TTO - Đó là 50 câu chuyện được kể ra bởi 50 lữ khách về những thành phố mà họ đã đi tới, hay đã mơ tới? Không hẳn.
Sách do Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn ấn hành - Ảnh: Vương Thuấn
Đó chính xác là 50 trạng thái, cảm xúc, suy tư, diễn ngôn về đô thị được mã hóa qua lớp sương mù văn chương.
50 trạng thái này của một người hay 50 lữ khách?
Cả hai có lẽ, vì giữa ta ở thành phố này và ta trong suy tưởng về một thành phố nào đó là mấy người?
Cũng là cách trôi dạt cả, từ bản thể thành phố đến bản thể người, vậy hà tất phải tìm xem ai là người kể ra câu chuyện đó?
Dù đó là gã nhà văn mơ mộng nuôi dưỡng ám thị về tòa thư viện ngày sinh viên, hay một du khách mọc cánh bay lên trong một thành phố dần bốc hơi; dù là Italo Calvino đang vô hình dần trong các thành phố ông ấy tạo ra, hay là ba thế hệ đạo quân đã đối xử rất khác nhau với sách nhưng đều chung một mục đích...
Dù là cây thông cuối cùng bên bờ hồ tuyệt vọng, hay thành phố kem tan chảy và xây dựng mỗi ngày, họ - nhân vật - các sự vật khác gì nhau?
Tất cả sẽ biến thành sự vô hình dưới mọi hình thức khác nhau: bị đốn hạ, bị hóa ếch, bị mọc cánh, bị tan chảy, bị thiêu rụi, bị tận diệt... trong cách loài người hình dung và vun đắp đô thị.
Các hình ảnh khóa (key) như thư viện, đầm lầy, loài có cánh, khỉ đột... và nhất là thư viện, sách và lửa là nỗi lo, cũng là nỗi hoang mang về bảo tồn, giữ lại hay triệt tiêu và tái sinh ở hình thức mới của đô thị.
Đô thị, chốn cư ngụ, biểu tượng niềm tin của loài người trong việc quần cư, xích lại gần nhau, chung sống, đã đồng thời là niềm hi vọng và sự chối bỏ, chán chường qua lời kể của các nhân vật.
Và trước viễn tưởng về một siêu đô thị đang trương phình lên bằng những mất mát và vô tâm, đừng hỏi "phải làm sao?".
Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên chỉ dẫn ta vào một ma trận đô thị và bỏ mặc ta làm gì tùy ý, hi vọng hay thất vọng, sống với thứ sương mù nhân tạo độc địa hay những ngôi nhà kem ngầy ngậy.
Là một phần của đô thị, ta phải tự chọn cho mình.