Sống khỏe

Người để lại 'dáng đứng VN trên đường băng Tân Sơn Nhất' là ai?

TTO - "Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt"... Người chiến sĩ đã lưu dấu ấn của mình trong trí nhớ đồng đội, gợi nên cảm hứng cho những câu thơ đi vào lòng nhiều thế hệ ấy là ai?

Người để lại dáng đứng VN trên đường băng Tân Sơn Nhất là ai? - Ảnh 1.

Lấy ý tưởng về hình ảnh anh Nguyễn Công Mẹo - Dáng đứng Việt Nam để làm tượng đài 82 liệt sĩ hi sinh năm Mậu Thân 1968 tại khu vực bến xe Tây Ninh cũ thuộc quận Tân Bình - Ảnh: TỰ TRUNG

"Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và anh chết trong khi đang đứng bắn
 Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng".
.. 

Người chiến sĩ đã lưu dấu ấn của mình trong trí nhớ đồng đội, gợi nên cảm hứng cho những câu thơ đi vào lòng nhiều thế hệ ấy là ai?

Tên anh là Nguyễn Công Mẹo

Nhà văn Hoài Vũ đã viết trong bút ký Lá thư Tân Sơn Nhứt, chỉ một ngày sau trận kịch chiến ở sân bay Tân Sơn Nhứt và phát trên Đài phát thanh Giải phóng:

"Chiến trường không có một giây lặng tiếng súng. Đột nhập vào phi trường lớn nhất, kiên cố nhất, một giây đối với chúng tôi bây giờ bằng giá trị thời gian của hàng chục ngày, thậm chí hàng tháng chiến đấu bên ngoài trước đây... 

Ngày hôm qua, tại một góc sân bay vốn là địa điểm giao tranh ác liệt, anh em quân báo cho biết bên cạnh bốn chiếc thiết giáp đã cháy thành bốn đống sắt vụn, họ tìm thấy một đồng chí của mình đã hi sinh trong tư thế chồm lên đứng bắn. 

Trông cây súng bóng nước thép từ bàn tay bất động của anh chĩa thẳng về phía trước, một lính Mỹ to xác vừa nhào tới đã vội thối lui...".

Nhà văn Hoài Vũ đã ghi lại trung thực những gì mình nghe được. Nhà thơ - chiến sĩ Lê Anh Xuân thổi thêm một chút cảm hứng lãng mạn anh hùng cách mạng để dáng đứng ấy trở thành dáng đứng tiêu biểu cho hàng ngàn chiến sĩ giải phóng quân tham chiến tại sân bay Tân Sơn Nhứt.

Bài thơ nhanh chóng trở nên nổi tiếng và dáng đứng ấy cũng mau chóng trở thành một hình tượng anh hùng vô danh, mang cái tên "giải phóng quân": 

"Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ
Anh là chiến sĩ giải phóng quân
...".

Phải rất lâu sau đó, khi những cựu binh của tiểu đoàn 16 liên lạc lại được với nhau, nối lại được những mắt xích đứt đoạn của diễn biến trận đánh thì mới xác định được tên riêng của anh, dung mạo của anh: Nguyễn Công Mẹo, chính trị viên phó đại đội 1, tiểu đoàn 16.

Ông Trần Lý Hải, nguyên chiến sĩ đại đội 1, tiểu đoàn 16, hiện sống ở Xuân Trường, Nam Định, xác nhận: "2h sáng, đơn vị chúng tôi đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, chiếm được một số mục tiêu. 

Đến sáng, đối phương tổ chức phản kích mạnh. Đồng chí Mẹo lao lên, tựa vào một chiếc thiết giáp đã bị bắn đứt xích trước đó, nã đạn về phía trước. Anh lệnh cho một chiến sĩ khác nhảy hẳn lên chiếc thiết giáp, lấy khẩu đại liên của đối phương để bắn về phía chúng. 

Trời sáng hẳn, trực thăng Mỹ xả đạn vào đội hình của ta. Cả đồng chí Mẹo lẫn người chiến sĩ kia (tôi không biết tên) đều trúng đạn hi sinh. Riêng anh Mẹo, khi hi sinh vẫn đứng tựa vào chiếc thiết giáp, súng vẫn hướng về phía trước trong tư thế tiến công".

Riêng anh Mẹo, khi hi sinh vẫn đứng tựa vào chiếc xe thiết giáp, súng vẫn hướng về phía trước trong tư thế tiến công

Ông TRẦN LÝ HẢI

Người để lại dáng đứng VN trên đường băng Tân Sơn Nhất là ai? - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Công Mẹo, chính trị viên phó đại đội 1, tiểu đoàn 16, hi sinh trong tư thế chồm lên đứng bắn, làm nên một Dáng đứng Việt Nam - Ảnh: T.Trung chụp lại

Không để lại một tấm ảnh nào

Ông Mai Văn Bất, cùng đơn vị với ông Hải, cũng ở Xuân Trường, Nam Định, kể lại tương tự ông Hải:

"Khi đó, tôi nằm cách chiếc xe thiết giáp nơi anh Mẹo đứng 20m, cùng chịu đựng đợt phản kích mạnh của địch. Anh Mẹo xung phong chiếm xe thiết giáp bị đứt xích, tì súng AK lên xác xe, bắn về phía quân đối phương đang tràn đến. 

Anh gọi thêm một chiến sĩ nhảy lên, dùng chính khẩu súng đại liên trên xe để xả đạn về phía trước. Bị đạn từ trực thăng, cả hai đều hi sinh ngay trên chiếc thiết giáp. Một lính Mỹ đến gần, bất ngờ nhìn thấy anh chết đứng nhưng ngỡ anh sắp nã đạn về mình nên vội giơ tay lên... 

Những đồng đội của chúng tôi hầu hết đều hi sinh, bị thương và hết đạn. Tôi cũng bị thương nặng và hết đạn, rồi bị bắt. Tôi bị đưa ra Phú Quốc làm tù binh và năm 1973 được trao trả tại Lộc Ninh...".

Các đồng đội ở tiểu đoàn 16 đã viết báo cáo về anh Mẹo như sau: "Nhập ngũ ngày 31-1-1966, suốt một năm huấn luyện và rèn quân đi Nam, đồng chí Mẹo tỏ ra là một chiến sĩ tích cực, cần cù, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. 

Chặng đường vượt Trường Sơn gian khổ, đồng chí đã vượt qua mọi gian truân, thử thách, trưởng thành từ tiểu đội phó lên tiểu đội trưởng, trung đội phó rồi trung đội trưởng. 

Tham gia chiến đấu từ tháng 8-1967 đến 31-1-1968, đồng chí đã cùng đơn vị tham gia hàng chục trận, lập nhiều chiến công...".

Lần theo chỉ dẫn của những người đồng đội, chúng tôi tìm được địa chỉ, số điện thoại của anh Nguyễn Công Xá, con trai liệt sĩ Nguyễn Công Mẹo. 

Anh Xá bảo: "Tôi nào đâu có biết gì về bố. Nhà có hai chị em, khi bố nhập ngũ, chị gái 4 tuổi, tôi thì lên 2. Hai năm sau bố mất, chị 6 tuổi, tôi 4 tuổi, đã quên mặt bố rồi. Mẹ chỉ kể rằng hồi chiến tranh mới bắt đầu, bố đã đăng ký nhập ngũ nhưng không được nhận vì lý do sức khỏe. 

Năm 1966, đã 29 tuổi, có vợ, có con, đang làm kế toán ở xã, nghe đài báo chiến trường ác liệt cần vận động thêm nhân lực, bố lại đi đăng ký đi và được nhận. Thế là lên đường ngay...".

Sống ở quê, anh Nguyễn Công Mẹo không có tấm ảnh nào để lại cho vợ con. Từ nhỏ, Xá chỉ nghe hàng xóm nói "Thằng này giống bố" để mà soi gương, mường tượng ra khuôn mặt, đôi mắt của bố trên gương mặt mình. 

Rồi anh ra huyện, nhờ người họa lại một gương mặt theo mô tả, vẽ lại tấm áo giải phóng quân và đặt lên bàn thờ. Bài thơ Dáng đứng Việt Nam được đưa vào sách giáo khoa, Xá và con anh đều đã học nhưng không một mảy may nghĩ rằng đó chính là hình ảnh của bố mình, ông mình.

Những đồng đội ở tiểu đoàn 16 của anh Mẹo đang gấp rút làm hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu anh hùng cho người đã tạo ra "dáng đứng Tân Sơn Nhứt" và làm nên một Dáng đứng Việt Nam.

Anh ngã xuống đường băng năm ấy: Người anh hùng của tiểu đoàn 16 Anh ngã xuống đường băng năm ấy: Người anh hùng của tiểu đoàn 16 Anh ngã xuống đường băng năm ấy: Đồng đội Anh ngã xuống đường băng năm ấy: Đồng đội Anh ngã xuống đường băng năm ấy: Ngày mùng 2 Tết Anh ngã xuống đường băng năm ấy: Ngày mùng 2 Tết

Vẫn là liệt sĩ vô danh

"Các chú đồng đội của bố ở tiểu đoàn 16 từng tìm đến thăm nhà kể chúng tôi nghe tường tận trường hợp hi sinh của ông, đã biết đích xác ngày mất để làm giỗ. Thế đã là may mắn lắm.

Mấy năm trước, được báo tìm thấy mộ tập thể, quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM, tôi đã vào thăm, đốt nhang khấn vái. Nhưng trên bia mộ chung khắc tên 182 liệt sĩ không có tên của bố.

Ông vẫn cứ là vô danh như trong bài thơ ấy.

Nay lại nghe nói về việc tìm thấy mộ tập thể một lần nữa tại sân bay Tân Sơn Nhứt, tôi và gia đình không dám mong gì hơn là sẽ có một ngày được nhìn thấy tên Nguyễn Công Mẹo trên một tấm bia liệt sĩ".

(Anh Nguyễn Công Xá)

_____________________________

Kỳ tới: Việc của người còn sống

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,312,927       1,935