Sống khỏe

Trước lo toan tột cùng và thiếu thốn cay nghiệt, tôi không chùn bước!

TTO - Ngày đến trường nhập học, tôi chỉ có hơn 2 triệu đồng mượn thầy cô để đóng trước phân nửa của nửa học kỳ đầu. Tôi đi học trong lo toan gánh nặng tột cùng và sự thiếu thốn cay nghiệt. Nhưng tôi không chùn bước!

Trước lo toan tột cùng và thiếu thốn cay nghiệt, tôi không chùn bước! - Ảnh 1.

Sau giờ học, Nương xuống ao hái bông súng. Nương nói chịu khó cũng kiếm được tiền để trang trải cuộc sống - Ảnh: T.Trang

Tôi là chị lớn trong nhà, sau tôi còn hai đứa em gái nhỏ học lớp 3 và lớp 9. 

Sinh ra ở vùng quê nghèo khó thuộc xã Mỹ An, huyện Mang Thít (Vĩnh Long), tuổi thơ của chị em tôi là chuỗi ngày theo cha mẹ đi làm thuê vì ở nhà không có người trông, tóc cháy vàng hoe, mặt mày lấm lem, song đó là khoảng thời gian tôi hạnh phúc nhất. 

Cho đến một ngày... mẹ đi biền biệt, bỏ lại bốn cha con.

Phận con cái, tôi không hiểu hết chuyện của cha mẹ nhưng tôi không ghét bỏ ai hết. Những ngày không có mẹ, chiều chiều cha hay bắc ghế ra sân, ngồi buồn rười rượi, còn hai đứa em nhỏ xíu không biết gì khóc suốt ngày. Mọi người nhìn chị em tôi bằng ánh mắt thương cảm... 

Từ đó, tôi phải "làm mẹ" để bảo bọc, lo toan cho các em.

Hằng ngày cha đi vác gạch thuê ở gần nhà. Vào mùa xay lúa, cha đi bốc vác cho mấy ghe lúa cách nhà mấy chục cây số. Hôm nào rảnh, cha tranh thủ mua vài con cá, chỉ kịp thảy qua hàng rào để tôi chuẩn bị bữa cơm. 

Có buổi nắng lên tới đỉnh cây dừa, chưa thấy cha về, mấy chị em qua tiệm tạp hóa mua thiếu vài quả trứng vịt về luộc ăn cơm để kịp giờ đến lớp.

Ngoài giờ học, tôi đi hái bông súng đem ra chợ bán, xoay tiền mua gạo và thức ăn cho một ngày. Bữa nào hên bắt thêm được ốc, cá thì ngày đó có dư. Khi tôi học lớp 10, cha đổ bệnh, nằm ở nhà mà không có tiền khám. 

Bên cha, bên em thơ, tôi quay cuồng vừa chuyện nhà, vừa đi làm cỏ thuê, rửa chén ở quán. Gắng lắm tôi mới không bỏ học ngày nào. 

Cha nằm đó ngày càng yếu, tôi chạy vạy khắp nơi mượn được vài trăm ngàn đồng cộng với tiền cầm chiếc xe máy (cũng là tài sản duy nhất trong nhà) đưa cha đi Sài Gòn khám bệnh.

Khi ấy căn bệnh ung thư tuyến giáp của cha đã chuyển sang giai đoạn 3 cần phải xạ trị, chi phí lên tới bạc triệu - một số tiền quá lớn so với gia cảnh hiện giờ.

Mấy cha con lại về nhà, cha chỉ uống thuốc nam cầm chừng. Nhìn cha oằn đau, hai em bữa no bữa đói, nhiều lúc tôi muốn buông xuôi. 

Thay vì mỗi ngày đến lớp, tôi đi làm thuê để kiếm vài chục ngàn. Có lúc tôi muốn kêu to song chẳng còn sức để kêu.

Nhưng xét tới cùng, không có sự lựa chọn nào tốt hơn con đường học vấn. Tôi phải làm gương cho các em, hơn hết để mọi người thấy rằng dù gia cảnh bất hạnh chị em tôi cũng sẽ thành tài.

Tôi đậu đại học trong sự vui sướng và lo lắng. Ai cũng hỏi làm sao mà học được khi không có tiền? Tôi không sợ cực, không sợ khổ mà chỉ sợ một ngày nào đó cha không còn, chị em sẽ côi cút.

Ngày đến trường nhập học, tôi chỉ có hơn 2 triệu đồng mượn từ thầy cô để đóng trước phân nửa của nửa học kỳ đầu và làm cam đoan với nhà trường sẽ sớm hoàn tất. 

Tôi hình dung trong đầu sau những ngày lên lớp, mình phải làm việc hết sức để có tiền học và gửi về cho cha, cho em.

Tôi đi học trong nỗi cô đơn da diết, trong sự lo toan gánh nặng tột cùng và sự thiếu thốn cay nghiệt.

Nhưng tôi không chùn bước!

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,389,438       294