TTCT- Bà Angela Merkel đã trụ lại trên ghế thủ tướng và hoàn thành “sứ mệnh chiến lược” theo cách nói của bà.
Bà Merkel đã lãnh đạo liên minh CDU/CSU tới một thắng lợi nữa, nhưng chưa lần nào chiến thắng mong manh như lúc này. -Ảnh: Helmut Fricke |
Điều đó đã khá rõ từ đầu vụ vận động tranh cử ở Đức. Nhưng cái giá phải trả của thành công sẽ còn làm bà thủ tướng nhức đầu khá lâu: tỉ lệ phiếu bầu thấp hơn mong đợi nhiều, nhóm nghị sĩ dân túy thiên hữu chiếm hàng thứ ba trong nghị trường, liên minh cũ bỏ cuộc và chưa rõ bà sẽ phải bắt tay với đảng nào để chiếm số dân biểu quá bán.
Các khuôn mặt của nhóm chính trị gia cùng bà tiến ra trước ống kính lúc nhận tin thắng cử không giấu nổi điều đó.
Chúc mừng bà Merkel, nhưng...
Trong kỳ bầu cử quốc hội 2013, liên minh hai đảng Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) có lý do để tràn trề lạc quan. Nhưng sau bốn năm với một loạt sự cố lay động chính trường, người nào có con mắt thực tế cũng đoán ra liên minh ấy đang tụt dốc.
Nhưng, lại nhưng, có nhất thiết phải đối diện với tỉ lệ tín nhiệm thấp nhất trong lịch sử CHLB Đức từ ngày lập quốc 1949?
Nếu ta biết ở Đức mỗi chính đảng phải nhận đủ 5% số phiếu để vào nghị viện, thì sự chảy máu niềm tin tới 8% của đảng cầm quyền gần như là một lời sấm cho lần bầu cử sau.
Chả thế mà bà Merkel vội vã trấn an dư luận trước thềm bầu cử: trên kênh truyền hình RTL hôm 20-9, bà không loại trừ sẽ lại ứng cử cho nhiệm kỳ thứ 5!
19 giờ theo đồng hồ Berlin, đông đảo đảng viên trẻ trong trụ sở trung tâm Đảng CDU phấn khởi hô từng nhịp “Angie, Angie” như đã tập sẵn.
Nhưng họ không phất rừng cờ Đức như năm 2013 và khuôn mặt các thành viên chính phủ thuộc đảng của bà Merkel trên sân khấu trông như vừa cụng ly nước lọc hâm hẩm nguội, chứ không phải sâmbanh.
Cử tri gửi gắm niềm tin vào họ bao nhiêu trước đây bốn năm, bây giờ có nhiều người quay lưng lại bấy nhiêu.
Kể cả đồng minh cũ của bà là Đảng Xã hội dân chủ (SPD) cũng “chìm xuồng” theo. Dù có số phiếu đứng thứ hai, họ vẫn kiên quyết chuyển về phía đối lập chứ không muốn cùng cầm quyền.
Vẫn cầm lái xe tăng Đức, nhưng...
Do liên minh CDU/CSU không đủ số phiếu quá bán, họ sẽ phải tìm một đến hai đảng đồng minh để lập chính phủ sau khi mất ngót hai chục ghế nghị sĩ.
Đảng dân túy AfD đang từ zero lên hai con số và giương khẩu hiệu “sẽ truy kích thủ tướng” từ khi tranh cử. Vốn được biết như một người không hẳn có tài hùng biện lôi cuốn, bà Merkel sẽ hằng ngày phải giáp mặt lực lượng đáng gờm này.
Bao nhiêu trong số 1 triệu cử tri Đức sẽ hối hận vì bỏ phiếu cho AfD chỉ vì “trả đũa” cho chính sách ít màu sắc dân tộc chủ nghĩa của một Merkel điềm tĩnh và nhân từ, tương lai sẽ cho ta thấy.
Tân (hay cựu) thủ tướng không mệt mỏi nhắc đi nhắc lại rằng bà sẽ cấp tốc đưa chính sách an ninh lên hàng đầu, đồng nghĩa với hạn chế dòng người tị nạn.
Bà nói trắng ra là muốn giành lại số người ủng hộ bà nay đã theo AfD. Nhưng ngay ở đây, bà đã thiếu sự trợ lực nội bộ của Đảng Xã hội Cơ Đốc giáo (CSU).
Đảng SPD, liên minh trong chính phủ cũ, nay đã rời con thuyền mấp mé gợn nước, và bây giờ khả năng được cân nhắc nhiều nhất là Jamaica - theo màu cờ đảo quốc tình cờ giống màu ba đảng: đen (CDU/CSU), vàng (Đảng Dân chủ tự do - FDP) và xanh (Đảng Xanh).
Nhưng đó chỉ là con toán cộng sau thành công đúng dự đoán của hai đảng nhỏ kia, chứ thực tế đâu có dễ. Bất kể chính sách tị nạn, bảo vệ môi sinh hay con đường EU - bốn đảng này luôn xung đột trong nhiều năm qua, giờ sẽ chẳng vì thế mà nương tay khi đòi ghế trong nội các.
Trí nhớ cử tri vốn ngắn, nhưng...
Lạ thay, chưa kịp đếm xong phiếu cho đủ hình thức (vì tỉ lệ thắng thua đã quá rõ) thì người Đức đã cãi nhau ỏm tỏi trên màn ảnh nhỏ về... người kế nhiệm của bà Merkel.
Một mặt vì thắng lợi của bà quá mỏng, khiến các đảng viên phải nghĩ đến lớp kế tục để giành lại kết quả như ngày xưa.
Nhưng mặt khác, chính bà Merkel đã “thanh lý” hầu hết các ứng viên tiềm năng, bộ trưởng nội vụ hụt hơi trong vụ tị nạn, bộ trưởng quốc phòng mất giá vì đạo văn tiến sĩ, Đảng CSU chỉ là đảng cấp bang Bavaria...
Chúc mừng bà Merkel đắc cử! Nhưng như đã tiên đoán, bà thắng vì chẳng ai sáng láng hơn và buổi tối 24-9 đánh dấu sự tiếp diễn hoành tráng của nhiệm kỳ thủ tướng, song cũng là khởi đầu cuộc tranh luận về người kế tục bà.■