Sống khỏe

Khi niềm tin thương hiệu Việt bị đánh cắp, còn lại gì?

TTO - Khi niềm tin của khách hàng vào khăn lụa của Khaisilk bị đánh cắp, sẽ còn lại gì? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi giới thiệu bài viết của bạn đọc Hải Long.

Khi niềm tin thương hiệu Việt bị đánh cắp, còn lại gì? - Ảnh 1.

Cách đâu chưa lâu, một người bạn học tập và làm việc ở nước ngoài về chơi có nói với tôi: "Tớ thấy ở nước mình bà con sử dụng đồ hiệu còn nhiều hơn ở nước ngoài". Khi đó, tôi chỉ biết cười - cười vào sự thật.

Khi niềm tin của khách hàng vào khăn lụa của Khaisilk bị đánh cắp, sẽ còn lại gì? Đó là nỗi trăn trở của tôi khi đọc bài viết Chủ động mua hàng giả là tiếp tay cho lừa dối?

Thư Paris: Khaisilk, hãy tử tế với người tiêu dùng được không? Thư Paris: Khaisilk, hãy tử tế với người tiêu dùng được không? Bạn nghĩ gì về tranh luận của giới doanh nhân về vụ Khaisilk? Bạn nghĩ gì về tranh luận của giới doanh nhân về vụ Khaisilk? Đứng dậy và làm lại đàng hoàng được không, ông chủ Khaisilk? Đứng dậy và làm lại đàng hoàng được không, ông chủ Khaisilk?
     

"Làm sao để những thương hiệu Việt không bị nhạt nhòa và bị “che mờ” bởi những sự lừa dối trắng trợn? Tôi cho rằng, không còn cách nào khác - chúng ta hãy tự cứu lấy mình, hãy là những người tiêu dùng thông minh".

Hải Long

Tôi tự hỏi: Còn bao nhiêu thương hiệu đang lừa dối người tiêu dùng mà chưa bị "bóc mẽ"? Đây không phải trường hợp cá biệt và phải chăng đã đến lúc văn hóa kinh doanh nên được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc hơn?

Làm sao để người làm kinh doanh, ngoài việc tạo doanh thu cho mình còn phải biết trân quý giá trị, cốt cách của dân tộc qua sản phẩm mình tạo ra? Liệu sau vụ việc này, các thương hiệu khác, những ông chủ lớn, chủ nhỏ có còn đi vào vết xe đổ?

Tôi không thể tưởng tượng được tại sao một thương hiệu lụa nổi tiếng, với dòng hàng cao cấp như vậy mà có thể "chân trong chân ngoài" như vậy? Vậy làm sao chúng tôi - những khách hàng dám tin khi mua hàng ngoài kia là thật?

Giờ đây, chúng tôi cảm thấy hoang mang tự hỏi những món đồ mình mua với giá "cắt cổ" có chắc chắn là nguồn gốc trong nước hay lại là "made in Hongkong", xuất xứ Trung Quốc? 

Chúng tôi có cơ sở để nghi ngờ như thế, bởi hàng Trung Quốc bán tràn lan, xâm nhập và lấn át nhiều hàng trong nước. Từ quần áo, giày dép, túi xách, đồ chơi trẻ em khiến người mua luôn căng thẳng, bấn loạn.

Câu chuyện này không chỉ đơn giản dừng lại ở chuyện những chiếc khăn lụa. Sự cố chiếc khăn hai nhãn mác ấy không còn là câu chuyện riêng của một thương hiệu, của riêng ông Hoàng Khải. 

Đó còn là câu chuyện của những người quản lý, kiểm duyệt và của cả người tiêu dùng. 

Tôi nghĩ, nếu như ông Hoàng Khải không bị xử phạt sẽ còn nhiều Hoàng Khải khác, sẽ còn nhiều thương hiệu đi theo vết xe đổ của Khaisilk. Làm ăn chân chính không có chỗ cho sự lừa dối - một điều ai cũng hiểu nhưng vẫn nhiều người mắc phải.

Ngay cả việc mua thực phẩm, rau củ quả cũng đang làm đau đầu những bà nội trợ. Bản thân chúng tôi hoang mang bởi nhiều mặt hàng Trung Quốc "đội lốt" nông sản Việt Nam. 

Vì sao một bà nội trợ sẵn sàng bỏ tiền ra mua rau củ quả với giá cao? Bởi họ muốn mua đồ sạch, cho đáng "đồng tiền bát gạo". 

Tuy nhiên, chuyện một thương hiệu khăn lụa danh tiếng tưởng chừng "thuần Việt" còn có thể làm giả, bảo sao chúng tôi dám tin những thứ thực phẩm trôi nổi ngoài kia là sạch, là an toàn?

Cũng từ câu chuyện này, nhìn ra, nhiều mặt hàng của nước ta dẫu có chất lượng tốt và an toàn nhưng vẫn chưa được đầu tư về mẫu mã? Cứ đem so sánh đồ chơi Việt Nam với đồ chơi Trung Quốc xem có sự khác biệt thế nào? 

Vì sao trẻ em thích những thứ như bóng bay, đồ siêu nhân của Trung Quốc? Vì sao nhiều bậc phụ huynh biết hàng đó xuất xứ Trung Quốc nhưng vẫn mua liều cho con? Vì nó hiện đại, đẹp, bắt mắt và giá cả không quá cao so với đồ chơi Việt Nam?

Thiết nghĩ, muốn cạnh tranh được với hàng hóa nước ngoài, tôi nghĩ hàng Việt nói chung cũng cần phải đột phá, phải lột khỏi lớp áo cũ để mặc chiếc áo mới nhưng không để mất đi cái chất và cốt cách bên trong - bởi "tốt gỗ hơn tốt nước sơn".

Chất lượng sản phẩm hàng hóa liên quan đến tất cả mọi người, mọi gia đình. Không phải tự nhiên mà hiện nay người tiêu dùng luôn trong tư thế sợ hãi, lo lắng mua gì - ăn gì - mặc gì cũng sợ, cũng trăn trở.

Không phải tự nhiên mà trên mạng xã hội thi thoảng lại có một video bóc mẽ sự sai phạm, dối trá của một sản phẩm nào đó. 

Nhưng rồi dường như cái chúng ta nhận được chỉ là "chữa cháy" chứ không phải "phòng cháy" trước, để rồi sẽ lại còn nhiều chuyện tương tự xảy ra.

Để cho một thương hiệu khăn lụa nổi tiếng lừa dối người tiêu dùng trong mấy chục năm qua thì trách nhiệm này thuộc về ai? Hẳn khâu kiểm tra, kiểm duyệt hàng hóa cũng phải có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, không chỉ ông chủ Hoàng Khải phải nhìn lại mình mà ngay cả nhiều ông chủ khác cũng nên xem đây là bài học tày liếp, đừng bán rẻ danh hiệu, đừng bán rẻ sự tự tôn của dân tộc, đừng để mất giá trị của chính mình. 

Tôn trọng khách hàng, tôn trọng niềm tin của khách hàng cũng chính là tôn trọng chính mình. Trong bao nhiêu ngả đường đi đến sự thành công, hẳn không có chỗ cho sự dối trá. 

Sinh lời chỉ là cái lợi trước mắt. Nhưng để xói mòn niềm tin của những người đã dành cho mình, đó là cái mất lớn hơn.

Làm sao để những thương hiệu Việt không bị nhạt nhòa và bị "che mờ" bởi những sự lừa dối trắng trợn? Tôi cho rằng, không còn cách nào khác - chúng ta hãy tự cứu lấy mình, hãy là những người tiêu dùng thông minh. 

Khi các thương hiệu Việt "nóng" thì ta hãy nên lạnh, tỉnh táo chọn lọc một cách nghiêm túc để không còn bị "hớ" nữa.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có suy nghĩ gì về điều này? Bạn có đồng ý: chủ động xài hàng nhái cũng là tiếp tai cho lừa dối? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,189,386       754