TTO - Hăm mấy tết cũng chính là những ngày cao điểm của hoạt động sẻ chia niềm vui tết. Những sẻ chia sẽ nhân tết đến mọi nhà, nhân những giá trị tết lên trong lòng người.
26 tháng chạp, bước chân của tết đã rộn ràng, đã vội vã. Các trường học đã nghỉ, các công trường, nhà máy công nhân đã chộn rộn về quê. Mai, đào đã bắt đầu bung cánh trong nắng xuân, gió xuân.
Đã đến ngày gói bánh chưng, hầm măng, chuẩn bị nồi thịt kho trứng. Màu tết đã đậm, vị tết, mùi tết bắt đầu ngất ngây… Đây lại cũng chính là những ngày cao điểm của hoạt động sẻ chia niềm vui tết.
Nào mang áo ấm lên vùng cao, nào gói bánh chưng bánh tét, sên mứt dừa để đêm cuối năm mang tặng người vô gia cư, nào kho thịt mang đến các gia đình nghèo, nào gói quà tết tặng người già neo đơn, khuyết tật, nào các buổi hội xuân ở bệnh viện nhi, ung bướu, làng SOS, mái ấm, những buổi đàn hát bolero, vọng cổ ở viện dưỡng lão, các hội chợ tết từ thiện nơi người nghèo được thoải mái lựa chọn những món đồ cần thiết và trả bằng phiếu quà…
Những lời mời gọi, rủ rê "mang tết đến nhà nhà người người" nao nức khắp nơi, không kém gì không khí mua bán tấp nập ở khu chợ tết.
Tổ chức những hoạt động ấy không phải là những người giàu có. Tôi biết chị phụ nữ đang đi lựa thịt, trứng để chuẩn bị mấy chục nồi thịt kho tặng xóm nghèo kia vẫn mỗi ngày lao nhọc trong cuộc mưu sinh.
Những bạn trẻ lần đầu háo hức vo gạo, đãi đậu tập gói bánh chưng có người mới được lĩnh những tháng lương đầu tiên trong đời, có người còn đi học và nợ học phí. Những cuộc tặng quà, tổ chức hội chợ đã phải chuẩn bị, quyên góp hàng tháng…
Món quà tết, nồi thịt kho, chiếc bánh chưng dành cho những người chưa quen đã được các chị, các bạn chắt chiu, chăm chút, chất chứa tình cảm không kém gì món quà, nồi thịt, chiếc bánh dành cho chính gia đình mình.
Và vào những ngày cận tết như hôm nay, khi những món quà đã hoàn thành, đã lên đường, đã được tay trao tay, mắt nhìn vào mắt thì những nụ cười của người trao còn rạng rỡ hơn người nhận.
Tôi biết sau buổi này, nhiều người mới tất tả về nhà lo cho nồi thịt kho, chiếc bánh chưng nhà mình, nhưng một phần của tết đã tưng bừng ở trong lòng: phần "chia tết". "Chia" nhưng lại là "nhân". Những sẻ chia sẽ nhân tết đến mọi nhà, nhân những giá trị tết lên trong lòng người.
Dẫu cho có nhiều lời bàn ra với việc tổ chức tết vì lịch âm lịch dương, nhưng tết cổ truyền vẫn lừng lững quyến rũ với màu với mùi với vị, vẫn thấm đẫm trong mỗi người Việt với những nét văn hóa sâu dày, đẹp đẽ.
Kính nhớ tổ tiên trong ngày tết. Cảm tạ và biết ơn trong ngày tết. Đổi mới, tin tưởng, hi vọng trong những ngày tết. Ăn tết. Chơi tết. Và với niềm hạnh phúc ấm áp không thể cất giấu mà mang tính lan tỏa khó cưỡng lại của sự sẻ chia, phải thêm cả phần "chia tết, nhân tết" vào nữa mới đầy đủ được những nét đẹp không thể thiếu của tết.
Như là không thể thiếu bánh chưng xanh...