TTO - Mình thường đến triển lãm muộn, phần vì không thuộc nhóm celebs hay báo chí nên ít khi được biết tin mời ra mắt hoặc khai mạc.
Nhưng cũng có lí do nữa là ngay cả khi biết, được rủ rê kéo đến… mình cũng cảm thấy thiếu thoải mái trong các buổi này.
Lí do là mình thấy hơi khó tập trung vào chính những tác phẩm có trong triển lãm, có thể là tranh, có khi là tượng, có khi là những phản chiếu nhân sinh quan khác.
Một nguồn năng lượng của vui vẻ, của tụ họp, của những phấn khích và thăng hoa bất chợt lên đỉnh đúng vào giờ mở cửa…
Nó có thể khiến cho mọi thứ xung quanh như bị xới lên, bụi tung mù, dậy hương, dậy sắc lắm khi hơi quá.
Ví như phơi thật nhiều quả lựu lột vỏ dưới nắng mặt trời đận quá trưa và bọn ong, bọn kiến, bọn ruồi, chúng tạo nên một hỗn loạn một tổng hoà quá nhiều xáo động.
Không phải thế thì không hay. Thế rất hay, nhưng mình vốn ở ngoài vòng liên hệ mật thiết ấy…
Mình sẽ thấy choáng, thấy ngạt, thấy rất khó nhìn sâu và nhìn lâu vào bọn lựu đang phơi nắng lột trần kia, dù như mình nói, nhìn thấp thoáng cũng có thứ thú vị kiểu xì tai Nhiếp ẩn nương rèm nilon phấp phới!
Mình biết về triển lãm này khá lâu trước khi nó diễn ra, vì cũng rất vô tình, được ăn một bữa với hoạ sĩ Đặng Xuân Hoà, khi ấy, đang hoàn thiện nốt những bức cuối cùng.
Anh Hoà cẩn thận bảo mình đừng post phây búc nhé. Chuyện buồn cười là ngay trước đó, cả bàn nói về copy, đạo nhái, và thái độ kẻ cắp bị phát hiện sẽ ra sao. Mình rất rón rén, tất nhiên rồi, chụp nhưng cất đi, làm tư liệu.
Chú Ngô Thảo - hảo hán nhân dạng Bắc kì elite nói giọng miền Trung thì lại khác, cứ xua mình, với 2 chị khác vào chụp cho hết tất cả các bức tranh.
Mình ngồi đó, ngắm anh Hoà và nghĩ, ồ, nếu phải tìm một diễn viên đóng Bùi Xuân Phái hay Trần Dần, có lẽ đây là lựa chọn không tồi, tất nhiên, đôi mắt, đôi mắt phải có cách gì khác đi!
Hôm nay, sau nhiều ngày thu xếp, mình đến triển lãm, đặt những xáo động của chính bản thân mình ở phía bên ngoài cái nhà triển lãm vốn trước kia là kho chứa đạo cụ kiêm trường quay của xưởng phim danh giá bậc nhất nước nhà!
Mình đi khá chậm, thật ra triển lãm chả lớn, đi nhanh cũng thấy ngại với các bức tranh!
Chậm, thậm chí hơi chậm quá, mình chọn cách bắt đầu triển lãm bằng việc không dừng không nán lại trước bất cứ bức nào mà bước về toa tàu mục nát, bước về phía không tranh!
Leo lên, bậc thang mục ải, thảm đỏ phủ lên những gồ ghề lộ liễu, dừng chút và ngắm bức ảnh với 5 gương mặt vừa lạ vừa quen quen vì họ, những cái tên và tài năng đã xác lập lâu rồi…
Lạ vì họ, một giai đoạn nào đó chưa già, không hẳn trẻ, một đoạn của sự định hình và khắc rõ nét TÔI…
5 cái tôi ấy cạnh nhau trong bức ảnh đen trắng, dán trên vách tàu điện vừa như 5 kẻ đi tàu trông chả lấy gì làm giầu có, cũng khó đảm bảo trong số kia không có người lậu vé óc vơ vẩn nghĩ về bữa rượu ở xưởng vừa rồi hoặc âu lo với điều gì chả bé chả to!
Phải, họ trông như những khách tàu điện bình thường mình hay gặp trong tưởng tượng (khi mình đủ lớn, tàu điện hết leng keng rồi).
Nhưng đồng thời họ cũng giống như một băng nhóm nào đó đang chằm chằm nhìn vào mình - một khách lậu vé, nhảy lên chuyến tàu của riêng họ!
Mình đứng trong toa tàu chật hẹp, thậm chí khi ghé mông ngồi cũng cảm thấy rón rén, toa tàu này của họ, của riêng họ thôi. Mình như một hòn đá bị bọn trẻ con nghịch dại ném vào…rón rén cũng là hợp lẽ!
Chừng như đã đến bến, mình xuống tàu và nhảy vào ga Hồng Việt Dũng, ga này thật ngơ ngẩn, xin đừng nhầm thành ngớ ngẩn dù mình biết, sự nhầm lẫn lắm khi thật mong manh!
Vậy mà không, chả có gì cũ, chả có gì quen, à thực ra cảm giác về một không gian màu sắc dịu dàng-vẫn đấy! Mà không, nó không quen thuộc! Nhưng nó cũng không quá lạ lùng…
Thú thật với chính bản thân mình, nếu lúc ấy không nhớ ra rằng một trong nămnhân tố của băng này là Hồng Việt Dũng thì có lẽ mình sẽ lao đầu vào góc tranh để tìm chữ kí…
Thế nghĩa là thế nào? À nghĩa là anh Dũng vẫn Việt, vẫn Hồng (bằng chứng là có hẳn một bức hồng rực rỡ hẳn hoi) nhưng anh Dũng trong cái nhà kho này… MỚI nhé, dẫu chỉ là mới so với chính anh thôi!
Cái mới này, tạm quên mấy kẻ khả ố đứng xem vừa rung đít vừa phán tít mù rằng tranh thế này, hoạ sĩ đổ hộp sơn lên bôi đều ra thế là xong!
Mình nghĩ bạn sẽ thấy có rung động đấy! Lợi điểm của việc không đến triển lãm những lúc ồn ào, chính là ở đây!
Rồi dấn bước nào - Tầm tã, tầm tã, tầm tã
Khi bước vào đây, qua lối cửa chính, mình đã lập tức bị thu hút về góc này, những bức khổ lớn của Trần Lương mà mình phải cố lơ đi. Giờ thì thả lỏng, thả lỏng nào.
Ai đến xem triển lãm, test thử nhé, có phải ga anh Lương làm bạn nán lại rất vui?
Lâu quá rồi không nghĩ rằng anh Lương sẽ vẽ tranh thú vị thế này!
Xưa hay nghe đồn thổi, anh Lương vẽ xấu nhất băng.
Mình thì chỉ quen anh Lương giám tuyển nói rất nhiều và nhiều khi mình chả hiểu mấy những lời giám tuyển đang tằng tằng tằng nên khi thấy tranh, mới, sáng, đĩnh đạc, sắc nét, còn thơm luôn nhé, thì mình bỗng nghĩ: Ôi này, có nhẽ anh Lương nên dừng việc nói một thời gian, và lao vào vẽ đi!
Mọi bức tranh đều có sự duyên dáng với một thứ năng lượng tích cực tràn trề cảm giác như người vẽ đang vui sướng, thậm chí có thể tưởng tượng ra khi lia cọ theo những sóng ngoằn ngoèo.
Và người sao của chiêm bao làm vậy, thật kì lạ khi xem tranh hôm nay mình bỗng có chút tin rằng, anh Lương thật sự rất ngây thơ!
Cái ngây thơ giữ được đủ lâu giống như một thùng rượu ủ đủ tháng ngày! Không khiến bạn say nhưng đủ để giữ bạn bay!
Nào vui rồi đúng không?
Ta bước đến ga kế tiếp, ga Phạm Quang Vinh. Thật ra, đây là cái tên mình tò mò nhất, vì mình chả biết gì về anh Vinh mấy, đây là hoạ sĩ duy nhất không sáng tác mới dành riêng cho triển lãm mà sử dụng các tác phẩm cũ.
Và như để chiêu đãi cho riêng cái sự tò mò của mình, tranh anh Vinh được bày trong gian nhà nhỏ có kẻ dòng chữ Kho Long Biên.
Mới bước vào, suýt nữa mình tưởng tranh anh Hiếu thời xa xưa được vẽ theo kiểu khác!
Nhưng tất nhiên không phải, chả có cái miệng nào tròn đúng hình chữ O trên khuôn mặt xoay cheo chéo là tại cái mắt của não mình nó cứ thích đặt ra những nhầm tưởng đấy thôi!
Phòng này nhỏ, thích hợp với các tranh khổ nhỏ, bút lực vừa phải, màu sắc có chút cũ kiểu u hoài và cũng riêng tư để cho mình đứng đần ra một lúc trước khi quyết định rằng, thế đủ rồi, rời khỏi ga này đi thôi!
Tò mò nhưng không thoả mãn. Quay ngoắt ra bên ngoài để tìm anh Hà Trí Hiếu xem sao, hẹn anh Vinh lần khác vậy. Nhanh thôi!
Nếu bạn đứng ở cổng vào, bạn sẽ thấy cái cách sắp xếp tranh anh Hiếu bên trái, tranh anh Hoà bên phải, thực sự rất rất ấn tượng!
Trái hơi giống hố đen với dải ngân hà nhiều bí mật, kéo bạn lại gần để soi soi mói mói. Phải giống 4 mùa nhiệt đới no nê, khiến bạn hài lòng đứng xa một chút để ngốn cho thoả dạ dày.
Kích thước lớn, bút lực dồi dào, hoạ sĩ cày hăng say trên ruộng đồng mênh mông mà không hề đuối sức! Chắc cũng có khi giữa những chặng cày, có dừng tay và làm điếu thuốc chén trà, nhưng lại bồi thấn tiếp ngay sau ấy, tranh có sự rỡ ràng lộng lẫy ở bên anh Hoà, lại có sự quyến rũ đôi phần bí ẩn phía anh Hiếu.
Hoà Hiếu, sự đón tiếp không thể nồng hậu, chân tình và rộng rãi hơn!
Nếu anh Hoà chiêu đãi người xem với cảm giác hài lòng thoả mãn vì phong độ ổn định và tầm bậc của hoạ sĩ xác định rất rõ ràng. Thì anh Hiếu với cá nhân mình lại có gì hơi hơi ngoạn mục!
Năm 97, xì tai mồm O như trong tiếng hét, mặt vẹo nghênh nghênh, đầu đội nón, bọn người luôn như quyện lấy bọn trâu trên nền của những tầng bậc màu có phần tăm tối…
Năm 2017 mình gặp lại một anh Hiếu khác hẳn. Khác ngoạn mục luôn!
Hà Nội mình không vội được đâu, 20 năm cho một triển lãm nhóm thế này, một mâm cỗ đầy đặn (mình không khoái từ đại tiệc, nó có gì hơi dư thừa, và thiếu tinh vi), vị ngon và sắc nhọn rõ ràng.
Nhân danh Hồ Tây, nhân danh Hà Nội, phải nói rằng, chờ các anh hơi lâu nhưng quả là không thất vọng!
Thôi, được rồi, Hà Nội ạ, cậu được phép sang đông!
Không gian triển lãm này, giữa tâm điểm của cơn mưa những bấc những chì ném qua ném lại, kì lạ thay bình yên và thanh khiết.
Cái trường quay kiêm nhà kho sạch sẽ bóng đạo cụ bị tranh giành tan nát trên mặt báo có vẻ cuốn hút rất riêng.
Mái thủng bục ra, dãy hành lang sứt gãy, những món đạo cụ cũ và không nguyên vẹn, chúng y hệt như hồi lâu lắm rồi mình được tạt qua chơi…
Cái hồi chưa có nhà đầu tư hút cát nuôi mộng làm điện ảnh!
Chúng vẫn cũ kĩ thế, gãy nát thế, chỉ có điều sạch hơn, được sắp xếp có ý tứ hơn trong một triển lãm của năm anh tài!
Trường quay vàng bạc của hãng phim vàng bạc nơi mà những ngày gần đây, được nhấc lên đặt xuống trong sự cân đong rất bạc vàng, hôm nay - trong Gang of five chancing modern, thật là lãng mạn - một thứ lãng mạn của khổ hạnh mà cũng rất hào hoa!
Triển lãm Gang of Five Chancing Modern được tổ chức tại trường quay cũ của Hãng phim truyện Việt Nam số 4 Thuỵ Khuê, Hà Nội, từ 21-10 đến hết 19-11-2017.
Gang of Five là tên gọi của một nhóm hoạ sĩ có vị trí quan trọng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam thời kỳ sau Đổi Mới. Các thành viên là Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng, Trần Lương và Phạm Quang Vinh.
Họ được biết tới với những tác phẩm mạnh mẽ và khác biệt thể hiện quan điểm của bản thân, tách rời khỏi những khuôn mẫu tư tưởng của thế hệ các họa sỹ đi trước, bước đầu giành được sự chú ý và bắt đầu có triển lãm ở nước ngoài vào đầu thập niên 90.
Triển lãm đầu tiên của nhóm 5 họa sỹ là vào năm 1990, và họ chính thức có cái tên "Gang of Five" vào năm 1993 với triển lãm tại Hội Mỹ thuật Việt Nam ở 16 Ngô Quyền, Hà Nội, một trong rất ít những địa điểm triển lãm vào thời đó.
Tiếp sau đó nhanh chóng bay đến những lời mời triển lãm ở hải ngoại như Hong Kong, Hà Lan, New York, khi mà thế giới đã nhận ra sự nổi lên của một nền văn hóa trước kia bị ẩn giấu khỏi tầm nhìn của nó.
(trích từ Hanoi Grapevine)