TTCT - “Những đêm mùa đông khói hương trầm bay / Bóng cha ngồi đây ngọn đèn lung lay bức tường vôi trắng...”.
Câu hát ấy đưa tôi trở về ngôi nhà của nhiều năm về trước, hồi còn bé xíu, buổi tối nhà ai cũng chỉ có ngọn đèn dầu leo lét. Khi ấy, nông thôn còn lâu mới có điện thắp sáng, chưa nói gì đến các loại bóng đèn trang trí nhiều màu sắc như bây giờ.
Những ngọn đèn dầu tỏa ánh sáng mờ ảo trình chiếu bóng dáng con người cùng đồ vật lên bức tường trước mặt, vô cùng sống động. Khi vui, lúc buồn đều có ngọn đèn chứng kiến.
Người quê thường hay lấy ngọn đèn ra làm vật chứng cho lời nói cũng như việc làm của mình. Ngọn đèn dầu là thứ thân thuộc và tối quan trọng trong đời sống con người ngày ấy.
Tôi vẫn nhớ như in những đêm cuối năm, tháng chạp trời tối như bưng. Trong nhà, ngọn đèn tỏa sáng ấm áp, nhưng ngoài cổng ngõ lại tối đen. Ánh đèn dầu yếu ớt chỉ đủ hắt một quầng sáng nhỏ trên sân, không gian đặc sánh.
Bầu trời đêm cuối năm tối thẫm như có ai quét sơn đen, thỉnh thoảng mới xuất hiện vài quầng sáng yếu ớt hắt lên từ phía xa xa, đôi lúc đâu đó rộ lên vài tràng pháo tép lẹt đẹt.
Thoảng trong không gian mùi hương trầm thơm ngát quyện lẫn mùi khói pháo nồng nàn và bập bõm trong gió rét hun hút, tiếng radio nhà ai đang mở chương trình ngâm thơ đón tết.
Ngày ấy, chiếc đèn con là vật không thể thiếu được với mỗi gia đình. Hiếm hoi và quý giá lắm người ta mới sắm được cây đèn Hoa Kỳ, sang lắm mới tậu được cây đèn măngxông, đấy là nguồn sáng mơ ước đối với nhiều gia đình, trong đó có lũ trẻ. Những cây đèn lớn chỉ được dùng vào những dịp có công việc trọng đại như tết nhất hay các dịp cỗ bàn, cưới hỏi...
Nhìn vào ánh đèn sáng trưng hay leo lét cháy cũng đủ biết nhà giàu hay nghèo, ăn tết to hay nhỏ. Thế nhưng dù giàu có hay thiếu thốn, cộng với việc xếp hàng mua dầu ở cửa hàng hợp tác xã tốn nhiều thời gian thì những ngày đầu xuân, ngọn đèn dầu vẫn không bao giờ ngừng cháy trên ban thờ tiên tổ.
Tôi nghe bà nội bảo phải thắp đèn suốt đêm ngày để các cụ về nhà ăn tết với con cháu luôn được ấm áp vui vầy. Cũng thật lạ, tôi không bao giờ có cảm giác sợ hãi khi lòng luôn nghĩ chắc chắn trên bàn thờ nghi ngút khói hương và ấm sực ngọn đèn nhỏ kia có các cụ tổ tiên nhà mình đang ngự trị.
Bởi thế những ngày tết, tôi hay xắm nắm đi lau chùi bóng đèn cho sạch tinh vết nhọ và lo lỏm xem đèn có còn đủ dầu để cháy suốt đêm không.
Đôi lúc vào dịp đầu xuân, cây đèn dầu có “hoa” (lớp muội than bám đầu bấc đèn hình bông hoa - chú thích của BTV) khiến bà tôi vui mừng lắm, bà cho rằng đấy là niềm vui, là điềm báo trước cả gia đình sẽ gặp may mắn trong năm mới.
Suốt mấy ngày tết, cây đèn lớn quanh năm cất kín mới được đem ra chùi rửa để thắp sáng. Ánh sáng rực rỡ của nó khiến ngôi nhà trở nên lộng lẫy hơn, mấy cô gái trong bức tranh tố nữ treo trên tường vốn đã ngả màu thời gian bỗng chốc tươi mới, như thể giai nhân vừa giáng thế.
Không khí trong nhà tràn ngập niềm vui khi những bộ bài tam cúc, tú lơ khơ cũ kỹ được đem ra tỉ thí. Năm mới sang, những bộ bài này được đem ra đánh lấy may và vui mấy ngày tết, sau đó lại được cất đi đến tận năm sau.
Những cuộc vui như thế thường qua rất nhanh và để lại dư âm tiếc nuối, không muốn rời bộ bài nhỏ để quay về với bài vở hay công việc thường nhật.
Lúc ấy, sợ lũ trẻ trễ nải chuyện học hành, thường mẹ tôi phải “ra tay” cất cây đèn lớn vào tủ kèm thêm một câu hát vui vẻ: “Tú lơ khơ quân cơ quân nhép, tốn dầu đèn lại toét mắt ra...”.
Lúc ấy, lũ trẻ chúng tôi buộc phải hiểu rằng thế là cái tết đã lùi xa, năm mới đã bắt đầu cùng bài vở học hành với trẻ con và lo toan công việc với người lớn. Không còn những tối vui vừa chơi bài vừa hò hét váng nhà nữa.
Nhưng bọn trẻ vẫn có cho mình những trò “làm xiếc” cùng ngọn đèn dầu thần thánh. Đấy là những “bộ phim hoạt hình” đầy sống động được “sản xuất” từ hai bàn tay và ngọn đèn in bóng lên vách tường nhà...
Cái lạnh buốt của những đêm sương giá luôn bị đẩy lùi chỉ với ánh sáng vàng lung linh huyền ảo của ngọn đèn dầu bé nhỏ. Và những đêm xuân vẫn vô cùng ấm áp sum vầy dù không có ánh đèn màu rực rỡ, mà chỉ có ngọn đèn dầu leo lét cháy, cháy suốt những đêm xuân trên cả ban thờ cũng như trong lòng bọn trẻ, dù đã qua lâu rồi ngày xa xưa ấy...■