Sống khỏe

Quan chức lỡ lời, nghĩ sao đây?

TTO - Thời gian qua nhiều quan chức có những phát biểu gây ra những phản ứng trong dư luận. Một số phát biểu do lỡ lời, song cũng có một số phát biểu bộc lộ sự thiếu suy nghĩ kỹ càng. Tại sao?

Quan chức lỡ lời, nghĩ sao đây? - Ảnh 1.
trịnh hòa bình

Ảnh: V.D.

* Chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình:

Chuyện quan chức ở nước ta có những phát ngôn lệch chuẩn, thậm chí văng tục, chửi bậy... từ lâu rồi vẫn có. 

Nhưng bây giờ công luận có thêm những hình thức kiểm soát mới qua báo chí, truyền thông xã hội thì những phát ngôn đó sẽ được lan truyền nhanh chóng.

Đó là cơ hội tốt để quan chức nhà nước thường xuyên xem lại bản thân để hành xử cho đúng lẽ, phải đạo.

Tôi cũng hiểu rằng trong những phát ngôn của quan chức, có những phát ngôn thể hiện sự ấu trĩ, thiếu hiểu biết hoặc quan chức dù có hiểu biết nhưng khi bức xúc không kiềm chế được.

Xã hội ta vẫn đang giáo dục theo thể thức nêu gương, nên những quan chức ở vị trí càng cao mà phát ngôn càng thiếu suy nghĩ thì sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng, hoặc bắt chước hoặc bức xúc, phẫn nộ.

Quan chức lỡ lời không chỉ làm mất đi giá trị của họ mà còn làm ảnh hưởng đến tập thể chính quyền nơi họ công tác. Ở bất cứ chiều cạnh nào, khi có cương vị xã hội thì đều phải thường xuyên xem lại mình. Văn hóa đời thường còn quan trọng hơn những lý luận cao siêu.

Khi xảy ra những sự cố lan truyền trên mạng xã hội, các nghệ sĩ sẽ có cách xử sự khác nhau. Nhưng quan chức khi phát ngôn phạm sai lầm thì phải giải trình trung thực, không giải trình theo cách chơi chữ và yêu cầu người khác đặt mình vào tình huống của quan chức đó.

Nên học tập các nước văn minh, khi quan chức có phát ngôn gây bức xúc trong công chúng thì phải xin lỗi công khai hoặc từ chức.

Ông Trịnh Hòa Bình

ts pham thi thuy 1

Ảnh: N.V.

* TS Phạm Thị Thủy (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia):

Nhiều cán bộ, công chức hiện bị áp lực trong công việc nên có những phát ngôn không kiềm chế. Con người thường hành động theo bản năng, lời nói sẽ bộc lộ suy nghĩ bên trong của họ, thái độ của họ với công việc, với các mối quan hệ xung quanh. 

Nhiều cán bộ công chức bây giờ không đặt mình vào vị thế của dân, không ý thức được việc dân đóng thuế cho Nhà nước để trả lương cho mình. Từ đó có những phát ngôn không chuẩn mực, thậm chí lăng mạ người dân.

Có hai việc cán bộ công chức cần rèn luyện. Thứ nhất là đạo đức công vụ, phải tôn trọng, lắng nghe dân, biết giao tiếp lịch sự, phát ngôn phù hợp với hoàn cảnh. Thứ hai là kỹ năng giao tiếp và kỹ năng quản lý cảm xúc.

Những người có chức năng phát ngôn còn cần được đào tạo về kỹ năng trả lời báo chí, truyền thông. 

Việc phát ngôn bừa bãi không những gây hậu quả rõ nhất là người đó bị dân "ném đá", chê cười, bị đánh giá về đạo đức, tư duy, kiến thức mà còn làm mất niềm tin của dân vào hệ thống hành chính nói chung.

TS Phạm Thị Thủy

anh 3 (4)3 3(read-only)

Ảnh: N.KHÁNH

* TS Nguyễn Viết Chức (viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long):

Đã là quan chức thì phải phát ngôn đúng đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhưng đôi khi lời ăn tiếng nói của con người nên được nhìn nhận trong hoàn cảnh cụ thể. 

Đôi khi lời nói là tình ngay lý gian. Trong hoàn cảnh bình thường, quan chức đã phải cẩn trọng lời ăn tiếng nói và trong hoàn cảnh không bình thường càng phải hết sức kiềm chế để không có sai phạm đáng tiếc xảy ra.

Rõ ràng nếu một cán bộ luôn thấm sâu trong huyết quản trách nhiệm của mình trước nhân dân thì sẽ không có những phát ngôn lỡ lời, còn nếu chỉ hời hợt thì mới hay có phát ngôn bị dư luận lên án.

Trong điều kiện thông tin bùng nổ như bây giờ càng phải thận trọng phát ngôn và nếu có lỡ lời thì quan chức cần công khai xin lỗi. Nếu trước đó nói có ý nào chưa rõ, khiến người dân hiểu nhầm thì xin lỗi và giải thích cho rõ. Báo chí hoặc những người tham gia mạng xã hội nên có những góp ý trên tinh thần xây dựng nếu thấy có cán bộ phát ngôn sai trái.

Quan chức phát ngôn phải chuẩn xác và lựa hoàn cảnh mà nói, nhưng người dân, báo chí cũng nên chia sẻ với họ. Cán bộ nói sai thì người dân góp ý, không nên bẻ câu chữ để phán xét.

TS Nguyễn Viết Chức

nha tam ly nguyen an chat 1

Ảnh: N.V.

* Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất:

Có thể thấy hiện nay nhiều quan chức thiếu hụt trầm trọng kỹ năng giao tiếp dù đang là người có địa vị trong xã hội. Có người thích gì nói nấy, bất kỳ chỗ nào cũng nói giống nhau.

Nhiều cán bộ công chức giờ quen phát ngôn dưới góc độ quyền hành chứ không phải phục vụ nhân dân. Họ tự nghĩ mình ở vị thế bề trên, muốn cho gì thì cho, muốn mắng mỏ dân kiểu gì cũng được. 

Tôi từng chứng kiến một người bán cam ở vùng cấm bán hàng rong, bị cán bộ giật lại, gánh cam đổ hết ra đường. Khi người dân cúi nhặt cam thì cán bộ ấy đứng hạch sách, quát nạt đủ điều.

Tôi tự hỏi làm sao cán bộ nhà nước lại tự cho mình cái quyền lớn tiếng quát tháo như thế. Lẽ ra họ nên đưa người dân đến vùng an toàn, nhỏ nhẹ giải thích việc vi phạm vì bán hàng trong vùng cấm. Một lời nói, thái độ khác sẽ khiến câu chuyện khác đi.

Gần đây có một cán bộ còn nói "không cần dân, dân biết gì mà hỏi..." Nhận thức cộng với kỹ năng kém đã khiến quan chức có những câu nói trịch thượng, coi thường dân.

Phải nhận thức mình là công bộc, đầy tớ của dân, phải nhớ lời dạy của Bác Hồ: "Với dân phải kính trọng lễ phép". Chỉ cần luôn ý thức điều đó, họ sẽ có cách hành xử khác.

Ông Nguyễn An Chất

anh 2 (8) 3(read-only)

Ảnh: V.D.

* Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc:

Quan chức không chỉ là người của công chúng mà còn là người của Nhà nước. Đã có chức vụ trong hệ thống chính quyền thì phát ngôn của quan chức là tiếng nói của Nhà nước trong lĩnh vực, địa bàn họ phụ trách.

Vì vậy, quan chức khi phát ngôn phải hết sức thận trọng vì người dân hoàn toàn có thể căn cứ vào những phát ngôn đó để phán xét, đánh giá tư cách của quan chức.

Ngôn ngữ có chức năng truyền tải thông tin, thông điệp, nếu quan chức phát ngôn không chính xác thì rất nguy hại, khiến người dân hiểu không hết hoặc hiểu sai chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Ngay việc đơn giản là quá nhiều quan chức coi nói ngọng là chuyện bình thường. Dù nói ngọng chỉ là một tập quán địa phương, nhưng khi đã là quan chức thì phải sửa.

Trong bối cảnh thông tin trên báo chí, mạng xã hội lan truyền nhanh chóng, những vị có phát ngôn gây bức xúc cho công chúng cần ý thức được về việc làm không đúng của mình sau khi lắng nghe phản hồi của công luận.

Cơ quan đại diện cho cá nhân quan chức đó cần phải có tiếng nói chính thức vì đây không phải là mối quan hệ giữa cá nhân quan chức đó với công chúng mà là của đại diện cơ quan chính quyền với công chúng. Hành xử như vậy sẽ cho người dân thấy được quan chức và chính quyền đang nghiêm túc, cầu thị và lắng nghe.

Quan chức ở nước ta thường ít ý thức rằng mình là chính khách mà chỉ nặng về mình là cán bộ, lãnh đạo.

Ông Dương Trung Quốc

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,384,494       125