TTO - Trong số những nhạc sĩ đóng góp nên đời sống phồn thịnh của âm nhạc Hà Nội giai đoạn 1945-1954, Hoàng Giác có một lượng bài hát được ấn hành và phổ biến đáng kể.
Khác với ấn tượng rằng ông chỉ có đôi bài Mơ hoa, Ngày về viết trong những năm 1944-1946 là dấu ấn, Hoàng Giác thực sự là một nhân vật năng động của dòng nhạc lãng mạn nối dài sau Cách mạng Tháng Tám.
Ông góp phần làm nên diện mạo của âm nhạc đô thị Hà Nội thời tạm chiếm.
Nỗi lòng ngổn ngang của người đi - người về
Thời gian này, Hoàng Giác trực tiếp biểu diễn tại các sân khấu Hà Nội, dạy đàn tại nhà và tạo nên một nhóm bạn bè cùng trào lưu như Nguyễn Thiện Tơ, Ngọc Bảo...
Những bài hát có tính cách xã hội của ông về cuộc chiến tranh bùng nổ thực sự là một đóng góp quan trọng trong việc bộc lộ nỗi niềm tâm sự của những con người bị bom đạn chinh chiến xô đẩy, bỏ lại quê hương "nơi xưa nghìn năm sống với nhau êm đềm" (Tiếng hát biên thùy - viết chung cùng Nguyễn Thiện Tơ).
Ở những bài ca này, niềm day dứt của việc ra đi và trở về bao trùm: "Ai vui tranh đấu giữa rừng xanh / Ta tạm dìm thân giữa thị thành / Để những chiều buồn xa xôi ước / Bao giờ trở lại ánh bình minh" (đề từ Xa xôi - 1950).
Trái với hình dung về một không gian âm nhạc Hoàng Giác chủ yếu là những giấc mơ hoa tươi sáng với "người gặp gỡ trong một chiều mơ" (Mơ hoa - 1944) hay lãng đãng "tung cánh chim tìm về tổ ấm" (Ngày về - 1946), những bài ca của Hoàng Giác trải rộng từ đề tài lịch sử như Huyền Trân đến chiến sự như Khúc hát thương binh, Anh sẽ về và nổi bật là những bài hát chủ đề quê hương như Hương lúa đồng quê, Quê hương...
Quê hương của thế hệ Hoàng Giác đã không còn nguyên vẹn như trước và nỗi lòng ngổn ngang của người đi - người về xâm chiếm họ, tạo ra một nỗi luyến tiếc không nguôi về một quê hương lý tưởng: "Ai qua miền quê binh khói / Nhắn giúp rằng nơi xa xôi / Tôi vẫn mơ lùm tre xanh ngắt / Tim se sắt cảnh xưa hoang tàn" (Quê hương).
Nguồn an ủi cho những cuộc đời bình dị
Là một người làm nhạc chuyên nghiệp, Hoàng Giác có những nét nhạc mang tính chất xã hội đậm nét. Ông sử dụng những yếu tố truyền thống trong ca khúc như sử dụng những lối ngâm sa mạc mở đầu một số bài hát, tạo nên một cảm giác bình dị mộc mạc.
Những ca khúc có tiết tấu nhanh, réo rắt kiểu nhạc nhảy như Mơ hoa, Lỡ cung đàn cũng bổ sung nét đa dạng biến hóa cho sáng tác của Hoàng Giác.
Dường như đến ông, lời ca của tân nhạc giãi bày hơn, kể chuyện tâm tình hơn so với những sáng tác nhiều tính biểu tượng mơ hồ của thập niên trước: "Lòng nhủ thầm đàn đứt dây tơ, nối làm chi cuộc sống trong mơ. Cuộc đời còn nhiều lúc khắt khe. Lòng người còn nhiều lúc sắt se. Quên đi hình bóng ngày qua" (Bóng ngày qua).
Hoàng Giác một mặt vẫn nối tiếp thi pháp nhiều sương khói lãng đãng của những nhạc sĩ tiền chiến, mặt khác đã gợi nên một ý niệm về sự bất toàn của cuộc đời có màu sắc hiện sinh.
Sự dằn vặt trong ca từ cũng có thể xem như đại diện cho một tâm trạng chung nhiều khi có chút ai oán lâm ly, rất đặc trưng của cư dân đô thị: "Ta sống không một lời trìu mến. Như bóng con đò chiều lạc bến. Lờ lững trôi qua cùng ngày tháng phôi pha, duyên kiếp sau ta chờ nhau" (Ngày về).
Chúng cũng có cái vẻ tài tử huê tình của thanh niên đô thị rất quyến rũ người nghe.
Chính vì thế mà khi bài hát Mơ hoa được ca sĩ trẻ 19 tuổi Erik hát lại trong chương trình Giai điệu tự hào tháng 12-2016, bản thân nhạc sĩ Hoàng Giác cũng lấy làm thích thú với phần biểu diễn này. Nhiều thế hệ ca sĩ nổi tiếng đã thành công với những bài hát của ông như Ái Liên, Thương Huyền, Mai Khanh, Ngọc Bảo, Duy Trác, Khánh Ly...
Hoàng Giác vẫn còn tiếp tục viết một số bài hát sau 1954, chẳng hạn như Trời bừng sáng viết nhân dịp kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.
Tuy nhiên, người ta vẫn nhớ tới những bài hát mang tâm thế lãng mạn của một thế hệ người Việt đã nuôi dưỡng trong khung cảnh ly loạn của chiến tranh.
Chúng giống như những nguồn an ủi cho những cuộc đời bình dị. Chúng gợi nên những mộng mơ phiêu lãng, những khao khát trong trẻo trong hoàn cảnh "cuộc đời nhiều lúc khắt khe".
Hơn cả những bài ca gợi nhớ, chúng đã thành một phần của những thói quen văn hóa cộng đồng, mà khi cất lên vẫn còn sức lay động bởi vẻ đẹp của một dư âm "hoa còn tàn úa, tơ lòng còn vương".