Sống khỏe

Trẻ bị rối loạn cảm xúc do học nhiều, ít vui chơi

TTO - Thời gian gần đây, học sinh bị rối loạn cảm xúc, lo âu, học nhiều hay kết quả học tập giảm sút vào điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tăng nhiều.

Trẻ bị rối loạn cảm xúc do học nhiều, ít vui chơi - Ảnh 1.

Một bệnh nhi đang điều trị rối loạn cảm xúc tại Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: P. CHINH

Chỉ trong vòng 1 tuần đã có 6 học sinh bị rối loạn cảm xúc, lo âu, kết quả học tập giảm sút vào điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. 

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, phó viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần, số các cháu có biểu hiện bệnh lý này đến khám ngày càng gia tăng.

Lo âu vì học nhiều, ít vui chơi

Một trong số những người bệnh đến bệnh viện là em N.N.D., học sinh lớp 6 ở Hải Phòng. Mẹ em D. cho hay trước khi đến bệnh viện, D. có các biểu hiện lạ như có tiếng ùng oàng bên tai, tê nửa người, choáng, hay đau đầu. Thời gian biểu hằng ngày của D. ngoài giờ ngủ là học suốt, có thời gian rỗi để chơi thì chỉ chơi với em, chiều thứ bảy và chủ nhật được nghỉ thì lại lo bài vở cho tuần sau.

Một học sinh khác là M.L. học lớp 10 ở Thanh Hóa cho biết thời gian qua em đã dồn sức để thi vào lớp 10. Người thân của L. cho biết bình thường em hay nói chuyện với mọi người trong gia đình, nay thì ít nói, hay có biểu hiện sợ sệt.

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Mai Lan, áp lực quá nhiều có thể khiến trẻ có các biểu hiện lạ, đặc biệt là luôn có cảm giác lo âu, biểu hiện ở cơ thể là run chân tay, bồn chồn, kết quả học hành có kém đi, lo sợ khi đến lớp đến trường, ở trường chỉ cần cô giáo gọi đến tên là cháu run bắn lên...

Biết chơi để phòng bệnh

Theo bác sĩ Dũng, trước đây các gia đình thường ít chú ý đến căn bệnh này, từ khoảng 5 năm trở lại đây các bậc phụ huynh có chú ý hơn và nếu con có biểu hiện bệnh thì cha mẹ đưa ngay các cháu đến bác sĩ chuyên khoa, vì vậy số trẻ tuổi học đường có rối loạn cảm xúc được ghi nhận có gia tăng. 

Bên cạnh đó, có nguyên nhân nhiều gia đình cũng luôn mong muốn con thành công, vào được trường tốt, quá khả năng của trẻ, khiến trẻ bị đè nặng về tâm lý. Nếu không biết để điều trị, những trẻ này có thể mắc bệnh lý về sức khỏe tâm thần trong tương lai.

Bác sĩ Dũng cho biết một ngày dài 24 giờ thì trẻ cần ngủ đủ 7 giờ, trẻ bé hơn cần ngủ khoảng 10 giờ. Trong thời gian ngoài giờ ngủ, thì thời gian cho trẻ chơi, đặc biệt là các trò chơi vận động, thể thao nên chiếm 1/4. Thời gian học cả ở lớp và ở nhà, học thêm các loại không bao giờ nên vượt quá 12 giờ/ngày. 

Tuy nhiên qua theo dõi người bệnh vào viện vừa qua, bác sĩ nhận thấy có học sinh lao đầu vào học nhiều hơn, ngủ rất ít. Chính vì vậy thời gian sau các kỳ thi thì số các cháu có run chân tay, rối loạn cảm xúc vào viện khám gia tăng.

"Cha mẹ thấy con có biểu hiện mệt mỏi, tính tình thay đổi, hay lơ đễnh, cáu kỉnh, kết quả học tập giảm sút, hay thức đêm... thì nên đến bác sĩ chuyên khoa khám ngay, không tự ý uống các thuốc "bổ não" hoặc uống thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, tránh những ảnh hưởng nguy hại tới sức khỏe"- bác sĩ Dũng nói.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,188,119       764