Các chuyên gia y tế Anh ngày 28-9 cảnh báo tình trạng béo phì tại nước này đã ở mức "bệnh dịch" và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến con số kỷ lục các ca cắt cụt chi do biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Theo Cơ quan Y tế Công cộng xứ England của Vương quốc Anh, bình quân mỗi ngày có 23 ca cắt cụt chi được tiến hành trong giai đoạn 2013-2016, tăng trung bình 16%/năm so với 3 năm trước đó.
Tổ chức Đái tháo đường Vương quốc Anh (Diabetes UK) cho biết những con số này là "cực kỳ nghiêm trọng" với 80% số bệnh nhân đái tháo đường tử vong trong vòng 5 năm sau phẫu thuật.
Tổ chức này cảnh báo xu hướng trên có liên hệ trực tiếp với tình trạng béo phì đang ngày một gia tăng tại Anh, với thực trạng cứ hai người trưởng thành, có một người thừa cân hoặc béo phì.
Nhiều chuyên gia y tế chỉ trích các chính phủ nối tiếp nhau tại Anh "đã thất bại" trong việc ngăn chặn tình trạng béo phì ngày càng nghiêm trọng.
Ông Dan Howart, phụ trách mảng điều trị của Diabetes UK, cho rằng hầu hết các ca cắt cụt chi tại Anh là hậu quả của việc ngày càng có nhiều người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 do béo phì.
Theo ông Howart, "thảm họa" hiện nay lẽ ra đã có thể được ngăn chặn tốt hơn nếu chính phủ có các biện pháp hiệu quả trong việc cảnh báo người dân về các nguy cơ của bệnh và khuyến khích lối sống lành mạnh.
Diabetes UK cho rằng bệnh đái tháo đường tuýp 2 về cơ bản là có thể phòng tránh được và thậm chí 80% số ca cắt cụt chi cũng có thể được ngăn ngừa nếu bệnh nhân tiểu đường được hướng dẫn cách chăm sóc bản thân và kiểm tra các vết loét thường xuyên.
Đầu tháng 9 này, Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) cũng đã đưa ra khuyến cáo tất cả công dân trên 40 tuổi phải được sàng lọc bệnh đái tháo đường và hàng triệu người khác phải thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ.