Sống khỏe

Chọi trâu: Hải Phòng tổ chức, Tuyên Quang khó bỏ

TTO - Người dân Tuyên Quang kiên quyết không bỏ chọi trâu khi chọi trâu Đồ Sơn vẫn được tổ chức.

Chọi trâu: Hải Phòng tổ chức, Tuyên Quang khó bỏ - Ảnh 1.

Dư luận lo ngại nếu tiếp tục tổ chức chọi trâu Đồ Sơn, sẽ rất khó ngăn “dịch chọi trâu” có thể bùng phát trở lại - Ảnh: KHẮC THÀNH

Sáng 2-2 tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL tổ chức hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018.

Ông Nguyễn Vũ Phan - quyền giám đốc Sở VH-TT&DL Tuyên Quang - cho biết ông lúng túng vì không biết giải thích với người dân địa phương năm nay có cấm chọi trâu hay không. Bởi trong các văn bản pháp luật chỉ nói chung chung là cấm lễ hội phản cảm và bạo lực, chứ không nói rõ cấm chọi trâu.

"Chúng tôi chờ kết luận từ bộ nói rõ ràng có tạm dừng chọi trâu hay không. Nhân dân nói vì sao Đồ Sơn vẫn duy trì chọi trâu mà Tuyên Quang phải bỏ? Trong khi bản chất của lễ hội vẫn là hai con trâu đấu với nhau, một thắng, một thua chứ không có gì khác.

Hiện đã có hàng trăm con trâu tập trung về địa phương, bà con chỉ đợi ăn tết xong là chọi thôi. Nếu không giải thích rõ, không ngăn được vì bà con kiên quyết tổ chức chọi trâu" - ông Phan lo lắng.

Bà Trịnh Thị Thủy - thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - trả lời bộ đã nói quan điểm rõ ràng là không tiếp tục tổ chức chọi trâu ở các địa phương, trừ chọi trâu Đồ Sơn đã được công nhận là di sản quốc gia.

"Lễ hội chọi trâu phản cảm ở chỗ ngay sau xới đấu là biến cả thư viện, trường học thành nơi xẻ thịt trâu bán. Chúng tôi đã đề nghị tạm dừng thì địa phương phải thống nhất quan điểm và quyết liệt, chứ đừng đẩy lên bộ nữa" - bà Thủy chỉ rõ yếu tố phản cảm của chọi trâu.

Đại diện huyện Đồ Sơn, Hải Phòng cam kết sẽ sửa đề án chọi trâu. Theo đó, địa phương không tổ chức đấu loại, chỉ chọi vòng chung kết với 16 đôi trâu.

Tuy nhiên, thời gian qua, trong dư luận đã dấy lên nhiều làn sóng phản đối lễ hội bạo lực. Dù được công nhận là di sản quốc gia, không ai có thể phủ nhận bản chất của chọi trâu là bạo lực. Trong xu thế phát triển của xã hội văn minh, mọi hình thức bạo lực, dù với động vật hay con người, đều không nên tồn tại. Sự cố trâu chọi húc chết chủ vừa rồi dường như vẫn chưa là lời cảnh tỉnh với người dân và cơ quan quản lý?

Bao giờ chấm dứt cướp lộc?

Ông Tô Văn Động - giám đốc Sở VH-TT Hà Nội - than trên địa bàn có hơn 1.200 lễ hội vào đầu năm. Mỗi ngày có hàng chục lễ hội diễn ra. Nếu không có sự tự giác của địa phương thì các cơ quan chức năng không thể quản lý xuể.

"Thanh tra, kiểm tra từ trung ương đến địa phương đều có, nhưng chủ yếu mang tính hình thức" - ông Động phát biểu. Ông dẫn chứng cụ thể: nếu kiểm tra chùa Hương lần nào cũng được báo trước thì luôn sạch sẽ, gọn gàng, nhưng ba tiếng sau quay lại thì khác hoàn toàn.

Về câu chuyện tranh cướp lộc ở hội Gióng, ông Động nhận xét: "Ngày xưa các cụ cướp lộc có văn hóa, trẻ nhường già, đàn ông nhường phụ nữ, chứ không như bây giờ là cướp thật. Năm nay, hội Gióng sẽ tất lộc (phát lộc) cho mọi người sau khi thực hiện nghi lễ".

Ông Nguyễn Công Hiệp, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Nam Định, lại giải thích sự lộn xộn, chen lấn, xô đẩy ở lễ khai ấn đền Trần là bởi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng.

Hai năm gần đây, ở lễ hội này vẫn xảy ra tình trạng ném tiền lẻ vào kiệu rước và cướp lộc trên ban thờ. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khá gay gắt: "Làm như vậy là bất kính với các bậc tiền nhân. Hành vi này vô cùng phản cảm, không thể chấp nhận được, cần có giải pháp triệt để".

Không bỏ chọi trâu, "nước ngoài cũng đấu bò, đấm bốc dã man..." Không bỏ chọi trâu, 'nước ngoài cũng đấu bò, đấm bốc dã man...' Nóng chuyện chọi trâu: bên chủ "hòa" - bên chủ "chiến" Nóng chuyện chọi trâu: bên chủ 'hòa' - bên chủ 'chiến' Chọi trâu, lễ hội hay thú vui ích kỷ của con người? Chọi trâu, lễ hội hay thú vui ích kỷ của con người?
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,313,262       1,967