Sống khỏe

Cựu CEO Microsoft Việt Nam rẽ sang giáo dục

TTO - Ông Vũ Minh Trí - nguyên tổng giám đốc Microsoft Việt Nam - vừa "đầu quân" về Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NHG), đảm nhận chức vụ phó tổng giám đốc phụ trách khối đại học.

Cựu CEO Microsoft Việt Nam rẽ sang giáo dục - Ảnh 1.

Ông Vũ Minh Trí - nguyên tổng giám đốc Microsoft Việt Nam - vừa "đầu quân" về Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NHG), đảm nhận chức vụ phó tổng giám đốc phụ trách khối đại học - Ảnh: TG

Ông Vũ Minh Trí là người có nhiều năm kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh và tiếp thị tại các tập đoàn đa quốc gia như Procter&Gamble, Brtish Petroleum, British American Tobbaco.

Sinh năm 1973, ông Trí có hơn 13 năm nắm giữ vị trí CEO tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Sony Ericsson Việt Nam, Yahoo Việt Nam, Qualcomm, Microsoft Việt Nam.

Ở thời điểm cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ, từ một nhà quản trị hàng đầu trong thế giới công nghệ, ông Vũ Minh Trí lại rẽ hướng vào hoạt động giáo dục. Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trò chuyện với ông Trí để hiểu thêm về quyết định đặc biệt này.

Ước muốn làm giáo dục

* Xin chào ông, lý do gì khiến ông đưa ra quyết định này?

Dù phải học rất nhiều khi chuyển sang giáo dục nhưng tôi không chán nản. Ngược lại, tôi thấy phấn khích về những điều mình chưa biết.

Ông Vũ Minh Trí Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Đại học và Sau Đại học (NHG)

Thật ra, tôi đã từng chia sẻ trên nhiều phương tiện truyền thông trước đây về kế hoạch vào độ 45 tuổi tôi sẽ chuyển sang dạy học hoặc tham gia lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Tôi luôn có mong ước được cùng các em lứa sau chia sẻ kiến thức, để các em học nhanh hơn, tiến xa hơn và hội nhập dễ dàng hơn.

Gắn bó với lĩnh vực công nghệ đã lâu, tôi nhận ra cách tốt nhất để tạo nên những ảnh hưởng tích cực của công nghệ lên cuộc sống là mang chúng ứng dụng vào từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó, giáo dục là lĩnh vực cực kỳ quan trọng, nó cũng chính là mong muốn từ lâu của tôi.

Làm công nghệ thật ra là làm phát triển. Tôi nghĩ giờ là lúc thích hợp cho ước mơ của tôi.

* Ông đã có nhiều trải nghiệm với sản phẩm công nghệ, nay chuyển sang làm việc với con người. Ông đã chuẩn bị mang theo những gì, thưa ông?

Tôi có mục tiêu, đó là đóng góp phát triển cho bạn trẻ, các bạn chính là tương lai của đất nước và thế giới. Cách nào đó ảnh hưởng tích cực lên lớp trẻ, giúp họ có điều kiện đóng góp nhiều hơn, phát triển nhanh hơn thì chỉ có giáo dục.

Thế giới công nghệ là thế giới của người trẻ và tư tưởng trẻ trung. Tôi đã luôn ở trong thế giới trẻ suốt thời gian qua, dù làm quản lý cho các đơn vị về công nghệ nhưng tôi vẫn luôn hướng đến đích cuối của chuỗi là hỗ trợ các bạn trẻ hoạch định tương lai của mình, từ đó có hướng phấn đấu phù hợp.

Thật vậy, mọi hoạt động kinh doanh nghĩ đến cuối cùng cũng đều hướng về phục vụ nhu cầu của con người và tất cả những tập đoàn thành công trên thế giới đều có chiến lược về con người - đó là điều nhà quản trị chuyên nghiệp nào cũng mang theo, dù đi với bất kỳ lãnh vực nào, tôi cũng vậy.

Vậy nên giáo dục con người luôn là đam mê của tôi. Dù tôi đã làm ở lĩnh vực nào đi nữa, như phần cứng điện thoại di động, internet, viễn thông hay các phần mềm,… thì tôi luôn trăn trở làm sao để có thể dẫn dắt các bạn trẻ, hỗ trợ và giúp họ phát huy khả năng của mình.

* Sản phẩm giáo dục chính là con người, rất khác với một hệ thống công nghệ dù tối tân đến mấy cũng là phương tiện hỗ trợ con người. Hẳn là ông gặp khó khăn chứ, thưa ông?

Chắc chắn có và gặp rất nhiều khó khăn là đằng khác. Nhưng tôi xem đó là thách thức - nghĩa là có cách vượt qua ở đâu đó, mà để có nó thì điều tôi cần là học hỏi. 

Quyết định chuyển sang lĩnh vực giáo dục là tôi tự hiểu dù mình đang làm quản lý giáo dục nhưng chọn tư thế cho mình là tư thế của người đi học. Vì đơn giản là sản phẩm giáo dục khác với những sản phẩm mà trước đây tôi từng làm - sản phẩm giáo dục là con người.

Kết quả của hoạt động giáo dục sẽ ảnh hưởng rất nhiều lên đời sống của mỗi người và của toàn xã hội. Do vậy, tôi phải học hỏi để làm sao có được sản phẩm giáo dục tốt nhất bằng cách có sự thay đổi về tư duy, nâng cao yếu tố chất lượng, cơ sở vật chất, hiểu các cơ chế chính sách về giáo dục. Khi mình chịu học, sẽ có cách và luôn có người bên cạnh mình hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm bản thân, có thể gọi là một thuận lợi khi tôi từng là sinh viên học tập tại Việt Nam và cả nước ngoài nên tôi hiểu được những ưu điểm và hạn chế của nền giáo dục nước ta và nước bạn. Tôi từng quản lý doanh nghiệp nên tôi hiểu doanh nghiệp cần gì ở sinh viên, ở nhà trường và ở cả chuỗi giáo dục. 

Tôi cũng từng là nhà tuyển dụng nên tôi hiểu điểm hạn chế của sinh viên cũng như độ chênh giữa kiến thức trong nhà trường với thực tế doanh nghiệp. Chúng tôi cũng biết doanh nghiệp đã làm gì và không thể làm gì trong việc đào tạo lại nguồn nhân lực. 

Mặt khác, tôi cũng nhận ra các giới hạn của nguồn nhân lực rất khó vượt qua trong dòng toàn cầu hoá. Tôi nghĩ, chúng tôi sẽ sử dụng hiệu quả các hiểu biết đó.

Tôi sẽ là "cầu nối" giúp các học sinh, sinh viên của hệ thống giáo dục NHG không rơi vào thất nghiệp, vững chắc lý thuyết và cả kỹ năng lẫn thực tiễn. Và các bạn toàn cầu hoá thành công. Khó, nhưng ta phải làm điều cần làm thôi.

* Ở vai trò mới, đâu là những việc cần phải bắt tay vào ngay và đâu là kế hoạch về lâu dài?

Tôi không nghĩ có sự phân chia như thế. Ở bối cảnh hội nhập toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ thì tôi cho rằng tất cả mọi thứ phải được bắt đầu ngay bây giờ.

Chúng ta phải thay đổi cách dạy và học từ giáo viên là trung tâm chuyển sang người học là trung tâm. Vì khi giáo viên là trung tâm thì người học chỉ nghe một chiều kiến thức chỉ đến từ giáo viên. Như vậy, nếu giáo viên tốt thì có nhiều kiến thức tốt nhưng nếu giáo viên chưa tốt thì người học mất hoặc hiểu sai những nội dung được truyền đạt.

Hướng tiếp cận giáo dục lấy người học làm trung tâm, giáo viên là người hướng dẫn với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin sẽ giúp việc học dễ dàng hơn. Người học trở nên chủ động trong tự nghiên cứu, thảo luận và phản biện. 

Giáo viên phải cập nhật thường xuyên các kiến thức để giải đáp thắc mắc của người học, tự đẩy mình lên những tầm cao mới, hiểu được tâm lý, suy nghĩ của người học.

* Theo định hướng của NHG, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) sẽ phát triển theo hướng là một đại học chuẩn quốc tế. Ông có kế hoạch gì đối với HIU?

Hệ thống giáo dục của NHG không chỉ có ĐH HIU mà còn có ĐH BVU và nhiều cơ sở giáo dục khác. Trong tương lai, chúng tôi có kế hoạch mở thêm các cơ sở mới, phát triển ở nhiều địa phương, trong và ngoài nước. Vì vậy, mỗi cơ sở đào tạo sẽ có một bản sắc riêng, phát huy các giá trị đặc thù. Trong đó, điểm chung là đều chú trọng phát triển ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối và quản lý.

Riêng với ĐH HIU, ngoài Tòa nhà Con tàu tri thức, chúng tôi sẽ có thêm những cơ sở vệ tinh theo quy chuẩn quốc tế để hỗ trợ lẫn nhau. ĐH HIU sẽ đẩy mạnh đào tạo các ngành học theo nhu cầu xã hội, đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chúng tôi sẽ củng cố đội ngũ giáo viên, hướng tới môi trường 100% giảng dạy bằng tiếng Anh trong khoảng 3-5 năm nữa. Sinh viên ĐH HIU sẽ được hưởng tất cả những công nghệ mới nhất, được sử dụng Office 365 bản quyền miễn phí, mọi liên lạc giữa sinh viên và giáo viên chỉ nằm trên điện thoại, không còn cảnh chờ đợi để làm các thủ tục, hướng tới mô hình giảng dạy không giấy tờ.

Tính quốc tế còn nằm ở hoạt động giao lưu và liên thông với các trường quốc tế. Sinh viên có cơ hội rất lớn để tiếp xúc chương trinh giáo dục ở nước ngoài. Sinh viên HIU học ở Việt Nam cũng được tính như một năm của trường quốc tế…

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,405,744       684