẽ triển khai.
Theo kế hoạch, năm 2019 vệ tinh LOTUSat đầu tiên sẽ được phóng. Năm 2022, các hạ tầng kỹ thuật dùng cho nghiên cứu, lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh sẽ sẵn sàng hoạt động để tiến tới làm vệ tinh LOTUSat-2 "made in Vietnam". Với hai vệ tinh công nghệ cảm biến rađa hiện đại này, Việt Nam có khả năng quan sát toàn bộ lãnh thổ và vùng biển quốc gia trong mọi điều kiện thời tiết với độ phân giải cao.
Có đi mới đến đích
Các kỹ sư trẻ của VNSC tại Đại học Tohuku, Nhật Bản - Ảnh: NVCC
Để có ngày hôm nay, quá trình chế tạo vệ tinh của Việt Nam đã trải qua nhiều gian nan. Năm 2006, TS Phạm Anh Tuấn gặp giáo sư nổi tiếng về cơ điện tử và công nghệ vũ trụ người Mỹ, ông Robert H. Bishop, và được tư vấn nên đi từng bước và làm vệ tinh 1kg trước.
Ông Tuấn và cộng sự bắt đầu tìm đường đi học hỏi. Các trường ĐH ở Mỹ không nhận sinh viên nước ngoài học về vệ tinh. Năm 2007, ông Tuấn cùng đồng nghiệp hợp tác với Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản để khởi động dự án vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon.
Một năm sau, phía Nhật đồng ý tiếp nhận năm cán bộ Việt Nam sang đào tạo, nhưng kinh phí nhà nước cấp chỉ đủ cho hai suất. Ông Tuấn rút tiền túi tích cóp được sau những năm làm việc ở CHLB Đức để đủ tiền cho năm người cùng đi. "Các bạn Nhật thuê hộ một căn nhà ở khu ký túc xá, chúng tôi tự nấu ăn cho tiết kiệm... Trong số năm người đi học ở Nhật năm 2008, trừ một người đã chuyển đi, bốn người còn lại đang là những cán bộ trụ cột của trung tâm" - ông Tuấn kể.
Năm 2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon trở thành vệ tinh "made in Vietnam" đầu tiên hoạt động thành công trong quỹ đạo - ông Tuấn nhớ lại. "Đích cuối cùng là vệ tinh LOTUSat-2 sẽ được lắp ráp, thiết kế hoàn toàn ở Việt Nam và phóng lên vào năm 2022, chính thức đánh dấu mốc Việt Nam làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh" - PGS.TS Phạm Anh Tuấn chia sẻ.