Sống khỏe

Nâng chất lượng, giảm dần lao động phi chính thức

Có tới gần 2/3 tổng số lao động làm việc ở khu vực phi chính thức nhưng hầu hết họ không được pháp luật bảo vệ, phải chịu thiệt thòi trên cả ba phương diện: chất lượng lao động, phân bố việc làm và thời gian việc làm.

Nâng chất lượng, giảm dần lao động phi chính thức - Ảnh 1.

Đây là thông tin được Tổng cục Thống kê, Viện Khoa học Lao động xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố thông qua Báo cáo về lao động phi chính thức, ngày 4-10 tại Hà Nội.

2/3 tổng số lao động là phi chính thức

Ở Việt Nam, lao động phi chính thức được xác định trên việc làm không chính thức. Theo đó, lao động phi chính thức là lao động tự tạo công việc không có hợp đồng lao động, không được đóng BHXH, BHYT, hay hưởng lương cố định.

Lao động phi chính thức được ký hợp đồng lao động chiếm tỉ lệ rất thấp. Tỉ lệ được ký hợp đồng trên 3 tháng trở lên chỉ khoảng 21,2%. Có 76,7% lao động phi chính thức làm việc mà không có bất cứ một hợp đồng lao động bằng văn bản liên quan đến công việc đang làm. Cụ thể, 62,1% lao động phi chính thức chỉ thỏa thuận miệng với chủ lao động và 14,6% không có bất cứ một thỏa thuận nào. Như vậy, lực lượng lao động phi chính thức này về mặt an sinh xã hội cũng như tham gia cộng đồng bị thiệt thòi nhiều. Ngoài ra phần thu nhập của họ cũng thấp hơn nhiều so với lao động chính thức, bình quân hàng tháng chỉ bằng hơn một nửa của lao động chính thức

Theo Báo cáo về lao động phi chính thức, có tới gần 2/3 tổng số lao động làm việc ở khu vực phi chính thức, hầu hết họ không được pháp luật bảo vệ, và vì thế họ dễ phải đối mặt với nhiều thiệt thòi và bất lợi trên cả ba phương diện: chất lượng lao động, phân bố việc làm và thời gian việc làm.

Trong 21 nhóm ngành kinh tế, lao động phi chính thức tập trung chủ yếu ở 3 nhóm ngành chính: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô và xe máy ( 26,2%); công nghiệp chế biến, chế tạo ( 23,5%) và xây dựng 19,1%.

Báo cáo cũng cho thấy, hơn 90% lao động phi chính thức là lao động không có chuyên môn, kỹ thuật.

Các chuyên gia lao động cho rằng, thách thức lớn nhất của Việt Nam chính là một số lượng lớn lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ nhưng lại là lao động phi chính thức vì không có hợp đồng, không được đóng BHXH, BHYT… Phần lớn lao động này làm thời vụ, không ký hợp đồng, bị trốn đóng BHXH…

Nâng chất lượng, giảm dần lao động phi chính thức

Ông Chang Hee Lee, Trưởng đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam cho rằng, nền kinh tế phi chính thức cũng là thách thức chung của nhiều nước trên thế giới. Để giảm bớt lao động phi chính thức thì phải thúc đẩy việc làm chính thức bằng cách đưa lao động vào làm tại các công ty, có ký kết hợp đồng, lao động được đóng BHXH, mua BHYT…

Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) Trương Anh Dũng cho rằng, muốn thúc đẩy chuyển dịch lao động phi chính thức thì cần tăng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại doanh nghiệp nhằm tái cơ cấu ngành kinh tế. Trọng tâm vẫn phải là đào tạo nghề để nâng cao chất lượng cho lao động nông thôn, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Bên cạnh đó, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để rút bớt lao động phi chính thức trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại về khả năng chuyển dịch lao động phi chính thức do hầu hết các hộ kinh doanh cá thể đều không muốn chuyển sang hoạt động doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng việc làm thấp, không có cơ hội để chuyển lao động tự do sang làm việc ở khu vực chính thức.

Ngoài ra, việc "chính thức hóa" khu vực này cũng cần được thực hiện bằng chính sách bảo hiểm xã hội, hơn hết là cần cải thiện năng suất lao động của doanh nghiệp. Lý do được đại diện ILO đưa ra là nếu lợi nhuận của doanh nghiệp không được nâng cao thì sẽ không có động lực để "chính thức hóa" vì hiện nay doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều chi phí.

Hiện tại, ILO đang  hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển dịch lao động qua triển khai dự án hỗ trợ chuyển hóa lao động phi chính thức sang chính thức tại Việt Nam (Formalisation Project).

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,369,266       590