TTCT - Ai từng du học “trời Tây” sẽ nhớ như in những buổi cuốc bộ rạc cả chân. Ngày đầu mới sang Minsk, thủ đô Belarus, tôi đã ngớ ngẩn hỏi các anh chị ở đây đi học bằng phương tiện gì, câu trả lời là đi bộ, tất nhiên.
Minsk - Ảnh: Slavorum |
Từ ký túc xá đến trường có nhiều đường để đi, nhưng đường nào cũng dài chừng 2km. Những ngày đầu chưa quen, tối về hai chân mỏi nhừ. Nửa tháng sau quen và đâm ra thích đi bộ hơn là dùng các phương tiện giao thông công cộng.
Đi bộ thành ra một thói quen, một thứ phương thức đi lại chủ động và khỏi mất tiền của người dân Belarus. Trong khoảng 3km, phần lớn người ta đều đi bộ. Vỉa hè ở Minsk rộng và thoáng. Độ rộng vỉa hè tương đương với độ rộng mặt đường và không hề bị lấn chiếm. Đấy là sự ưu tiên đầu tiên cho người đi bộ.
Dọc các vỉa hè thường có những băng ghế gỗ cho người ngồi nghỉ. Ghế lúc nào cũng sạch sẽ và bên cạnh có một sọt rác. Người đi bộ có thể dừng lại nghỉ ngơi, ăn nhẹ hoặc hút thuốc. Cái sọt rác dành để bỏ vỏ bánh kẹo, gạt tàn thuốc, vứt đót thuốc. Hiếm khi thấy người vừa đi vừa ăn bánh hoặc hút thuốc, vì nếu muốn, người ta sẽ tìm đến các băng
ghế có sẵn trên đường, vừa thoải mái vừa sạch sẽ và thể hiện văn minh. Đấy là sự ưu tiên thứ hai.
Trên các con đường nhỏ, vạch trắng băng ngang dành cho người đi bộ được bố trí nhiều và không cần có đèn xanh đỏ báo hiệu, cũng không cần công an túc trực.
Nếu muốn sang đường, ta chỉ cần đứng trên vỉa hè chỗ vạch trắng. Các tài xế sẽ cho xe dừng ngay trước vạch băng ngang nhường đường cho người đi bộ, dù chỉ một người muốn qua đường.
Dăm bảy chiếc ôtô đợi một người đi sang đường là chuyện bình thường. Riêng trên các đại lộ, vạch cho người đi bộ được thay thế bằng các hầm xuyên đường. Hầm rộng đến mức ở dưới đó có các quầy hàng bán hoa hoặc tạp hóa. Đấy là sự ưu tiên thứ ba.
Giữa thủ đô Minsk thỉnh thoảng có những khu vườn cây săng lẻ và trồng xen các khóm hoa tulip, phía trên có nhiều loài chim tự nhiên bay nhảy. Những khu vườn như thế được gọi là rừng. Rừng trong lòng phố. Giữa rừng có đường lát đá chỉ để cho người đi bộ.
Đi ngang qua những khu rừng ta cảm giác thanh thản và thích thú. Vào mùa thu lá rừng vàng mộng, đó cũng là lúc những cây táo, cây lê quả chín lúc lỉu trên cành. Thích có thể trèo lên hái vài quả ăn. Địa hình thủ đô Minsk mang nét một thảo nguyên nên có nhiều con đường dạng bậc cấp.
Đây cũng là những con đường duy nhất chỉ dành cho người đi bộ. Tính tổng thể, người đi bộ có nhiều lựa chọn đường để đi hơn. Đấy là sự ưu tiên thứ tư.
Ở đây rất ít người sử dụng xe cá nhân. Ngoài đi bộ, người ta sẽ dùng các phương tiện công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt, xe điện. Xe máy, xe đạp hiếm hoi lắm mới thấy trên đường, đó là loại phương tiện của dân chơi.
Ôtô cá nhân ít vì không tiện sử dụng trong bốn tháng mùa tuyết rơi. Thành ra, mỗi người có một “phương tiện” di chuyển là hai chân của mình.
Buổi sáng không thấy cảnh người chạy thể dục, vì mỗi ngày dân Belarus đều có đi bộ một quãng dài chừng 5km đi về, một cách thể dục tích hợp tiết kiệm thời gian.
Khi về Việt Nam, tôi vẫn giữ thói quen đi bộ và đi rất nhanh, rất bền. Nhưng chưa đầy một tháng đã hết chịu nổi với bụi bặm, tiếng còi xe, buôn bán dọc vỉa hè...
Mà vỉa hè nhỏ, quán ăn sắp bàn ghế tràn ra choán hết, nhiều khi đi bộ rất ngại vì phải băng giữa những người đang nhồm nhoàm ăn uống...
Chưa kể, đèn đỏ cho phép xe máy rẽ phải thì người đi bộ có ngày bị xe tông chứ chẳng chơi. Đi bộ 2km ngoài đường ở ta là chuyện chẳng đặng đừng.
Rõ ràng người đi bộ ở nước ta chưa có được những sự ưu tiên cần thiết. Và có lẽ, trong nếp nghĩ của những người làm công tác giao thông, đi mà không có phương tiện là chưa phải tham gia giao thông, nên không chú ý đến chuyện ưu tiên chăng?