TTO - Ở nhiều làng nghề làm lân truyền thống của Quảng Nam, nghề tưởng chừng chỉ dành cho những tay thợ chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm nay được nhiều bạn trẻ háo hức thử sức.
Nhiều bạn trẻ chọn nghề làm lân mong giữ hồn cốt nghề truyền thống của quê hương - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Ở xã Cẩm Hà, TP Hội An, Quảng Nam, có một gia đình làm đầu lân truyền thống nổi tiếng gần 30 năm nay. Ông Nguyễn Hưng, chủ xưởng, lâu nay luôn trăn trở nỗi lo tìm người nối nghề. Song những năm gần đây, ông đã trút được nỗi lo khi thấy nhiều bạn trẻ đến xin học nghề.
Khó nhất là vẽ mắt lân có hồn
Giữa khoảng sân nhỏ trước nhà, một cô gái trẻ nhỏ nhắn đang nhích đôi tay tỉ mẩn theo từng nét cọ tô màu cho tròng mắt một chú lân đủ sắc, nom chẳng khác nào một nghệ nhân thực thụ. Đó là Nguyễn Thị Huyền My (21 tuổi), con gái thứ hai của ông Hưng.
Học xong lớp 12, My quyết định theo nghề của cha. Bắt đầu phụ ba làm lân từ năm lớp 8, My học dần từ những công đoạn đơn giản như dán giấy vào khung, đắp cốt cho lân nhỏ, rồi được ba hướng dẫn vẽ đầu lân.
Học nghề làm lân đòi hỏi sự tỉ mẩn cao, tập luyện nhiều và sự tinh tế. My nói khó nhất là học cách vẽ sao cho đôi mắt lân có hồn. Lân mạnh mẽ, hung dữ hay hiền lành, đều nhờ nét cọ.
"Mình nghĩ đâu cần đi đâu xa xôi, chi bằng theo ba học làm lân, vừa kiếm sống vừa giữ cho nghề truyền thống không bị mất đi", My chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ ở Hội An cũng chọn nghề họa lân cho tương lai của mình. Đa phần họ đã tốt nghiệp cấp ba nhưng không theo học đại học. Mai Xuân Hoàng (27 tuổi) theo nghề đã được hơn 5 năm. Từng loay hoay với nhiều nghề khác, cuối cùng Hoàng chọn nghề làm lân.
"Ngày nhỏ gắn bó với đầu lân rồi, lớn lên cứ mỗi dịp Trung Thu lại lập đoàn nhảy lân khắp xóm. Nhìn mấy đứa nhỏ thích thú với những chú lân, thoạt nghĩ sao mình không giữ cái nghề ý nghĩa này. Thế là mình theo tới giờ", Hoàng giờ đã là thợ làm lân cứng tay ở xưởng của ông Hưng.
Gắn lông cho lân là công đoạn cuối cùng - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Nghề tạm đủ sống
Ông Mai Văn Vàng, chủ một cơ sở làm lân ở xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, cũng là một trong số ít người còn trụ lại được với nghề.
"Nghề làm lân tưởng nhàn nhã nhưng nhọc nhằn. Trước đây trong vùng nhiều người cũng mở xưởng, sau đôi vụ là dẹp bỏ", ông Vàng nói.
"Một đầu lân lớn bán giá cả chục triệu đấy nhưng người làm lân chẳng thể khá giả nổi do chi phí nguyên vật liệu nhập từ nước ngoài đắt đỏ, cộng với công sức, thời gian bỏ ra khá lớn. Nghề này chỉ tạm gọi là đủ sống nên ít người theo được".
Mỗi dịp hè và những ngày cận tết Trung Thu, cơ sở của ông nhận 20-50 bạn trẻ học nghề, có cả học sinh, sinh viên tranh thủ kiếm thêm. Các bạn được trả công mỗi ngày 100.000-150.000 đồng.
Trần Thị Tuyết (17 tuổi) là một trong những bạn trẻ như vậy. Vì hứng thú với nghề làm lân mà xin vào đây làm sau giờ học, đến giờ Tuyết đã có kinh nghiệm hơn 6 năm trong nghề.
Với những bạn trẻ như vậy, các chủ cơ sở làm lân truyền thống hiếm hoi còn sót lại ở Quảng Nam đã bớt đi nỗi lo nghề bị mai một.