TTO - Vòng chung kết giải U23 châu Á, nếu so với Quang Hải, Văn Thanh hay Tiến Dũng... Công Phượng không thật thật sự xuất sắc bằng. Nhưng, với bạn đọc Anh Trí, số 10 của U23 Việt Nam xứng đáng là người hùng thầm lặng. Vì sao?
Công Phượng (10) nỗ lực vượt qua vòng vây các hậu vệ Uzbekistan trong trận chung kết - Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Dưới đây là phân tích của bạn đọc này tham gia diễn đàn Làm gì để duy trì thành tích của đội U23 Việt Nam như tại vòng chung kết U23 châu Á?
"Khi cả nước đang đắm chìm trong những thời khắc lịch sử, khi những anh hùng được mọi người hâm mộ hô vang như "sát thủ" Quang Hải hay "thần giữ đền" Tiến Dũng, mọi nơi đều sôi lên những cái tên vàng của làng túc cầu Việt Nam trong một tháng qua.
Nhưng ở đây, mình chỉ xin phép gởi lời cảm ơn đến số 10 thầm lặng của U23 Việt Nam.
Bóng đá là vậy, không phải vinh quang là không nghiệt ngã. Một đội bóng có thể mang chiến thắng tột cùng về cho quốc gia, bằng mồ hôi, bằng máu của một tập thể.
"Về Công Phượng, hình ảnh mà người hâm mộ có thể nhớ nhất ở giải đấu, có thể là pha xoạc bóng vào lưới U23 Iraq. Nhưng với tôi, đó lại là hình ảnh tranh chấp đầy lăn xả với số 10 đội bạn trước vòng cấm địa nhà, trước khi dùng kỹ thuật của một tiền đạo vợt qua 2 cầu thủ khác trên sân bóng đầy tuyết phủ."
Anh Trí
Nhưng khi tất cả trôi qua, vài năm hay đôi khi vài tháng. Điều duy nhất còn đọng trong chúng ta, có lẽ chỉ là người ghi bàn hoặc một ai đó chơi xuất thần.
Có thể ai cũng nhớ, tại trận chung kết Euro năm 2008, Torres là người đã ghi bàn thắng duy nhất giúp Tây Ban Nha xóa lời nguyền "học tài thi phận".
Nhưng mấy ai nhớ được, một phần lớn bàn thắng đó đến từ pha chọc khe tuyệt vời của Xavi. Một trấn đấu mà Torres từ kẻ thế thân cho David Villa trở thành người hùng quốc gia.
U23 châu Á 2017 chắc chắn là giải đấu AFC cuối cùng của Công Phượng trong màu áo U23 Việt Nam. Ai cũng tin rằng chàng trai này sẽ dành rất nhiều máu huyết cho giải đấu.
Nhiều người hâm mộ có lẽ chỉ chờ đợi những pha đi bóng của Công Phượng giữa hậu vệ đối phương, hay may mắn hơn là một quả phạt đền kiểu Panenka.
Không nhiều người kỳ vọng vào một giải đấu, mà Việt Nam mang đến hơn nữa cầu thủ thường xuyên mài đũng quần trên băng ghế dự bị tại câu lạc bộ. Thậm chí rất nhiều người chẳng buồn theo dõi vòng bảng giải này.
Ngay từ vòng loại, U22 Việt Nam khi đó cũng chỉ đến với vòng chung kết kỳ tích này, bằng những chiếc thắng trước các đội yếu hơn hẳn và một thất bại khó chịu trước Hàn Quốc.
Một trận đấu mà cá nhân tôi cho rằng, Công Phượng phần nào đã cứu lấy danh dự cho hàng thủ lơ ngơ của U22 khi đó và U23 kiêu dũng bây giờ.
Nhiều lẽ như thế, chắc rằng với nhiều người vẫn luôn theo dõi từng trận đấu của U23 Việt Nam, cũng chỉ mong thấy được vài pha trình diễn của Công Phượng như ở vòng đấu loại là đủ rồi.
Nhưng, một loạt các trận cầu chấn động của đội nhà làm không ít người nhận ra sự mờ nhạt của Công Phượng trên hàng công. Nhưng với riêng tôi, đó là cái hay của ông Park, đó là điều mà các huấn luyện viên trước kia chưa làm được.
Có thể đây chính là câu chuyện ông già 60 tuổi này đã nói với các cầu thủ trong phòng thay đồ, nói trên bàn ăn, nói trong các giờ nhàn rỗi. Câu chuyện của việc kiềm hãm cái tôi và chơi thứ bóng đá của sự hy sinh vì tập thể.
Chúng ta không thể nào kỳ vọng Công Phượng sẽ dùng sức mạnh trấn áp quần hùng, hỗ trợ phòng ngự cánh trái như Mario Mandžukić đang làm ở Juventus.
Cũng không thể nào đòi hỏi, với thể hình thuộc dạng nhỏ nhất đội của Công Phượng mà có thể cắt bóng, bức tốc và áp đảo hàng phòng ngự như "đứa con của Thần Gió" Thierry Henry, một trong những "tiền đạo phòng ngự" tiên phong trong bóng đá hiện đại.
Nhưng, cá nhân tôi, rất muốn và đang cảm nhận Công Phượng sẽ gắng trở thành Roberto Firmino của Việt Nam, một trong những tiền đạo đẳng cấp, đơn độc trên con đường "tiền đạo phòng ngự" kỳ dị của anh.
Với cách ông Park ăn mừng hay phản ứng ngoài đường biên, tôi hay liên tưởng đến Jurgen Klopp. Và hy vọng, trong những lời chia sẻ của ông thầy xứ Hàn, ông cũng sẽ tin tưởng Công Phượng như cách mà Klopp không thể thiếu Firmino.
Vì với Klopp, để đánh giá một trung phong hiện đại, mà chỉ qua việc ghi bàn thì sẽ không tìm ra được người đẳng cấp.
Một giải đấu vô tiền khoáng hậu của U23 Việt Nam đã trôi qua, mang đến rất nhiều cảm xúc, vinh quang, tự hào cũng như tiếc nuối. Dù rằng chưa trọn vẹn, nhưng cũng xin cảm ơn các cầu thủ của chúng ta đã mang đến một cái nhìn toàn cảnh nhất về bóng đá.
Từ nghệ thuật cho tới đời thường, từ hào nhoáng cho đến gai góc, từ sân bay cờ hoa cho đến mái nhà thầm lặng của những người mẹ đang đợi con.
Với những người hâm mộ, dù là đam mê đường bóng mấy mươi năm hay hôm qua vẫn là người trề môi với môn thể thao "22 thằng giành giật chi một quả bóng", thì tháng 1-2018 vẫn là tháng "bão tố" thật sự trong lịch sử dân tộc.
Về Công Phượng, hình ảnh mà người hâm mộ có thể nhớ nhất ở giải đấu, có thể là pha xoạc bóng vào lưới U23 Iraq. Nhưng với tôi, đó lại là hình ảnh tranh chấp đầy lăn xả với số 10 đội bạn trước vòng cấm địa nhà, trước khi dùng kỹ thuật của một tiền đạo vợt qua 2 cầu thủ khác trên sân bóng đầy tuyết phủ.
Một chuẩn mực cho lối "tiền đạo phòng ngự" hiện đại, mà ngay cả thần tượng Neymar của Công Phượng cũng khó có thể chơi, dù sở hữu "đôi chân ma thuật".
Có thể Công Phượng sẽ khó vươn tới tài năng huyền thoại như Garrincha, nhưng hy vọng chàng trai này sẽ mang một quan niệm bóng đá như ông - người mà khi đội nhà Brazil thua trận chung kết World Cup ông vẫn cười hề hề trở về quê làm công nhân và đi câu cá.
Vì với Garrincha, sau tất cả những điều như vinh quang hay vật chất thì "bóng đá cũng chỉ là một trò chơi", vào sân thì phải chơi hết mình và rời sân thì vẫn chỉ là một gã trai thầm lặng."
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Theo bạn, làm gì để duy trì thành tích của đội U23 Việt Nam như tại vòng chung kết U23 châu Á? Mời bạn hiến kế với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!