TTO - Tiếp theo cú sốc trước kết quả của kỳ bầu cử quốc hội, chính trường Đức lại lâm vào tình trạng rối ren, một điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) trò chuyện với Thủ tướng Hungary Viktor Orban khi chờ chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh EU về kỹ thuật số ở Tallinn, Estonia, ngày 29-9 - Ảnh: REUTERS
Người ta nói Đảng AfD vào quốc hội là cơn động đất, nhưng các thị trường tài chính chỉ chủ yếu nhìn vào một điểm: bà Angela Merkel được bầu lại
Fabian Frankenberg (chuyên gia đầu tư của Deutsche AM)
Trong kỳ bầu cử vừa qua, liên đảng trung hữu Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Angela Merkel và Đảng Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) "anh em" chỉ được 32,9% số phiếu, tương ứng 246 ghế, giảm gần 9% số phiếu so với năm 2013. Đảng trung tả Dân chủ xã hội (SPD) chỉ được 20,5% số phiếu, tương ứng 153 ghế, kết quả tệ nhất của họ từ năm 1949 (năm 2013 được 25,7%).
Muốn hội đủ số 355 ghế để giành quyền lập chính phủ, bà Merkel sẽ phải liên minh với một hay nhiều đảng nhỏ khác, nhưng tình hình hiện nay lại không thuận lợi như 4 năm trước vì ông Martin Schulz, chủ tịch SPD, tuyên bố sẽ trở thành đảng đối lập.
Đức có truyền thống cho đảng lớn nhất trong phe đối lập đảm nhận chức vụ chủ tịch Ủy ban Tài chính liên bang. Do vậy, việc ông Martin Schulz nắm được ủy ban đầy quyền lực này có thể được xem là một bước lùi chiến thuật của SPD. Đối với dư luận Đức, đây là một giải pháp tốt vì ít nhất ủy ban này không rơi vào tay Đảng Biện pháp thay thế cho nước Đức (AfD) cánh hữu vốn bị xem là thiếu những chủ trương rõ rệt về kinh tế.
Nhiều khả năng CDU/CSU sẽ liên minh với Đảng Xanh (8,9% phiếu bầu) và Dân chủ tự do (FDP, 10,7%). Đảng cánh tả Die Linke (9,2%) ít có khả năng liên minh với bà Merkel do những khác biệt về đường lối.
Về phía Đảng Xanh, đồng chủ tịch đảng, bà Karin Goring-Eckhardt đã tuyên bố họ "sẽ không là một đối tác dễ tính". Đảng Xanh, thành lập năm 1980, theo đường lối trung dung và được coi là tiếng nói của thành phần thị dân, có trình độ học vấn cao. Đồng chủ tịch còn lại, ông Cem Ozdemir, người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn chỉ trích đường lối đối ngoại của chính quyền Merkel là "thiếu những chính sách có giá trị rõ ràng". Vào đầu năm nay, khi quan hệ ngoại giao Đức - Thổ căng thẳng vì Ankara bắt giữ một số công dân Đức gốc Thổ về tội gián điệp, ông Ozdemir đã lên án bà Merkel né tránh xung đột với Tổng thống Recep Erdogan vì sợ ảnh hưởng tới thỏa thuận về người nhập cư.
Bà Merkel cùng các thành viên trong đảng tươi cười khi biết kết quả bầu cử nhưng chặng đường trước mắt của họ còn lắm chông gai - Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, chủ tịch FDP Christian Lindner từ chối trả lời câu hỏi của báo chí về khả năng liên minh với CDU/CSU và Đảng Xanh. Ông Lindner luôn phản đối chính sách nhập cư và tị nạn của chính quyền Merkel. Ông Lindner cũng kịch liệt phản đối các đề xuất cải cách khu vực đồng euro (eurozone) của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong khi bà Merkel đã thỏa thuận với ông Macron là sẽ bắt tay ngay vào thực hiện sau cuộc bầu cử.
Đáng chú ý là chỉ hai ngày sau khi có kết quả bầu cử Quốc hội Đức, Tổng thống Macron đã có bài phát biểu gần 90 phút tại Đại học Sorbonne ở Paris về viễn cảnh "một EU mạnh mẽ hơn". Ông Macron đã đề cập đến những vấn đề như lập một cơ quan về tị nạn và một chính sách chung về biên giới cho EU, tăng cường hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên..., đặc biệt nhấn mạnh đến "một cuộc cải cách đầy tham vọng" cho eurozone. Tuy nhiên, ông Macron không đi vào những vấn đề chi tiết như bổ nhiệm bộ trưởng tài chính và lập ngân sách riêng cho khu vực eurozone. Động thái này của ông Macron có thể được xem nhằm tạo thuận lợi cho bà Merkel trong việc lập liên minh.
Tuy nhiên, ông Christian Lindner từng phát biểu nếu có một bộ trưởng tài chính cho khu vực eurozone, nhiệm vụ của người này phải là duy trì các quy định về tài chính. Thật không dễ cho bà Merkel!
Người dân Đức lo sợ đảng cánh hữu AfD đi theo con đường Quốc xã trước kia - Ảnh: REUTERS
AfD sắp tan rã?
Đảng AfD, mới thành lập năm 2013, đã giành được tới 12,6% số phiếu, tương ứng 94 ghế trong Bundestag. Với kết quả này, dù có bị cô lập trong quốc hội thì AfD vẫn có một số ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, hiện đồng chủ tịch AfD cũng là thành viên sáng lập, bà Frauke Petry, lại đột ngột tuyên bố sẽ không tham gia nhóm đại biểu của AfD. Nhiều khả năng bà Petry - người có lập trường ôn hòa và nghiêng về một đường lối chính trị thực tế và thực dụng - sẽ cùng một số đảng viên AfD mới đắc cử lập ra một chính đảng mới. Chồng bà Petry, Markus Pretzell - nghị sĩ Quốc hội châu Âu - cũng tuyên bố rời AfD.
Một thành viên trụ cột khác là Alexander Gauland từng tuyên bố "người Đức phải có quyền được tự hào về sự thể hiện của các binh sĩ Đức trong hai cuộc thế chiến" trong quá trình vận động tranh cử. Quan điểm này làm dấy lên lo ngại trong dư luận là AfD sẽ đi theo đường lối quốc xã, vì trên thực tế nhiều cử tri ủng hộ AfD chỉ để phản đối việc mở rộng cửa đón người tị nạn của bà Merkel năm 2015 và sự thiếu kiên quyết của bà đối với các nước Nam Âu thiếu trách nhiệm trong việc quản lý tài chính.