TTO - Sẽ không nói quá khi một số chuyên gia cho rằng các nấc thang phát triển cũng như nhu cầu về smartphone đã chạm ngưỡng trên và nhiều người muốn hỏi “sẽ có cái gì khác nữa”?
Theo báo Washington Post, thực tế cho thấy ngày càng nhiều người Mỹ có cảm nhận họ không nhất thiết phải nâng cấp điện thoại hàng năm hay một vài năm một lần như trước nữa.
Nhìn chung các mẫu điện thoại hiện nay cũng đều có độ bền tốt hơn trước khá nhiều. Các mẫu mới ra thực tế cũng không còn quá hấp dẫn với các tín đồ công nghệ bởi các tính năng nâng cấp không quá lớn.
Nói gì thì nói, việc giảm bớt tần suất "đổi dế" không chỉ tốt hơn cho túi tiền của mỗi người, mà còn tốt cho cả môi trường sống của chúng ta. Và theo đó, các nhà sản xuất điện thoại hẳn là nên bắt đầu nghĩ về những sản phẩm mới khác.
Nhu cầu đang chững lại
Trong quan sát của giới chuyên môn, nhiều người cho rằng có lẽ nhu cầu smartphone của chúng ta đã chạm đỉnh. Tổng số smartphone xuất xưởng năm 2017 đã giảm 0,1%, đây là mức độ giảm cầu lần đầu tiên được ghi nhận trên toàn thế giới, theo báo cáo tổng kết của công ty nghiên cứu thị trường IDC.
Riêng tại Mỹ, mặc dù số điện thoại xuất xưởng vẫn tăng, song chỉ tăng 1,6%, mức tăng ít nhất trước nay.
Trở lại với năm 2015, theo hãng nghiên cứu Kantar Worldpanel, trung bình cứ 23,6 tháng, người Mỹ lại thay mới điện thoại của họ. Tới cuối năm 2017, thời gian thay mới điện thoại trung bình của người Mỹ là 25,3 tháng.
"Có phải smartphone đang có giá trị lâu dài hơn với mọi người không? Câu trả lời dứt khoát là đúng thế", chuyên gia phân tích Brian Blau của hãng Gartner cho biết. "Các thiết bị này đã đáp ứng đủ mọi nhu cầu của người dùng hiện nay chưa? Khá nhiều rồi".
Trong ngày 1-2 vừa qua hãng Apple công bố báo cáo doanh thu quý 4-2017. Đây cũng là lần đầu tiên Apple có quý nghỉ lễ mà doanh số bán iPhone sụt giảm, mặc dù chưa phải là mức giảm quá sâu, từ 78,3 triệu chiếc xuống còn 77,3 triệu chiếc.
Các kết quả kinh doanh của Apple cho thấy chu kỳ nâng cấp điện thoại của người tiêu dùng đã không còn sôi nổi như giai đoạn trước.
Giám đốc điều hành Apple, ông Tim Cook, trong trao đổi với các chuyên gia phân tích chứng khoán tuần trước, đã nói công ty của ông không còn quá lệ thuộc vào việc bao lâu người dùng sẽ nâng cấp điện thoại của họ nữa. "Chúng tôi rất hứng khởi với sự tiếp nhận iPhone X của mọi người", ông nói.
Một nguyên nhân đáng kể khiến chúng ta thay đổi "thái độ" với smartphone là bởi ở thời điểm hiện tại, các mẫu điện thoại đã gần như giống nhau.
"Các khách hàng nói rằng tôi sẽ mua khi tôi thấy có gì đó mới hoặc khi nghe thấy có thứ gì đó mà tôi cần", ông Ryan Reith, phó chủ tịch tại IDC nói.
Rất nhiều trong số những tiến bộ công nghệ lớn nhất gần đây như thực tế tăng cường, đã rất phổ biến thông qua phần mềm.
Chiếc iPhone X của Apple sử dụng các camera tích hợp trong máy theo những phương thức mới để nhận ra người chủ chiếc điện thoại và môi trường xung quanh, tuy nhiên ngay cả tính năng này cũng sẽ cần có thêm thời gian để có thể dùng trong những công dụng hấp dẫn hơn.
Cần chăm chút hơn cho smartphone cũ?
Một "vòng đời" điện thoại dài hơn cũng là một lời khen tặng với Apple và Samsung, ngay cả khi một số nhà đầu tư không thích điều đó. Nó là dấu hiệu cho thấy các sản phẩm này đáng tin cậy hơn và bền bỉ hơn với thời gian.
Tính năng kháng nước được bổ sung cho điện thoại iPhone 7 và Galaxy S7 cũng giúp điện thoại trở nên bền vững hơn bao giờ hết.
Việc làm chậm lại chu kỳ thay mới điện thoại không nhất thiết là tín hiệu xấu với cả Samsung và Apple. Họ có thể tính giá sản phẩm cao hơn, như Apple bán iPhone X với giá khởi điểm lên tới 1.000 USD.
Hoặc họ có thể bán thêm các phụ kiện cho điện thoại như Samsung bán kính thực tế ảo Gear VR và Apple bán loa thông minh HomePod, hoặc như dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Apple Music đang chứng tỏ uy lực rất mạnh mẽ khi vượt qua cả Spotify.
Dù vậy thì những người chủ sở hữu điện thoại chắc chắn sẽ còn có những nhu cầu khác nữa. Tháng 12 năm ngoái, Apple đã tạo ra một sự kiện ồ ạt thay pin cho iPhone khi thừa nhận phần mềm của họ đã cố ý làm chậm tốc độ xử lý của những chiếc điện thoại có pin cũ.
Thực tế cho thấy nhiều người mong muốn sửa chữa, nâng cấp những chiếc điện thoại cũ của họ thay vì mua mới. Một chuyên gia phân tích cho biết số lượng pin thay thế với giá bán đã giảm còn 29 USD sẽ khiến Apple tổn thất khoảng 10 tỉ USD doanh thu.
Cũng giống như xe hơi, điện thoại cần cả những dịch vụ phần cứng và phần mềm khi chúng ta duy trì vòng đời của nó lâu hơn.
Thế nên các nhà sản xuất điện thoại sẽ cần phải nghĩ về việc thiết kế những bản cập nhật phần mềm để hỗ trợ các điện thoại cũ lâu dài hơn.
Việc người tiêu dùng kéo dài hơn thời gian sử dụng điện thoại có thể khiến ngành sản xuất thiết bị cầm tay trở nên giống hơn với các lĩnh vực sản xuất laptop và máy tính cá nhân.