Với 30 năm kinh nghiệm làm việc ở nhiều nước trên thế giới, ông Pete Kenedy, Tổng Hiệu trưởng của TH School có những chia sẻ cởi mở về mô hình giáo dục quốc tế và những cơ hội tuyệt vời mở ra cho học sinh Việt Nam.
Thầy Pete Kenedy - Tổng Hiệu trưởng Hệ thống Trường TH School
Ông Pete Kenedy có bằng Cử nhân toán học và bằng Thạc sỹ Quản lý giáo dục tại New York, Mỹ. Ông có kinh nghiệm 20 năm là một giáo viên dạy Toán ở các trường Trung học tại Mỹ.
12 năm trở lại đây, ông làm Hiệu trưởng của các trường Quốc tế trên khắp thế giới như Mỹ, Philippines, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Brazil, Italy và Việt Nam.
Trong 5 năm sống và làm việc tại Việt Nam, ông là Hiệu trưởng của Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc (UNIS) và hiện tại ông đang giữ vai trò là Tổng Hiệu trưởng của TH School.
Đối với ông, quyết định tiếp tục ở lại Việt Nam làm việc với tư cách Tổng Hiệu trưởng TH School là một mối "duyên lành".
Đó là một quyết định đến từ sự đồng điệu về triết lý giáo dục, sự cảm phục với tầm nhìn và tâm huyết của bà Thái Hương - người đã ấp ủ và biến ước mơ về một ngôi trường "chuẩn" quốc tế đầu tiên dành cho học sinh Việt Nam thành hiện thực.
Ông đã chia sẻ những điều đó với tất cả sự hào hứng và nhiệt huyết của một người thầy, một nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm trong cuộc nói chuyện của chúng tôi.
* Thưa ông, từng có nhiều năm kinh nghiệm ở vị trí hiệu trưởng của các trường quốc tế uy tín trên khắp thế giới, lý do gì đã khiến ông quyết định đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng của TH School?
Thứ nhất, khi tôi gặp bà Thái Hương vào năm ngoái, bà có chia sẻ với tôi về ngôi trường mà bà đang xây dựng, ở đó học sinh không chỉ tập trung vào các vấn đề học tập để đạt thành tích cao, mà trau dồi kiến thức song song với vun dưỡng cảm xúc, nâng cao hiểu biết xã hội và rèn luyện thể chất.
Tôi thực sự hứng thú với ý tưởng về một môi trường mà ở đó học sinh được trải nghiệm một chương trình quốc tế toàn diện đích thực.
Tổng Hiệu trưởng Hệ thống Trường TH School cùng học sinh đánh trống khai giảng năm học mới 2017 - 2018
Lý do quan trọng thứ 2 xuất phát từ mong muốn của bà Thái Hương, đó là tập trung vào gìn giữ văn hóa, di sản, ngôn ngữ Việt qua một chương trình Việt Nam học được tinh lọc với phương pháp giảng dạy tươi mới.
Sự kết hợp các yếu tố đó quả thật vô cùng hấp dẫn. Nếu như ở các trường quốc tế, nơi học sinh đến từ những quốc gia khác nhau và tiếp cận các yếu tố văn hóa quốc gia một cách chung chung, thì ở TH School học sinh vừa được học một chương trình quốc tế, vừa có thể thành thạo về ngôn ngữ, nắm vững về truyền thống và văn hóa Việt Nam với niềm tự hào sâu sắc.
* Tôi thấy ông nhắc nhiều đến yếu tố duy trì "bản sắc văn hóa" cho học sinh trong môi trường giáo dục quốc tế. Theo ông, tại sao điều đó lại quan trọng và có ý nghĩa đến vậy?
Với quan điểm đề cao yếu tố "duy trì bản sắc văn hóa", TH School giúp học sinh chuẩn bị hành trang toàn diện để có thể bước ra thế giới nhưng các em vẫn luôn trân quý các giá trị truyền thống và ước mong đóng góp xây dựng đất nước trong tương lai.
Điều này sẽ tạo ra một thế hệ học sinh có học vấn cao và tư duy phản biện sắc bén để hướng ra thế giới vì sự phồn thịnh của Việt Nam, góp phần giải quyết gốc rễ hiện tượng "chảy máu chất xám" như thực tế hiện nay.
* Với kinh nghiệm của mình, ông có thể chia sẻ một số điểm khác biệt vượt trội mà chương trình giáo dục quốc tế đang được triển khai ở TH School sẽ mang đến cho học sinh Việt Nam ở từng cấp học?
Tôi được biết việc giảng dạy ở Việt Nam hiện nay vẫn nhấn mạnh vai trò trung tâm của giáo viên, nghĩa là học sinh làm những điều giáo viên yêu cầu, học sinh trả lời những nội dung giáo viên muốn nghe. Phương pháp tiếp cận giáo dục này đã từng phổ biến ở Mỹ trong những năm 50 và 60 của thế kỷ trước.
Ngày nay, để theo kịp những xu hướng mới của thế kỷ XXI, giáo dục toàn cầu đã tập trung vào phát triển kỹ năng tư duy phản biện, khả năng phân tích...
Đó là lý do vì sao các chương trình quốc tế như IPC, IMYC, AS/Alevel… ở TH School luôn tạo mọi cơ hội để học sinh suy nghĩ và đưa ra các vấn đề hấp dẫn để thách thức tư duy của người học.
Nội dung học có thể tìm kiếm trên mạng, nhưng cách bạn suy nghĩ thì không thể. Do đó, giáo dục cần giúp người học hiểu rằng việc học thực chất là hành trình tìm tòi ẩn chứa nhiều điều bất ngờ thú vị.
Thời gian bạn lao vào khám phá, giải quyết vấn đề sẽ giúp bạn quên đi sự nhàm chán của việc "học chay" vốn xuất hiện trong các bài giảng thầy đọc và trò ghi chép.
Theo thầy Pete Kenedy, giáo dục cần giúp người học hiểu rằng việc học thực chất là hành trình tìm tòi ẩn chứa nhiều điều bất ngờ thú vị
Các chương trình quốc tế hiện nay tại TH School đều được xây dựng trên cơ sở của phương pháp Project-based Learning (Học tập theo bài tập lớn/ dự án), học sinh chủ động tham gia vào các tình huống, giải quyết vấn đề trong đời thực, qua đó học sinh không chỉ được rèn về kiến thức mà ưu tiên của chúng tôi là phát triển các khía cạnh cảm xúc khác nhau của người học.
* Tôi rất ấn tượng với sứ mệnh của TH School là "vì hạnh phúc đích thực" của mỗi học sinh, ở vị trí của một Tổng Hiệu trưởng, ông cảm nhận điều này như thế nào?
Thông điệp này của TH School là điều hấp dẫn nhất đối với tôi.
Khái niệm "hạnh phúc" ở TH School là học sinh được truyền thụ kiến thức trong một môi trường an toàn và thân thiện để các em có thể phát triển toàn diện về trí tuệ và tâm hồn.
Hạnh phúc không chỉ là các trò chơi, giải trí. Tất nhiên, hạnh phúc vẫn đến từ việc vui chơi ngoài sân, các hoạt động thể chất, nhưng ở một khía cạnh khác, cốt lõi của hạnh phúc là học sinh cảm nhận được rằng các em đã học được những điều mới mẻ trong cuộc sống.
Học sinh sẽ tự nhủ rằng: "Tôi đã làm được, dù đó là việc khó!". Hạnh phúc chính là khi bạn khám phá được giới hạn của bản thân. Hạnh phúc là khi bạn giúp ai đó hoàn thành nhiệm vụ của mình, bạn là một người có ích, bạn hạnh phúc khi ai đó hạnh phúc…
Vì thế, hạnh phúc là một khái niệm rất rộng, có nhiều yếu tố để tạo nên hạnh phúc và TH School tạo ra môi trường, động lực để học sinh tìm kiếm và thụ hưởng những niềm hạnh phúc đó.
Thầy Pete Kenedy là người bạn thân thiết của các em học sinh TH School
* Học sinh Việt Nam vẫn thường lép vế trước bạn bè quốc tế về tầm vóc và thể lực. TH School sẽ cải thiện điều này như thế nào qua chiến lược dinh dưỡng và thể chất học đường, thưa thầy?
Từ năm 1988, tôi đã từng ở Nhật trong khoảng 4 năm, rồi sau đó một thời gian có dịp quay trở lại.
Điều tôi nhận thấy rõ nhất chính là sự thay đổi về thể chất và chế độ ăn của học sinh Nhật Bản. Chế độ ăn khoa học và có lợi cho sức khỏe với nhiều chế phẩm sữa, rau, cá…. giúp cải thiện thể chất lẫn tinh thần.
TH School cũng tập trung phát triển thể chất cho học sinh, vì nghiên cứu đã chỉ rõ rằng chế độ ăn tốt cho sức khỏe và các hoạt động thể chất sẽ giúp học sinh học tập tốt hơn, trí não và cơ thể vận hành một cách chủ động hơn.
Bà Thái Hương dành nhiều sự quan tâm đến nguồn thực phẩm hữu cơ và chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh. Vậy nên bếp trưởng của TH School rất tài năng, thực đơn được xây dựng một cách khoa học theo những nghiên cứu bài bản của Viện Dinh dưỡng quốc gia.
Tôi rất thích ý tưởng Nhà trường không chỉ chú trọng đến việc dạy học kiến thức, giáo dục thể chất mà còn quan tâm tới chế độ dinh dưỡng của học sinh. Ba yếu tố kiến thức tốt, thể chất tốt và dinh dưỡng tốt sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện và phát huy được tốt nhất tiềm năng của mình.
* Theo ông, những mô hình giáo dục chuẩn quốc tế như TH School có vai trò như thế nào trong việc giúp học sinh Việt Nam tiếp cận với môi trường giáo dục hiện đại trên thế giới?
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã từng nói một câu rất hay: "Sự thông minh được chia đều cho tất cả mọi người, nhưng cơ hội thì không".
Vì vậy, mục tiêu của chúng tôi là mang đến cho học sinh cơ hội học tập theo những cách khác nhau. Vì mỗi trẻ đều có những thiên hướng thông minh khác nhau nên ưu tiên của chúng tôi là tạo ra những điều kiện khác nhau để trẻ phát huy được tốt nhất những tố chất vượt trội của mình.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, TH School với hướng đi riêng của mình sẽ mang đến nhiều cơ hội và trải nghiệm học tập phong phú cho học sinh như ở các mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới hiện nay.
* Cảm ơn những chia sẻ của ông!