TTO - Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất khung giờ làm việc với khối hành chính, dịch vụ công và giáo dục công lập ở các đô thị là 8h30 đến 5h chiều, đề xuất này nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Người dân đổ ra đường đi làm vào buổi sáng khiến đường kẹt cứng. Ảnh chụp trên đường Công Hòa, TP.HCM - Ảnh: NAM TRẦN
Tuổi Trẻ Online trích đăng một số ý kiến liên quan đề xuất này
* Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lê Hoài Trung:
Phải có sự đồng bộ giữa các ngành nghề
Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lê Hoài Trung - Ảnh: TỰ TRUNG
Theo Bộ Luật Lao động và các quy định hiện hành của Bộ Nội vụ, thời gian làm việc được quy định là 8 giờ/ngày và 5 ngày/tuần. Gần đây, Chính phủ còn yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải làm việc ngày thứ bảy.
Thông thường, thời gian làm việc bắt đầu từ 7h30-11h30 buổi sáng, 13h đến 17h buổi chiều. Yêu cầu đặt ra là trong thời gian làm việc phải tập trung, hiệu quả, đảm bảo năng suất. Đó là quy định chung.
Từ quy định chung này, mỗi địa phương có thể xê dịch thời gian bắt đầu- kết thúc ngày làm việc cho phù hợp với đặc điểm của từng vùng, miễn sao vẫn đảm bảo tổng số giờ làm trong ngày và số ngày làm trong tuần.
Ở TP.HCM, từ năm 2007 cho đến nay có triển khai thí điểm bố trí lệch giờ, lệch ca. Một số trường học quy định giờ vào học, vào làm lệch nhau: 7h- 7h15- 7h30. Ra về có thể vào lúc 16h-16h15-16h30.
Vừa qua, TP đã sơ kết 10 năm thực hiện, bên cạnh tác dụng làm giảm ùn tắc giao thông trước cổng trường, hạn chế kẹt xe khu trung tâm giờ cao điểm thì cũng còn bộc lộ bất cập. Đó là do thời gian vào học, tan học của con không khớp với giờ vào sở- tan sở của bố mẹ nên buộc bố mẹ phải bớt xén giờ làm để đi đón con, làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
Nên đi làm sớm hay trễ - cái này còn phải tính toán đến hiệu quả đạt được. Tại sao một số bệnh viện lại quy định giờ tiếp nhận bệnh nhân từ 4h sáng? Vì họ tính toán được có nhiều bệnh nhân từ các tỉnh xa đến, nếu không được làm thủ tục từ rất sớm, bệnh nhân không thể khám bệnh và đi về trong ngày.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, bắt đầu ngày làm việc trễ hơn- tôi cho là cũng có cái hay. Nhất là với những cuộc họp nếu bắt đầu từ 9g sáng thay vì 7h30 hay 8h, người đi họp sẽ có điều kiện họp đúng giờ, người ở xa về họp cũng có thể đi- về trong ngày mà không cần đến trước 1 ngày, tốn chi phí.
Như vậy, nên bắt đầu ngày làm việc vào lúc nào? Cái này cần xem xét sao cho khoa học, hợp lý, có tính đồng bộ, liên kết, tính hệ thống kết nối giữa các ngành nghề, lĩnh vực.
Quy định thời gian bắt đầu việc cũng nên linh hoạt theo từng vùng miền, tùy điều kiện thời tiết, tùy giai đoạn- không nhất thiết phải quy định “cứng” quanh năm suốt tháng
• Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lê Hoài Trung
* Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng bộ môn Thành phố Hồ Chí Minh học, Khoa Xây Dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP.HCM:
Phù hợp với các thành phố lớn
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam
Ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị thay đổi giờ làm việc từ 7h30 sáng chuyển sang bắt đầu từ 8h30 sáng, theo tôi là một hướng đi phù hợp với các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Bởi các thành phố lớn là nơi tập trung quy mô dân số đông, tính chất các ngành nghề đa dạng, phong phú. Trên thực tế, không phải bất cứ ngành nghề, công việc nào cũng cần bắt đầu ngày làm việc thật sớm mới đạt hiệu quả.
Các thành phố lớn cũng là nơi tập trung nhiều các công ty tư nhân, công ty nước ngoài. Ở các nước phát triển, nhất là các nước phương Tây, đa số người ta bắt đầu làm việc vào khoảng 9h sáng.
Dĩ nhiên cũng có nguyên nhân là do đặc điểm thời tiết, khí hậu ôn đới thường lạnh và nhiều sương lúc sáng sớm nên họ phải ra đường muộn hơn.
Khi lựa chọn giờ làm việc đó, các nước cũng đã đo lường, tính toán cho phù hợp với nhịp điệu sinh học và khả năng làm việc tốt nhất của con người.
Việc thay đổi giờ làm việc tiệm cận với thế giới cũng là một bước đánh dấu sự hội nhập phát triển của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Tôi cho rằng tốt nhất nên tạo điều kiện cho từng ngành nghề, lĩnh vực, khu vực lao động được chủ động lựa chọn giờ làm việc sao cho phù hợp nhất với tính chất, đặc thù, khối lượng công việc.
Ngày làm việc có thể bắt đầu từ 7h- 9h sáng. Tùy thời gian bắt đầu khi nào, giờ nghỉ trưa bao lâu mà kết thúc sớm hay muộn hơn một chút, miễn sao đảm bảo năng suất lao động chung, công việc trôi chảy.
TS Nguyễn Thành Nam
* Thạc sĩ Quan Gia Bình, Phó Giám đốc Văn phòng B, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam:
Ủng hộ đề xuất bắt đầu ngày làm việc muộn hơn
Thạc sĩ Quan Gia Bình
Để đảm bảo đúng 7h30 giờ có mặt ở cơ quan, người lao động phải ra khỏi nhà trước đó cả giờ đồng hồ vì đường hay kẹt xe.
Chưa kể còn phải dậy sớm hơn lo sắp xếp việc nhà, lo cho con cái đi học, không kịp ăn sáng.
Nhiều người dù đến cơ quan lúc 7h30 giờ để điểm danh thì sau đó cũng đi ăn sáng, uống cà phê, hoặc ít ra thì cũng cầm theo hộp cơm, ổ bánh mì tranh thủ kiếm góc nào để ăn ngay tại cơ quan. Cho nên đi làm sớm, vào cơ quan sớm cũng không có nghĩa là bắt đầu làm việc sớm.
Vậy tại sao không quy định giờ làm muộn hơn, để mọi người có thời gian lo xong các sinh hoạt cá nhân để chuẩn bị cho một ngày làm việc thật hiệu quả?
Tôi ủng hộ đề xuất nên bắt đầu ngày làm việc muộn hơn so với bây giờ. Tuy nhiên, cũng không nên rập khuôn, đánh đồng, áp dụng máy móc cho tất cả ngành nghề.
Thạc sĩ Quan Gia Bình
Với các ngành nghề đặc thù có tính ứng phó với những tình huống bất ngờ, bất khả kháng như y tế, công an, chữa cháy, vệ sinh công cộng… có thể quy định giờ làm, bố trí ca kíp xuyên suốt hơn.
Còn những việc như hành chính, văn phòng, công tác nghiên cứu… có thể bắt đầu ngày làm việc muộn hơn, kết thúc trễ hơn nhằm tạo điều kiện cho người lao động có thời gian phù hợp để lo cho gia đình, lo cho sức khỏe bản thân...
Cũng cần nói thêm là muốn bố trí giờ làm việc trễ hơn thì rất cần thiết phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là kết nối với các trường học để đưa đón học sinh. Vì nếu bố mẹ bắt đầu làm việc muộn hơn mà con vẫn phải đi học sớm thì phụ huynh vẫn phải đổ ra đường đưa con đi học. Như vậy, mục đích bố trí lệch giờ, lệch ca để giảm ùn tắc giao thông sẽ không còn phát huy tác dụng.