TTCT - Người dân, người lao động được gì trong các thỏa thuận thương mại bên cạnh những lợi ích vĩ mô?
Các hiệp định thương mại tự do, dù to tát ra sao, sẽ vô nghĩa nếu không mang lại đổi mới thiết thực cho cuộc sống người dân. Ảnh: Daily Mirror |
Câu chuyện về Canada, vốn bị xem là “chướng ngại” cản trở thỏa thuận CPTPP và cả Mỹ, mà nay được cho là đang ngấp nghé quay trở lại, là những trường hợp kinh điển cho thấy lợi ích của dân chúng và của các doanh nghiệp là tối thượng.
Hôm 23-1-2018, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada François-Philippe Champagne tuyên bố: “Củng cố mối quan hệ kinh tế của Canada với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn và phát triển nhanh về kinh tế, nhằm hỗ trợ sự thịnh vượng và tạo ra công ăn việc làm cho tầng lớp trung lưu của chúng ta là một ưu tiên đối với Canada.
Hôm nay, tôi vui mừng thông báo rằng Canada và 10 thành viên còn lại của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đã kết thúc các cuộc thảo luận tại Tokyo, Nhật Bản, về một Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...
Giành được các nhượng bộ quan trọng về sở hữu trí tuệ và văn hóa, cải tiến các vấn đề trong ngành công nghiệp ôtô và bảo vệ các quyền lao động then chốt, chúng tôi đã đạt được những thành tựu quan trọng cho Canada và cho người dân Canada”.
Nhân trường hợp Canada
Thật là một kết thúc “có hậu” chả bù với những trật vuột đầu tháng 11-2017, khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau bất ngờ vắng mặt không giải thích ở cuộc họp thượng đỉnh TPP-11 dự trù.
Sự cố này được coi là chướng ngại lớn cản trở quá trình đàm phán thỏa thuận thay thế TPP, vốn đã bị Tổng thống Mỹ Donald Trump “xù” ngay khi nhậm chức.
Tờ National Post (Canada) hôm 18-12-2017 thuật lại các quan chức Nhật Bản đã “bật mí” rằng hôm đó 10 nước còn lại nhất định sẽ tiếp tục tiến đến một “TPP-10” ngay cả nếu không có Canada.
Còn nhớ trong cuộc họp báo chiều 10-11-2017 ở Đà Nẵng, bên lề Thượng đỉnh APEC, ông Trudeau đã “đơn giản” giải thích: “Tôi muốn có một thỏa thuận tốt cho người lao động Canada. Đó là công việc của tôi”.
Chữ “job” mà ông dùng hàm chỉ công việc đó có người “ban” cho ông. Chính các cử tri Cananda đã “tuyển dụng” ông vào chức thủ tướng qua cuộc bầu cử năm 2015 với 184 ghế ở quốc hội cho Đảng Tự do của ông, nhiều hơn cuộc bầu cử năm 2001 những 150 ghế, đồng thời “truất phế” Đảng Bảo thủ vốn đã cầm quyền liên tiếp ba khóa bằng cách tước mất của đảng này 67 ghế.
Thành ra khi nghe ông Trudeau giải thích tại Đà Nẵng, có thể hiểu sức ép của cử tri Canada lên ông và bộ trưởng thương mại của ông là rất lớn.
Họ mà đàm phán thất thế, gây thiệt thòi cho người lao động và giới nghiệp chủ thì người dân Canada sẽ không ngần ngại “sa thải” ông ngay cuộc bầu cử tới như đã “sa thải” Đảng Bảo thủ, thậm chí sớm hơn nếu như hậu quả quá lớn.
Câu chuyện thịt bò Mỹ - Canada
Vào thời điểm tháng 11 đó, ông Trudeau đang rất lấn cấn vấn đề đàm phán lại NAFTA với Mỹ, mà ông Trump cho là Mỹ đang chịu thiệt.
Cuộc đàm phán lại này kéo dài tới tận hôm nay và vẫn chưa có lối ra (xin xem bài “Khi một siêu cường xét lại” cũng trong TTCT số này), trong khi đàm phán CPTPP thì tiến triển như đã thấy.
Trên thực tế, cả ông Trump lẫn ông Trudeau đều bị “ám ảnh” bởi NAFTA do lẽ Mỹ và Canada, hai thành viên chủ chốt của thỏa thuận này, là những đối tác lớn nhất và lâu đời nhất của nhau.
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều lên đến 627,8 tỉ USD năm 2016, xấp xỉ mức của Mỹ - Trung Quốc là 648,2 tỉ USD, theo Bộ Thương mại Mỹ.
Dù hiện Mỹ đang xuất siêu sang Canada chứ không nhập siêu lớn như từ Trung Quốc (khoảng 309,6 tỉ USD), Trump vẫn muốn đàm phán lại. Vấn đề ở chỗ Mỹ khó lòng “làm mình làm mẩy” với Trung Quốc, trong khi với Canada thì dễ hơn: cứ đem NAFTA ra đòi xét lại là xong!
Chính vì thế mà hôm 23-1, chỉ vài giờ sau khi Canada đồng ý ký kết CPTPP, ông Trudeau đã đem câu chuyện này ra “tố” lại ông Trump trong ván “xì phé” NAFTA lớn hơn của ông ở Diễn đàn kinh tế thế giới Davos mà ông Trump lần đầu tham dự:
“Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để các láng giềng phía nam thấy NAFTA tốt như thế nào” (USA Today, 23-1).
Không rõ lời nhắn nhủ có tác động gì tới ông Trump hay không song ba ngày sau từ Davos, ông Trump đã phát đi tín hiệu mới qua cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình CNBC:
“Tôi sẽ làm lại TPP nếu chúng ta có thể thực hiên một thỏa thuận tốt hơn thứ kinh khủng mà chúng ta đang có”.
Có vẻ trong một năm qua ở Nhà Trắng, cách này cách khác, ông Trump đã được giải thích rõ hơn về TPP mà ông xóa bỏ có phần vội vàng ngay sau khi nhậm chức.
Có thể lấy ví dụ về sức ép từ cử tri, thông qua các nhóm lợi ích khác nhau trong nước lên lãnh đạo của mình qua câu chuyện về ngành xuất khẩu thịt bò đều là thế mạnh của Mỹ và Canada.
Đầu tháng 12-2017, Hiệp hội Xuất khẩu các sản phẩm thịt Hoa Kỳ (USMEF) than vãn trên Beef Magazine (nghĩa là: Tạp chí thịt bò) của họ: “11 thành viên còn lại của TPP gần đây thông báo kế hoạch tiến tới một phiên bản sửa đổi của thỏa thuận này.
Nếu hiệp định mới, CPTPP, được triển khai mà không có Hoa Kỳ, sẽ tạo ra lợi thế đáng kể cho các đối thủ cạnh tranh chính của ngành sản xuất thịt bò Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có hiệp định thương mại tự do với một số quốc gia CPTPP nhưng ngoại lệ là Nhật Bản và Việt Nam”.
USMEF so bì: “Trong khi Nhật Bản là thị trường xuất khẩu giá trị hàng đầu của thịt bò Mỹ, họ đang áp mức thuế cao nhất với thịt bò nhập từ Mỹ: 38,5%... so với Úc 29,9% cho thịt bò tươi và 27,2% cho thịt đông lạnh.
Đến năm 2028, các mức thuế suất sẽ lần lượt giảm còn 23,5% và 19,5%... Việt Nam là một thị trường đang tăng trưởng, thuế của Việt Nam đánh vào thịt bò sẽ bị loại bỏ trong 3-8 năm, theo CPTPP.
Qua một hiệp định tự do thương mại khác với ASEAN..., Việt Nam sẽ loại bỏ thuế đánh vào thịt bò nhập từ Úc và New Zealand lần lượt vào năm 2018 và 2019”.
Thịt bò chỉ là một mặt hàng xuất khẩu nhỏ giữa vô số hàng hóa và dịch vụ khác, nhưng khi họ có lá phiếu trong tay thì mọi ý kiến đều phải được lắng nghe.
Với Canada, ngay sau khi có tin CPTPP đã đàm phán xong, Dan Darling, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi bò Canada, đã ca ngợi chính phủ vì thỏa thuận thương mại mới tạo điều kiện cho các nhà sản xuất thịt bò nước này tiếp cận thị trường Nhật Bản cực quan trọng, cũng như các thị trường năng động khác của châu Á - Thái Bình Dương.
Theo hiệp hội, Nhật Bản đang nhập khẩu lượng thịt bò giá trị 3,8 tỉ USD từ Mỹ vào năm 2016, từ Úc 1,8 tỉ USD trong khi từ Canada chỉ 115 triệu USD. Một mai khi thuế giảm, thịt bò Canada sẽ có cơ may hơn.
Câu chuyện thịt bò, từ một góc nhỏ, cho thấy người lao động và các doanh nghiệp luôn phải ở “trong đầu” các chính trị gia ra sao.
Chuẩn mực cho ai?
Tên gọi CPTPP, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, tự thân là lời nhắc nhở thường trực rằng quan hệ đối tác này phải là mẫu mực trong mọi lĩnh vực (“toàn diện và tiến bộ”), chứ không đơn thuần là tháo gỡ các hàng rào thuế quan.
Bởi lẽ trong hiệp định có rất nhiều yêu cầu chặt chẽ về bảo vệ môi trường, quyền lợi người lao động, sở hữu trí tuệ, tài sản văn hóa...
Để động viên các nước chưa phát triển đủ, CPTPP ân hạn cho một vài nước còn tụt hậu một thời gian nào đó, tỉ như năm năm để hoàn thiện luật lao động.
Hai túc từ “Canada và người dân Canada” thuộc mệnh đề cuối trong phát biểu Bộ trưởng thương mại Canada cho thấy mối quan hệ gắn bó “tuy hai mà một, tuy một mà hai” giữa người dân và nhà nước ở Canada.
Khi cả hai vế đều cùng chung lợi ích, lợi ích đó sẽ chan hòa; còn khi một vế bị “nhẹ cân” hơn vế kia thì câu hỏi đặt ra với các hiệp định thương mại sẽ là “đàm phán cho ai và để làm gì?”.
Những hiệp định thương mại luôn là thách thức vì nước nào cũng muốn bảo vệ lợi ích và quan điểm của nước mình.
Thế nhưng, trên tất cả những dị biệt, hầu hết các nước đều nghĩ đến trước hết các lợi ích thiết thực cho người dân, bao gồm người lao động, giới chủ doanh nghiệp và các ngành nghề trong nước.
Nếu xem đàm phán thành công là một kiểu “công trạng”, một mục đích phải đạt “cho bằng được” thì chính quyền có thể quên mất lợi ích cho những người thụ hưởng cuối cùng, mà qua câu chuyện Canada và Mỹ chẳng ai khác hơn là người lao động.
Nếu bằng cách này cách khác cứ giữ hàng rào bảo hộ, e ngại các chuẩn mực môi trường, lao động thì nguy cơ lớn là chỉ vài chủ doanh nghiệp làm giàu được, trong khi người lao động vẫn cứ mãi làm công việc lắp ráp và lĩnh lương “gia công”, quyền lợi thì chẳng ai ngó ngàng!
Nếu không thực sự nghĩ tới một lợi ích quảng đại mà thiết thực thì sẽ hẹn lần hẹn lữa, năm năm rồi lại năm năm, và việc sửa đổi cho đúng với chuẩn mực, đầu tiên là trên giấy tờ, rồi sau đó là theo lương tâm cứ sẽ giậm chân tại chỗ!
Chuẩn mực môi trường có khắt khe hơn, chẳng qua là vì lợi ích lâu dài và bền vững của đất nước, vì sức khỏe người dân. Chuẩn mực lao động cũng vậy.
Không hướng đến những chuẩn mực tiến bộ đó, hiệp định mới này vẫn sẽ chỉ là một bước đi tình thế, như sau cuộc họp đêm 10-11-2017 ở Đà Nẵng khi các bộ trưởng tạm “treo” 20 điều khoản áp dụng lần hồi cũng được để có thể đưa ra cho được một thỏa hiệp nhân dịp Thượng đỉnh APEC.■
CPTPP và RCEP Không có Mỹ, từ việc chiếm 40% GDP toàn cầu, giờ thỏa thuận mới chiếm 14% GDP toàn cầu, và từ hơn 800 triệu dân còn 500 triệu dân trong khối. Các điều khoản tự do hóa dự kiến cắt giảm và đi tới hủy bỏ 95% các sắc thuế đánh lên hàng hóa thương phẩm xuất nhập khẩu trong dài hạn. Một hiệp định khác cũng đã sắp xong, dự kiến ký trong năm nay là Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), với Trung Quốc là đầu tàu. RCEP chiếm 24% GDP và 46% dân số (3,5 tỉ người) toàn cầu. Bảy thành viên CPTPP cũng là thành viên RCEP, bao gồm Việt Nam. RCEP cũng không bao gồm Mỹ và không có các điều khoản liên quan tới lao động, nhân quyền và môi trường. |