TTO - Không dễ để một thành viên gia tộc họ Kim ở CHDCND Triều Tiên ngồi cùng hàng ghế với một lãnh đạo Mỹ. Nhưng điều đó đã xảy ra tại lễ khai mạc Olympic PyeongChang ở Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và phu nhân (hàng dưới) bắt tay bà Kim Yo Jong trong lúc đi chào mừng các quan khách trong lễ khai mạc. Đứng ngoài cùng bên trái là Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong Nam - Ảnh: Reuters
Người ta đang kỳ vọng một cuộc đối mặt thực sự giữa hai bên, bất chấp các tín hiệu khước từ của hai phía. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, người đến Hàn Quốc hôm 8-2, tuyên bố Washington sắp sửa đơn phương áp lệnh trừng phạt kinh tế cứng rắn nhất từ trước đến nay nhắm vào Triều Tiên.
Ông Kim Jong Un đang thực sự mong muốn cải thiện quan hệ với Seoul, thông qua việc cử em gái tới Hàn Quốc
Giáo sư Koh Yu Hwan thuộc Đại học Dongguk
Nhà lãnh đạo Mỹ còn tỏ rõ sự hài lòng trước tín hiệu ủng hộ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, rằng Seoul hoan nghênh bước đi của Mỹ, trong bối cảnh ông Moon sắp có cuộc hội đàm với em gái của ông Kim Jong Un trong hôm nay (10-2).
Thế cuộc trên bán đảo Triều Tiên đang hết sức thú vị, với mối quan hệ tay ba Triều Tiên - Hàn Quốc - Mỹ.
Người quan trọng
Chiếc chuyên cơ màu trắng chở theo phái đoàn cấp cao Triều Tiên hạ cánh xuống sân bay quốc tế Incheon (Hàn Quốc) chiều 9-2. Mọi ánh mắt tại sân bay và sự chú ý của truyền thông tuy vậy lại không hướng về ông Kim Yong Nam - chủ tịch quốc hội Triều Tiên, người trên danh nghĩa cũng là nguyên thủ quốc gia của Triều Tiên. Về lý thuyết, ông cũng là quan chức cấp cao nhất của Bình Nhưỡng tới Hàn Quốc.
Họ quan tâm nhiều hơn đến một người phụ nữ trẻ, mặc áo khoác tối màu bước xuống từ chuyên cơ. Đó là Kim Yo Jong - em gái ruột của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Khẽ mỉm cười trước sự săn đón của truyền thông, bà Kim Yo Jong là thành viên đầu tiên của gia tộc cầm quyền họ Kim ở miền bắc đến Hàn Quốc, kể từ khi hai miền bị chia cắt.
Chuyến thăm hiếm hoi của bà, theo sau thông điệp đầu năm vốn được ví như cành ô liu chìa tới Hàn Quốc của ông Kim Jong Un, đang khiến giới phân tích đặt ra câu hỏi thông điệp nào sẽ được truyền tải trong lần này?
Không có tuyên bố nào được đưa ra, tính đến thời điểm hiện tại. Thông điệp thể hiện rõ qua lịch trình của phái đoàn Triều Tiên tại Hàn Quốc.
Bà Kim Yo Jong, người được cất nhắc vào vị trí ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Triều Tiên tháng 10-2017, sẽ ăn trưa với tổng thống Hàn Quốc trong hôm nay (10-2). Xét vị trí của bà tại Triều Tiên, cùng mối quan hệ ruột thịt với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, đây là một thông điệp mang tính cam kết mạnh mẽ từ Triều Tiên.
Nói như ông Leonid Petrov, chuyên gia quan hệ quốc tế của Đại học quốc gia Úc, bà Kim Yo Jong như "một nguyên thủ quốc gia" khi ở nước ngoài vì "ông Kim Jong Un rất tin tưởng em gái của mình".
Mỹ nóng mặt
Nếu ông Kim Jong Un cử em gái đến Hàn Quốc để chia rẽ quan hệ đồng minh Washington - Seoul, ông có thể đã thành công bước đầu, đặt trong bối cảnh Hàn Quốc đang mong muốn cải thiện quan hệ với Triều Tiên, còn Mỹ thì tỏ ra không mấy mặn mà.
Nước Mỹ, dù không nói ra, nhưng đã cho thấy sự không hài lòng trước sự xích lại gần nhau giữa hai miền Triều Tiên. Mọi sự phản đối đều xoay quanh cái cớ Washington không muốn "sự dễ thương giả tạo" của Bình Nhưỡng tại thế vận hội khiến thế giới quên đi chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Phó tổng thống Mỹ Pence, khi vẫn còn trên đất Nhật ngày 7-2, đã tuyên bố Mỹ sắp sửa trừng phạt Triều Tiên, chỉ vài mươi phút sau khi Bình Nhưỡng thông báo cử bà Kim Yo Jong tới Hàn Quốc.
Và bởi vì sự nóng mặt như hiện tại của Washington, khả năng một cuộc gặp giữa bà Kim Yo Jong hay Chủ tịch Kim Yong Nam với ông Pence ngày càng hẹp. Một quan chức cấp cao Triều Tiên nhấn mạnh không việc gì phải gặp phái đoàn Mỹ chỉ vì cả hai cùng tham dự thế vận hội ở miền nam.
Nếu đoàn Triều Tiên và Mỹ gặp nhau, sẽ không có gì để bàn. Nhìn ở khía cạnh khác, việc bà Kim Yo Jong đến Hàn Quốc có thể xuất phát từ thực tế Triều Tiên đang ngày càng bị bóp nghẹt trước các lệnh trừng phạt quốc tế do Mỹ thúc đẩy. Giá nhiên liệu tại Triều Tiên ngày càng tăng, đối lập với các nguồn cung từ nước ngoài đã sụt giảm trong năm 2017 khi các nước thực thi lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Một sự cải thiện trong quan hệ liên Triều có thể khiến Bình Nhưỡng dễ thở hơn một chút, bởi dù gì Triều Tiên và Hàn Quốc - dù là hai quốc gia khác nhau - vẫn cùng chung một dân tộc, một tiếng nói và một khát khao thống nhất.
Khác với hai đời tổng thống gần đây của Hàn Quốc, ông Moon là một người mong muốn được nhìn thấy quan hệ giữa hai miền có bước tiến tích cực trong thời gian ông cầm quyền. Ông không chấp nhận một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng mọi tín hiệu hòa giải từ miền bắc đều được ông đón nhận và phản hồi nhanh chóng.
Báo chí Hàn Quốc vẫn hay nói ông Moon là một người theo chủ nghĩa tự do, nhưng đâu đó trong ông còn có cả chủ nghĩa dân tộc. Bán đảo Triều Tiên chỉ có một dân tộc, một thứ tiếng mang tên Triều Tiên. Ông Moon muốn Hàn Quốc, quốc gia nói cùng tiếng nói với miền bắc, mới là người dẫn đầu trong các vấn đề liên quan tới Triều Tiên, chứ không phải Mỹ hay Nhật Bản.
Dĩ nhiên đó là chuyện không phải dễ với "anh cả" Mỹ nhưng là một câu chuyện rất đáng theo dõi vào thời điểm này.