Sống khỏe

Sao đo huyết áp 2 tay, chỉ số khác nhau?

TTO - Vừa qua khi khám sức khỏe định kỳ tại cơ quan, nhân viên y tế đo huyết áp tôi là 150/80mmHg. Năm nay tôi 53 tuổi và từ trước đến nay huyết áp bình thường.

Sao đo huyết áp 2 tay, chỉ số khác nhau? - Ảnh 1.

Đo huyết áp ở một bệnh viện - Ảnh: HỮU KHOA

Do lần này huyết áp cao nên ngày hôm sau tôi nhờ nhân viên y tế đo lại hai lần nữa (một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi chiều) và kết quả là huyết áp vẫn 150/80mmHg.

Với số đo huyết áp nói trên, bác sĩ tư vấn tôi nên ăn nhạt và theo dõi huyết áp trong vòng một tháng, chứ chưa phải uống thuốc. Tuy nhiên, do không yên tâm nên sau đó hai ngày tôi đi khám tại một bệnh viện công ở TP.HCM.

Lần này, nhân viên y tế đo huyết áp tôi (ở tay trái) hai lần và lần nào cũng là 110/70mmHg nên bác sĩ bảo huyết áp bình thường. 

Khi ấy bác sĩ hỏi tôi lần khám sức khỏe định kỳ nói trên tôi được đo huyết áp tay nào. Tôi bảo không nhớ và bác sĩ đo lại huyết áp theo đề nghị của tôi ở tay phải. Kết quả huyết áp của tôi khi đo ở tay phải là 150/80mmHg. 

Tôi vô cùng ngạc nhiên nên hỏi bác sĩ: "Đo huyết áp hai tay khác nhau ra kết quả khác nhau là bình thường không bác sĩ?" và bác sĩ bảo: "Bình thường".

Sau đó, bác sĩ kết luận tôi bị cao huyết áp nhưng chỉ cần uống thuốc liều nhẹ. Tôi đã uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhưng vẫn thắc mắc vì sao huyết áp đo ở hai tay khác nhau thì ra kết quả khác nhau?

Và vì sao lại căn cứ vào số đo cao hơn để kết luận tôi bị cao huyết áp mà không căn cứ vào số đo thấp hơn để nói huyết áp tôi bình thường?

H.G. (TP.HCM)

- Huyết áp khi đo ở hai tay có thể bằng nhau hoặc có sự chênh lệch nhẹ, điều này cũng thường gặp ở người không bệnh lý.

Khi đo huyết áp lần đầu, cần đo ở cả hai tay và theo quy định mức huyết áp tay nào cao hơn sẽ được dùng để theo dõi về lâu dài. Sự chênh lệch huyết áp giữa hai tay thường không quá 10mmHg. Nếu đo ở cùng thời điểm, sự chênh lệch cao hơn 10mmHg có thể có biểu hiện của bệnh lý gây hẹp mạch máu ở tay huyết áp thấp, cần được thăm khám chuyên khoa để tìm hiểu nguyên nhân.

Như vậy, trường hợp của người bệnh huyết áp tay phải 150/80mmHg (hoặc 15/8cmHg, tay trái 110/70mmHg (11/7cmHg), độ chênh lệch 150-110=40mmHg là cao, cần được thăm khám thêm để tìm nguyên nhân.

Trị số huyết áp 110/70mmHg là trong giới hạn bình thường nhưng không được dùng để nói người bệnh này có huyết áp bình thường, vì theo nguyên tắc giữa hai trị số huyết áp một nơi cao một nơi thấp thì nơi thấp là do hậu quả của một tình trạng bệnh lý gây hẹp nào đó.

Để tránh lo lắng, trước khi đi khám, bệnh nhân cũng có thể kiểm tra huyết áp tại nhà vài lần xem có thực sự đúng như vậy không.

Một số mẹo sau đây có thể giúp việc theo dõi huyết áp tại nhà chính xác hơn:

- Tránh dùng cà phê trà, rượu hoặc hút thuốc trong vòng 30 trước khi đo huyết áp.

- Ngồi ghế tựa lưng, chân thòng xuống đất thư giãn ít phút trước khi bắt đầu đo.

- Khi đo, đặt tay và cùi chỏ duỗi thẳng ở vị trí ngang bằng với tim.

- Khi quấn băng đo huyết áp phải đảm bảo bao phủ hết xung quanh cánh tay (bắp tay). Đợi một vài phút đo lại lần hai, nếu trị số hai lần đo gần giống nhau, lấy giá trị trung bình. Nếu hai lần đo quá khác biệt, đo thêm lần ba và lấy giá trị trung bình.

- Lặp lại tương tự ở tay còn lại. Thông thường, huyết áp tay phải hơi cao hơn tay trái.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,403,486       104