TTO - Sáng cuối tuần, cũng là cuối tháng, ngày 30-9, trang báo đầu tiên của Tuổi Trẻ kêu gọi mọi người cười nhiều hơn - qua bài "Hãy cười nhiều hơn" - nêu lên rất nhiều lý để mỗi chúng ta cười nhiều hơn.
Người dân Hà Nội tập yoga cười vào mỗi buổi sáng sớm tại khuôn viên tượng đài Lý Thái Tổ - Ảnh: Nguyễn Khánh
Bài viết ý nghĩa và kịp lúc vì tháng qua có bao nhiêu chuyện buồn từ thiên tai đến con người với bao nhân vật được đem ra ánh sáng, gây bức xúc dư luận.
Thực sự, cười sẽ khiến chúng ta đẹp hơn. Bởi nụ cười mang lại nét tươi vui trên khuôn mặt - đại diện cho chủ thể trong khi giao tiếp với xã hội, hòa vào dòng đời.
Cuộc sống hiện đại với quá nhiều tất bật, cùng vô vàn nỗi lo từ thực phẩm bẩn tới giá xăng, tiền trường cho con cùng bao tai nạn rập rình mỗi ngày trên đường đi học, đi làm, ngay trong môi trường giáo dục cũng có những nguy cơ tiềm ẩn... Do vậy, mỗi người thưa vắng nụ cười hơn, thay vào đó là những sự phòng vệ, nghi ngờ."
Lưu Đình Long
Nói đến nụ cười, mỗi người lại tự liên tưởng tới hình ảnh "mặt chau mày khó" nơi công quyền, trong bệnh viện. Dù tình trạng đã được liên tục cải thiện nhưng chưa phải đủ chuẩn thân thiện để người dân hay bệnh nhân cảm thấy an tâm, hoan hỷ khi liên hệ công việc hoặc buộc lòng phải tới những nơi ấy.
Nụ cười trong cơ quan tới nụ cười trong giao tiếp thường ngày, trong vài va chạm nhỏ trên đường sẽ là "liều thuốc" hóa giải biết bao xung đột, trước tiên trong lòng mình và rộng ra là với những người mình tiếp xúc. Bởi, nụ cười trao đi sẽ nhận lại nụ cười hồi đáp. Đó là quy luật nhân quả tất yếu.
Khi cuộc sống chưa thực sự suôn sẻ, vẫn còn đó những bất công, những hình ảnh xấu xí... thì mỗi người phải tập cười trước thực tại đó để vững vàng hơn mà bước qua, cải thiện nó. Vì, thực sự khóc, than hay buông xuôi không giải quyết được những ách tắc, khó khăn, ngược còn làm cho mọi thứ tồi tệ hơn.
Cười trước niềm đau, nỗi khổ, trước những va vấp cũng là cách chúng ta nhìn lại những biểu hiện ấy, vốn có nguyên nhân nào đó và thấy, sâu xa hơn có sự góp sức của chính mình. Từ đó, ta bớt trách người mà sẽ quay về sửa mình. Và nếu ai cũng làm như thế thì câu nói "thất bại là mẹ của thành công" hay "sai lầm là bài học giá trị" mới thực sự mang ý nghĩa tích cực.
Ai cũng thấy, bây giờ, nhiều người ít khả năng chịu đựng hơn, có thể do ít trải nghiệm khó khăn. Nhiều người dễ dùng khuôn mặt hầm hầm để ứng xử với nhau và sử dụng bạo lực đôi khi vì nguyên nhân rất nhỏ nhặt. Đó là do, mỗi người ít mềm mỏng trong cách xử lý tình huống, do vẫn thiếu vắng nụ cười.
Thở nhẹ và mỉm cười đi. Đây là một phương pháp thực tập, có thể hiểu như là thiền tập: bằng cách ấy, mỗi người quan sát hơi thở của mình, chế tác nụ cười dành cho mình. Thấy mình thật may mắn vì hơi thở vẫn còn đó, hôm nay mình vẫn còn sống đây; vậy sao mình không mỉm cười dành tặng cho sự sống của mình còn đang hiện hữu?
Khi chúng ta trở lại với sự sống của mình, trân trọng sự sống đó thì ta cũng sẽ biết trân trọng sự sống của người khác. Nghĩ về sự bình an là điều cần thiết trong cuộc đời thì ta sẽ biết trân trọng sự bình an của những người cùng sống với mình trên hành tinh này.
Từ đó, chúng ta sẽ biết yêu thương nhau hơn. Khi thương nhau nhiều hơn, ta sẽ nghĩ đến việc sẻ chia với nhau, cho nhau nhiều hơn, bắt đầu bằng nụ cười.
Thực ra, thực tập yêu thương đơn giản nhất chính là chúng ta biết tạo niềm vui, biết nạp "vitamin cười" cho mình phơi phới. Và gốc rễ của thương yêu chính là chỗ ta biết thương chính mình, kiến tạo niềm vui cho tự thân trong tương quan với cuộc đời, với mọi người. Vì, ta và mọi người không thể có hạnh phúc một cách đơn lẻ bao giờ...
Hãy lắng lại đôi chút trong cuộc sống hối hả này để chia sẻ những khoảnh khắc, những câu chuyện mà bạn nghe thấy, quan sát được xung quanh để chúng ta cùng thấy cuộc đời còn có rất nhiều mảnh ghép thú vị khác. Xin mời bạn gửi những sẻ chia, cảm nhận của mình về địa chỉ: dandt@tuoitre.com.vn hoặc tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!