Sống khỏe

Dấu hiệu mềm sụn thanh quản ở trẻ nhỏ

Hiện tượng mềm sụn thanh quản chủ yếu xảy ra ở vùng sụn nắp của thanh quản, sụn phễu hoặc ở cả hai cấu trúc trên.

Dấu hiệu mềm sụn thanh quản ở trẻ nhỏ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: pinterest.com

Mềm sụn thanh quản là một khiếm khuyết bẩm sinh hay gặp nhất ở vùng thanh môn và thanh quản. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra ở vùng sụn nắp của thanh quản, sụn phễu hoặc ở cả hai cấu trúc trên. Mềm sụn thanh quản hiếm gặp, nhưng có thể ảnh hưởng tới sự tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ.

Nguyên nhân gây mềm sụn thanh quản còn chưa rõ ràng: có thể do vùng thần kinh điều khiển trương lực đường hô hấp của trẻ chưa phát triển; trẻ bị thiếu canxi trầm trọng trong thời kỳ bào thai; do nhiễm độc thai nghén...

Trẻ bị mềm sụn thanh quản có biểu hiện gì?

Mềm sụn thanh quản hay gặp ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ. Trẻ thường được phát hiện bệnh ở khoảng 4-6 tuần tuổi, đôi khi sớm hoặc muộn hơn 2 tháng. Trẻ thường có những dấu hiệu:

Khò khè kéo dài: Trẻ bắt đầu thở khò khè ngay sau khi sinh. Cơn thở khò khè ngắt quãng khi hít vào, nên đôi khi cha mẹ nhầm là trẻ không được hút sạch nước ối sau đẻ, viêm nhiễm tại mũi gây ngạt tắc mũi. Tuy nhiên khám mũi không thấy tổn thương, không thấy dịch tiết và tiếng thở khò khè có âm sắc cao.

Trẻ bị mềm sụn thanh quản rất dễ bị trào ngược dạ dày thực quản và viêm phế quản phổi.

Cha mẹ trẻ thường nghe thấy tiếng khò khè tăng khi đặt trẻ nằm ngửa, trẻ quấy khóc, viêm nhiễm đường hô hấp trên kèm theo hoặc sau bú. Ngoài những biểu hiện trên,  trường hợp nặng, trẻ chậm lên cân, bú khó, ngưng thở, co kéo lồng ngực, cổ khi hít vào, tím tái. Các triệu chứng nặng trong vòng 8 tháng đầu sau đó sẽ hết dần triệu chứng khi trẻ 12-18 tháng.

Dễ bị trào ngược dạ dày thực quản: do nghẽn một phần thanh môn trong thì hít vào làm trẻ phải cố gắng mới lấy được không khí. Việc này gây tăng áp suất âm trong lồng ngực khiến thức ăn trào ngược từ dạ dày lên thực quản, hạ họng.

Do đó trẻ bị mềm sụn thanh quản rất dễ bị viêm mũi họng và viêm phế quản - phổi.

Chẩn đoán bằng cách nào?

Chẩn đoán xác định trẻ bị mềm sụn thanh quản bằng nội soi ống mềm thấy sụn nắp thanh quản lồng phồng, ép vào tiền đình thanh quản khi hít vào. Sụn nắp mềm sẽ bị kéo dài và xếp nếp, lúc này nhìn nghiêng sẽ giống chữ omega Ω. Khi trẻ hít vào sụn nắp che kín hoặc ép vào thanh môn làm hẹp phần này lại gây ra hiện tượng tắc nghẽn. 

Trên thực tế biểu hiện bằng tiếng rít thì hít vào, có âm sắc cao giống như tiếng mèo kêu. Chụp X-quang tim phổi tìm hiểu thêm một số bất thường khác gây tiếng thở rít như tuyến hung to, bệnh tim phổi bẩm sinh...; đo độ pH đánh giá mức độ trào ngược.

Diễn biến và điều trị bệnh

Hầu hết trẻ bị mềm sụn thanh quản tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên một số trường hợp phải nhập viện nhiều lần vì ngưng thở do tắc nghẽn. Bệnh có thể xuất hiện lại khi trẻ bị viêm nhiễm đường hô hấp trên. Mềm sụn thanh quản có thể dẫn tới tình trạng thiếu ôxy máu và ngạt nhẹ. Một số trường hợp nặng sẽ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ. 

Chỉ can thiệp phẫu thuật khi trẻ khó thở đe dọa tính mạng, có các cơn tím tái nặng, không lên được cân vì bú khó, co kéo lồng ngực và cổ khi thở, phải hỗ trợ ôxy thường xuyên, bệnh lý tim phổi gây ra do tình trạng thiếu ôxy kéo dài. Tạo hình các cấu trúc nâng đỡ quanh nắp thanh quản, lấy đi những mô thừa gây tắc đường thở. Điều trị chống trào ngược sau phẫu thuật.

Chăm sóc trẻ bị mềm sụn thanh quản

Bệnh không có thuốc điều trị đặc trị, có thể bổ sung thêm vitamin D và canxi. Trường hợp trẻ bị mềm sụn thanh quản nặng có thể gây biến chứng hạ ôxy máu. Bệnh không phòng được do không biết được nguyên nhân rõ ràng.

Cha mẹ cần lưu ý khi chăm sóc trẻ:

- Đặt trẻ ở tư thế nằm sấp hoặc nghiêng trên giường hoặc đệm cứng khi ngủ. Khi cho trẻ bú, phải điều chỉnh tia sữa cho phù hợp, tránh để trẻ sặc, không nên cố ép trẻ ăn và số lượng ăn mỗi bữa giảm bằng một nửa trẻ bình thường nhưng tăng số bữa ăn cho đủ lượng cần thiết mỗi ngày.

- Thỉnh thoảng (1-2 tháng một lần) cho trẻ đến bệnh viện đo lượng ôxy trong máu, nếu dưới 90% cần hỗ trợ ôxy.

- Điều trị sớm và triệt để khi trẻ bị viêm nhiễm đường hô hấp trên.

- Cần theo dõi những chuyển biến xấu để đưa trẻ đến bệnh viện khi cần thiết: trẻ ngưng thở trên 10 giây, thở khò khè, tím tái quanh môi, co kéo lồng ngực và cơ cổ không đỡ khi thay đổi tư thế hay bế trẻ, khó nuốt và chớ liên tục, bú kém hoặc bỏ bú, khó thở khi bú.

- Không cần kiêng ăn uống cũng như các hoạt động thể chất của trẻ.

- Tiêm phòng cho trẻ như các trẻ bình thường.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,293,284       1,027