TTO - Đỗ Phấn cho biết ông vẽ tranh giáp đều đặn từ hàng chục năm qua, mỗi mùa giáp tết.
Tranh giáp Mậu Tuất của Đỗ Phấn (Hà Nội) - Ảnh: THÁI LỘC
"Năm nay tôi vẽ hơn 70 "con", đã tặng gần hết, chỉ còn 6-7 con mà bạn bè cũng sắp đến lấy nốt. Nói kết thúc nhưng cũng chưa chắc, vì có khi có thêm người bạn nhắc hoặc nhớ ra thêm một người cần tặng, thế là hí hoáy vẽ thêm!".
Họa sĩ chuyên vẽ tranh con giáp Đỗ Phấn chia sẻ như vậy, khi chúng tôi ghé thăm ông trong một ngày se lạnh cuối năm.
Đủ đầy, vui nhộn
Ban đầu Đỗ Phấn vẽ dăm bảy bức, chỉ để tặng, về sau trở thành chuyên nghiệp vẽ giáp, không chỉ để tặng mà còn để các đơn vị xin in lịch và làm bìa nhiều báo tết.
"Cứ đến những tháng cuối năm, bạn bè cứ hỏi đã vẽ con giáp chưa. Thế là tôi nghĩ dành hẳn vài tuần vẽ tranh giáp cho đủ số tặng các ông. Và cũng hay ở chỗ vẽ tranh giáp cũng là lúc nghĩ về những người bạn thân thiết, gắn bó với mình. Năm nay cũng có khuyết đi một vài người, già cả thì phải mất thôi!" - ông nói...
So với mọi năm, tranh chó Mậu Tuất năm nay của Đỗ Phấn vui nhộn hẳn, với rất nhiều chó con nhí nhảnh, nghịch, rộn ràng, mà theo ông một phần nhờ những tin tức lạc quan cuối năm Đinh Dậu với công cuộc phòng chống tham nhũng, kết quả á quân châu Á của đội bóng U23 Việt Nam.
Cũng trong những ngày cuối năm này, rất nhiều du khách đến phố cổ Hà Nội cảm thấy thích thú khi bước vào triển lãm Tuất dome ở chợ Hàng Da. Người xem đặc biệt chú ý đến hàng loạt tranh chó trên đĩa gốm của họa sĩ Lê Thiết Cương.
Rất kiệm nét và kiệm màu, người họa sĩ "ngoáy" những nét khoáng đạt và đơn sắc thành ra những chú chó đặc biệt, giàu cảm xúc, ý tứ tràn trề, chứng tỏ nội lực cao của một cây cọ tài hoa...
Một bức tranh chó của Đỗ Trung Quân
Tranh chó và... áo ấm
Tại TP.HCM, nhà thơ - họa sĩ Đỗ Trung Quân cười sảng khoái khi nhà báo Lê Đức Dục báo tin thông qua đấu giá, bức tranh chó của anh mang lại 36,2 triệu đồng, góp phần vào số 427 chiếc áo ấm tặng học sinh của xã miền núi Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Thế là con chó trong tranh của anh đã đem lại chút hơi ấm...
Một chiều cuối năm, tại họa thất của mình ở quận Phú Nhuận, anh đã thở phào hoàn thành nhiệm vụ với bạn bè qua cả trăm bức tranh chó Mậu Tuất. Anh chỉ giữ lại con chó trên một mảng gốm nặng cả chục ký, vừa để "giữ nhà" vừa để đón tết năm nó được cầm tinh.
Tranh chó của anh năm nay mang một môtip rất riêng, cõng trên lưng mình những nhà cửa, tài sản của chủ nhân, kèm theo mỗi biểu tượng âm dương. Ngoài việc mang một vẻ vui nhộn của sự pha sắc màu rất... nên thơ, nhưng con chó tranh anh cũng thủ thân thủ phận, lo canh những khối tài sản của chủ nhân trong một khối trách nhiệm tràn trề.
"Khi vẽ, tôi nghĩ đến tính cách, đến cái tình của con chó, trung thành, tận tụy với gia chủ. Vì vậy, tôi mới đưa vào tranh biểu tượng âm dương, khái quát lên thành biểu tượng triết học để nói lên mối tương quan giữa con vật với con người" - họa sĩ Đỗ Trung Quân chia sẻ.
Tranh chó trên đĩa gốm của Lê Thiết Cương - Ảnh: THÁI LỘC
Du xuân - tác phẩm của Hoàng Phi Hùng (Huế) - Ảnh: THÁI LỘC
Mỗi năm góp một trận cười
Đã từ 14 năm nay, gallery Sông Như (Huế) trở thành phòng tranh con giáp vào dịp tết. Và cái đáng nói nhất ở các cuộc triển lãm truyền thống này chính là những chủ đề nghình nghịch, nghe qua đã "cười muốn chết", tỏ rõ sự tinh quái của người chủ xướng Đặng Mậu Tựu.
Có năm thì: Con cà - con kê, Cây còn - con cầy, Con hèo - con hẻo - con heo, Ê dê dê - con dê chín mùi, Thân cái con khỉ, Gà Đinh Dậu đậu nóc dinh. Và năm nay thì Cờ hó ngó cờ tây...
Tên gọi dung dị, đậm chất dân gian này như một lời chọc cười; là cách chơi chữ, nói lái của người miền Trung: "Chó ngó cầy tơ".