TTCT - Có hai từ tôi cảm nhận trong chuyến đi Đà Lạt lần này là: nhẹ nhàng. Yêu sao cái cảm giác lạnh cóng do những cơn mưa chiều làm cả nhà như muốn chăn ấm gối êm, e ấp ôm nhau... ngủ.
Hoàng hôn trên hồ Tuyền Lâm.-Ảnh: M.N. |
Tôi vẫn vậy, đi cùng đoàn, theo đoàn, hòa cùng bầu nhiệt huyết. Rồi khi có chút thời gian riêng vào buổi trưa, tôi lang thang, lãng đãng đâu đó góc cà phê bờ hồ Xuân Hương, để thích thú với cái lạnh, cơn mưa, cái buồn lạnh, vắng lặng người qua lại nơi bờ hồ.
Tôi rủ rê hai anh bạn đồng nghiệp đi bộ để cảm nhận Đà Lạt, để men theo những con dốc thoai thoải, cao thật cao, là đặc trưng của thành phố mộng mơ này. Ba người chúng tôi cứ đi, mặc cơn mưa táp vào mặt, hôn vào má như đón chào những vị khách lữ hành du miên qua miền Đà Lạt.
Nói về Đà Lạt, diễn tả làm sao nhỉ? Tôi cho rằng có những điều thân quen để nói về Đà Lạt: là những con dốc thoải, những đồi thông nối với đồi thông, những ngôi nhà mộng mơ bên đồi, những ánh trăng xa lãng mạn, cái lạnh cơ hồ, tiếng móng ngựa trên những con đường cong khúc khuỷu, những âm thanh mơ hồ trong đêm vắng dù mới 21h tối...
Đà Lạt là thế, từ bao đời vẫn thế. Chẳng vậy mà khi bắt gặp bài thơ về Đà Lạt Một lần trăng của Nguyễn Duy với bốn câu thơ mà ôm trọn được Đà Lạt thì quả là tài hoa:
Trăng ảo ảnh lập lờ trong sương trắng
Ngọn gió nhà ai thấp thoáng bên đồi
Tiếng móng ngựa gỗ dòn trên dốc vắng
Nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi.
Ảnh: M.N. |
Đà Lạt bớt lạnh hơn những năm trước, nhưng cái buồn man mác của kẻ lữ hành thì còn đó. Cơn mưa chiều không ngớt, cà phê chút tâm tình với bờ hồ gác lại, để kéo tôi quay về thực tại, kéo mọi người ra cơn mơ ngủ để cảm nhận cái tĩnh lặng, mật, thiền nơi thiền viện Trúc Lâm.
Lại mây bay ngang núi, gió thổi lưng đồi khiến người lữ khách như dạo chơi giữa chốn thiên đường trần gian. Ở giữa chánh điện là bức tượng Phật ngồi, cầm đóa sen trên tay, mà người ta thường gọi là niêm hoa vi tiếu.
Chiêm ngắm và tĩnh tâm tôi như được về với triết lý Vô Ngôn của nhà Phật. Tôi tĩnh lặng trong giây lát, ngắm nhìn miên mật cho riêng mình, rồi mời gọi mọi người đến để chia sẻ chút hiểu biết của mình, để mọi người hiểu hơn về bức tượng Phật với câu chuyện niêm hoa vi tiếu, nghe câu chuyện trao truyền chánh pháp của Đức Phật cho Ngài Ma Ha Ca Diếp... để hiểu về đạo Phật, về triết lý vô ngôn của đạo Phật, về thiền tông, về câu chuyện “An tâm” của Thần Quang - nhị tổ Huệ Khả đến cầu đạo sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma.
Du khách thường tìm về những đồi chè ở Cầu Đất (Đà Lạt) tận hưởng không khí trong lành và khung cảnh thiên nhiên trữ tình.-Ảnh: M.N. |
Thiền viện Trúc Lâm có hồ Tĩnh Tâm, có hồ Tuyền Lâm, có không gian tĩnh mịch chốn Thiền Tông. Trên tháp chuông trước chánh điện có hình vẽ về Tổ Bồ Đề Đạt Ma, có ghi lại những lời dạy chư Phật, hay bốn câu thơ về thiền của Phật hoàng Trần Nhân Tông - người sáng lập phái Trúc Lâm Yên Tử: Ở đời vui đạo hãy tùy duyên / Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền / Trong nhà có báu thôi tìm kiếm / Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Tôi để cho mình trôi theo cái lặng im của gió thoảng, của mưa phùn. Không nói để lắng, để nghe lời răn dạy của người xưa vọng về..., tự thốt lên câu thơ của chính mình vọng ra:
Gió thoảng mây bay lưng chừng núi
Chuông đổ hồ xanh vọng tiếng về
Trúc Lâm thiền viện lời sư Tổ
Vô Ngôn đối cảnh chớ hỏi thiền.
Đà Lạt, thiền viện Trúc Lâm, hồ Xuân Hương, con dốc thoải, cái lạnh, cơn mưa phùn, đồi thông lặng im, cành lá thông như đã lặng chìm, âm thanh mơ hồ trong đêm vắng... xâm chiếm trái tim đoàn lữ khách.■
LTS - Sau bốn tuần khởi động, cuộc thi viết “Tận hưởng bản sắc Việt” đã nhận được trên 50 bài viết dự thi của bạn đọc khắp vùng miền đất nước. Xin tiếp tục giới thiệu một số bài viết dự thi. Cuộc thi “Tận hưởng bản sắc Việt” lần 2 do báo Tuổi Trẻ cùng Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) tổ chức với sự đồng hành của Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, khách sạn Grand, khách sạn Rex. |