TTO - Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đang phải "đứng giữa hai dòng nước" khi Catalonia, một trong những vùng giàu nhất của xứ sở bò tót, nơi có đội bóng lừng danh Barcelona, đòi ly khai.
Người dân đụng độ với lực lượng an ninh bên ngoài khu vực bỏ phiếu trưng cầu ngày 1-10 - Ảnh: AFP
Catalonia đã "có quyền trở thành một nhà nước độc lập". Ông Carles Puigdemont, thủ hiến Catalonia, đã tuyên bố như vậy sau khi người phát ngôn chính quyền vùng này hôm 2-10 khẳng định 90% trong số 2,26 triệu cử tri đã bỏ phiếu "thuận" trong cuộc trưng cầu liệu có tách khỏi Tây Ban Nha hay không.
Người ta đã nói rất nhiều về sự khác biệt giữa Catalonia với chính quyền, thậm chí đối với các khu vực tự trị khác như xứ Basque, xứ Andalusia, xứ Valencia...
Riêng cái tên Catalonia cũng chẳng khiến người dân ở đây thích thú lắm. Họ viết theo tiếng Catalan là Catalunya, tức là khác luôn với chữ "Cataluña" trong tiếng Tây Ban Nha.
Từ nhiều năm nay, quyết tâm làm rõ sự khác biệt của Catalonia được thể hiện rõ ràng ở đội bóng - và là linh hồn của khu vực: Futbol Club Barcelona.
Nếu để ý, khán giả sẽ thấy trong trận Barcelona gặp Sporting CP ngày 28-9, trên tay của tiền vệ đội trưởng Andres Iniesta có hai tấm băng.
Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) từ lâu đã triển khai chiến dịch dùng bóng đá để lan tỏa thông điệp chống kỳ thị sắc tộc, bao gồm việc quy định đội trưởng của các đội bóng đá giải do họ tổ chức phải đeo tấm băng màu xanh với dòng chữ "Respect" (tôn trọng).
Nhưng Iniesta đã lấy tấm băng đội trưởng truyền thống với màu cờ biểu tượng Catalonia chồng lên tấm băng "Respect" ấy. Từ nhiều năm nay, các đội trưởng của Barcelona luôn như vậy.
Điều gì khiến Catalonia đòi thành lập nhà nước riêng biệt? Không gì khác là những mâu thuẫn về kinh tế.
Người Catalan cho rằng họ phải gánh những tác động quá lớn trong giai đoạn khủng hoảng tài chính từ năm 2008 tới 2016.
Mỗi năm, Catalonia đóng hơn 10 tỉ euro thuế cho chính quyền trung ương. Ngược lại, xứ Andalusia - khu vực nghèo nhất Tây Ban Nha - nhận được hơn 8 tỉ euro từ chính phủ, hãng tin Reuters dẫn số liệu của Kho bạc Tây Ban Nha.
Angel Talavera, nhà kinh tế học về Catalonia ở Công ty tư vấn Oxford Economics, nhận xét: "Tiền bạc là một trong những nguồn gốc của vấn đề, có cảm giác rằng Catalonia đang bị đối xử bất công".
Nhưng mâu thuẫn thuộc về tiền bạc đều có thể được giải quyết thông qua đàm phán. Điều này có thể hiểu là người Catalan trưng cầu đòi độc lập như một cách đẩy Chính phủ Tây Ban Nha vào thế phải đàm phán về một số điều khoản tự trị, trong đó có cả đóng góp thuế.
Cái khó cho Thủ tướng Rajoy lúc này là ông bị kẹp ở giữa. Một mặt, không thể ngó lơ cuộc trưng cầu ở Catalonia.
Mặt khác, ông không thể để người dân và các vùng còn lại cảm thấy chính phủ phải thỏa hiệp với Catalonia.
Hơn nữa, việc điều chỉnh thuế hoặc các quyền tự trị sẽ như tiếng súng khai màn cho một loạt yêu cầu thay đổi khác, vì quyền lợi của các bên sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Là một trong 17 vùng tự trị ở Tây Ban Nha, xứ Catalonia có dân số 7,5 triệu người với diện tích bằng cả nước Bỉ.
Và dù chỉ chiếm 6,3% diện tích và 16% dân số toàn Tây Ban Nha, Catalonia là một trong những vùng giàu nhất cả nước, đóng góp tới 1/5 GDP cả nước.